Vụ tai nạn lật tàu du lịch trên sông Hàn, Đà Nẵng xảy ra vào tối ngày 4/6 đã trở thành một nỗi đau và nỗi ám ảnh khôn nguôi cho rất nhiều bậc phụ huynh, khi mà trong số hơn 50 hành khách trên tàu thì có tới 19 trẻ em trong độ tuổi từ 10 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi. Sau tất cả những nỗ lực cứu hộ 17 em đã được cứu sống và dần hồi phục sức khỏe, nhưng có 2 em nhỏ, 5 tuổi và 7 tuổi là chị em đã ra đi mãi mãi. Đau đớn hơn, đây lại là chuyến đi phần thưởng mà các em được bố mẹ tặng khi đạt danh hiệu học sinh giỏi, chuyến đi khởi hành với đầy ắp niềm vui đã kết thúc trong những cơn mưa nước mắt xót thương tột cùng của bố mẹ em và người thân.
Theo những thông tin được báo cáo, tất cả các hành khách trên tàu hôm đó, kể cả trẻ em không ai mặc áo phao, và rất ít người trên tàu biết bơi. Vụ tai nạn lại một lần nữa trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ về việc trang bị kĩ năng bơi lội cũng như các nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông cho các con. Sau vụ lật tàu cũng mang đến một thử thách khác đối với các bố mẹ may mắn cứu sống được con, đó là vấn đề sốc tâm lý hậu tai nạn thảm khốc.
Để có những tư vấn thiết thực nhất với cha mẹ khi gặp phải những tình huống tương tự xảy ra, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với chuyên gia tâm lý Lê Khanh, người từng có thời gian tu nghiệp về Tâm lý lâm sàng trẻ em tại Pháp, hiện phụ trách phòng khám tâm lý trẻ em và gia đình tại TP Hồ Chí Minh.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh.
Chào anh, sau khi trải qua một tai nạn thảm khốc, những nạn nhân là trẻ em thường sẽ có thể gặp phải những vấn đề tâm lý như thế nào? Điều đó ảnh hưởng cụ thể đến cuộc sống hàng ngày của trẻ không và nếu có thì kéo dài bao lâu?
- Sau một tai nạn, tùy theo mức độ mà những nạn nhân sống sót thường gặp phải những vấn đề tâm lý, đó là những căng thẳng tâm lý sau chấn thương (Posttraumatic Stress Disorder- PTSD ) Đặc biệt ở trẻ em thì tình trạng căng thẳng (stress ) này có thể tạo ra những biểu hiện rối loạn tâm thần từ nhẹ đến nặng. Ở mức độ nhẹ thì chủ yếu chỉ là sự khóc lóc, lo lắng mất ngủ vài ba hôm, nhưng nếu nặng hơn trẻ có thể kéo dài tình trạng trầm cảm khoảng ba tháng và cần một chương trình trị liệu tâm lý với các chuyên viên trị liệu thông qua các liệu pháp trò chơi hay tâm kịch.
Cha mẹ nên và không nên làm gì để giúp trẻ ổn định tâm lý và vượt qua cú sốc đó ạ?
- Khi bị tổn thương tâm lý trẻ sẽ thu rút, không muốn giao tiếp trò chuyện hay có những phản ứng rối loạn dữ dội như đập phá, đánh cắn..., điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến các sinh hoạt hàng ngày của bé vì thế ngoài sự chăm sóc bình thường, người lớn hay cha mẹ cần tránh việc nhắc lại hay khơi gợi để yêu cầu trẻ kể lại các điều đã xảy ra trong khi xảy ra tai nạn, mặc dù điều này có thể cần thiết trong quá trình điều tra, nhưng nếu thấy trẻ tỏ ra hoảng loạn thì không thể tra hỏi mà phải đợi đến khi trẻ tỏ ra thực sự đã ổn định tâm lý.
Trong quá trình phục hồi tâm lý cho các em, cha mẹ cũng không cần phải tỏ ra quá quan tâm chăm sóc hỏi han, hãy cư xử một cách bình thường và tuyệt nhiên không nên nhắc lại những tình huống đã xảy ra, cũng như không nên cho trẻ đi lại ở nơi đã xảy ra tai nạn khiến trẻ có thể nhớ lại các điều kinh khủng đã xảy ra với mình".
Theo anh, trong những tình huống tai nạn bất ngờ thế này, cha mẹ có thể làm gì để trang bị cho con kĩ năng thoát nạn tối thiểu?
- Thực tế cho thấy là trẻ em Việt Nam nói chung ít khi được cha mẹ quan tâm đến việc hướng dẫn hay tập luyện cho các em các kỹ năng bảo vệ bản thân như việc tập bơi, việc phòng tránh cháy nổ, vì thế khi xảy ra tai nạn trẻ chỉ phản ứng theo bản năng và đôi khi có những cái chết thương tâm vì thiếu hiểu biết hay không có kỹ năng.
Do đó, ngay từ nhỏ đặc biệt là trong dịp nghỉ hè, cha mẹ nên quan tâm hướng dẫn cho con những kỹ năng an toàn trong gia đình. Cha mẹ có thể đưa con đến các trung tâm, cơ sở có các chương trình hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân chủ yếu qua thực hành để được hướng dẫn một cách hợp lý, hiệu quả. Chỉ khi nào được trang bi các kỹ năng đó thì nếu có chuyện không may xảy ra, trẻ mới có thể sống sót, không phải chỉ là nhờ may mắn mà còn do chính năng lực đã được rèn luyện thường xuyên.
Bài học kinh nghiệm hậu thảm họa từ vụ chìm phà Sewol chấn động thế giới
Hàng nghìn năm qua, trên thế giới có rất nhiều các vụ lật tàu nổi tiếng, nhưng có lẽ vụ lật tàu gây chấn động nhất thế giới là vụ chìm phà Sewol, Hàn Quốc năm 2014. Sau hơn hai năm kể từ khi vụ chìm phà này xảy ra, người ta thống kê được có tới 304 người chết và mất tích, nạn nhân đa số là học sinh và giáo viên đến từ trường trung học Danwon, gần thủ đô Seoul.
Thầy cô giáo, phụ huynh đã đứng đón các em học sinh may mắt thoát nạn trong vụ chìm phà Sewol trong ngày trở lại trường để động viên các em vượt qua cú sốc tâm lý lớn.
Sau cú sốc quá lớn, hơn 70 học sinh may mắn sống sót trong vụ thảm họa đã ngay lập tức được đưa tới điều trị những chấn thương về thể chất và tâm lý tại trung tâm điều trị tâm lý bệnh viện Ansan, Đại học Hàn Quốc. Tiếp đó, các em được tham dự chương trình điều trị tâm lý cùng các chuyên gia y tế và giáo dục, tại một địa điểm riêng biệt bên ngoài trường. Nhà trường đã tổ chức các chương trình giảng dạy thường xuyên và điều trị tâm lý để giúp các học sinh trở lại lớp học sau thảm họa. Thời gian điều trị chấn thương tâm lý của các em kéo dài tới hơn 2 tháng, sau đó các em mới quay trở lại trường học.
Trẻ rất dễ gặp những cú sốc tâm lý sau khi gặp tai nạn (Ảnh minh họa).
Theo nghiên cứu "Trẻ em trong những thảm họa hàng hải" của tiến sĩ Yule - Khoa Tâm lý học, Viện Tâm thần học, Đại học London, với những trường hợp trẻ bị chấn động tâm lý nhẹ, tức là không có những hành vi đáng báo động như trầm cảm, tự tử, mất khả năng ngôn ngữ… thì cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau cho trẻ:
- Hiểu kỹ vấn đề trẻ gặp phải: Mỗi đứa trẻ sẽ có phản ứng khác nhau trước những sự cố nghiêm trọng xảy ra cho mình, những phản ứng hoảng loạn hay sợ hãi trong lúc này là thường gặp. Do đó, khi trẻ phản ứng như vậy, không nhất thiết là trẻ bị chấn thương về mặt tâm lý, nên cân nhắc phương pháp can thiệp thích hợp.
- Cho trẻ nghe nhạc: Hãy sử dụng âm nhạc để chuyển hướng suy nghĩ của trẻ. Những bản nhạc tươi vui và lạc quan sẽ giúp trẻ kiểm soát tâm lý tốt hơn.
- Luôn có người lớn ở bên trẻ khi trẻ gặp tai nạn: Sau khi gặp sự cố, có thể trẻ bị sang chấn tâm lý, vì vậy cần có người thân túc trực bên cạnh để can thiệp kịp thời nếu trẻ có những biểu hiện bất thường.
Trẻ cần có người lớn ở bên sau khi gặp tai nạn (Ảnh: Nạn nhân trong vụ lật tàu trên sông Hàn ở Đà Nẵng tối 4/6)
- Tôn trọng phản ứng của trẻ: Đừng bắt trẻ phải kể lại sự việc, trừ trường hợp trẻ muốn tự mình nói về chuyện đó. Người thân cần tôn trọng phản ứng của trẻ.
- Không đổ lỗi cho trẻ: Đừng bao giờ đổ lỗi cho trẻ khi trẻ gặp tai nạn bởi điều này có thể gây tác dụng ngược đối với trẻ, khiến trẻ cảm thấy tội lỗi hơn, từ đó gây nên những hành động bất thường.
- Cần giúp trẻ thấy tin tưởng: Hãy để trẻ có thời gian bình tĩnh, giúp trẻ cảm thấy tin tưởng để giãi bày cảm xúc về những gì đã trải qua. Bên cạnh đó, bố mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu tại sao trẻ lại bị như vậy và họ đã cố gắng giúp đỡ bé ra sao...
- Hãy để trẻ được nghỉ ngơi: Sau tai nạn, trẻ rất cần quan được nghỉ ngơi để hồi phục, đó là điều quan trọng nhất.
Tuy nhiên, nếu trẻ gặp phải những biểu hiện nặng hơn và kéo dài không kiểm soát thì bố mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý để được điều trị kịp thời.