Những ngày gần đây, thông tin về lô sữa đậu nành Fami Canxi bị thu hồi tại thành phố Chiba (Nhật Bản) do nhiễm khuẩn Coliform đã khiến người dân vô cùng hoang mang. Được biết, kết quả kiểm định mẫu sữa đậu nành xuất đi Nhật Bản âm tính với Coliform. Nhà sản xuất cho rằng lô hàng nhiễm khuẩn trong lúc vận chuyển và chỉ xảy ra đơn lẻ do tái nhiễm trong quá trình vận chuyển và lưu thông.

Coliform là nhóm vi khuẩn hiện diện rộng rãi trong tự nhiên, có thể dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 75 độ C. Thực chất, vi khuẩn Coliform là loại vi khuẩn có thể sinh sống tại nhiều môi trường khác nhau, từ đất, nước và cả hệ tiêu hóa của con người. Đây cũng là thủ phạm có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho hệ tiêu hóa, dẫn đến nguy cơ tiêu chảy, mất nước, suy thận và thậm chí là tử vong.

Vi khuẩn Coliform là gì và nó có thể tồn tại ở đâu?

Theo Trung tâm An toàn Thực phẩm (Centre for Food Safety - CFS), Coliform thường được sử dụng để giám sát chất lượng sữa chứ không phải một loài sinh vật đơn lẻ. Chúng là một nhóm vi khuẩn gram âm kỵ khí, có hình que và không có bào tử. 

Vi khuẩn Coliform có khả năng lên men đường lactose kèm theo sinh hơi, axit và aldehyde trong vòng 48h ở môi trường 35 độ C. Chúng thường hiện diện với số lượng nhỏ trong sữa tươi, thịt, thịt gia cầm hoặc các thực phẩm thô khác.

Loại vi khuẩn này cũng có thể tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau như đất, nước (nước uống, nước nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt), trong thức ăn và chất thải của động vật. Con người cũng sẽ căn cứ vào số lượng Coliform và E.coli trong nước để đánh giá mức độ ô nhiễm của nước.

Từ vụ lô sữa đậu nành bị thu hồi do nhiễm Coliform, nhiều người chẳng ngờ loại vi khuẩn này có thể ẩn náu ngay xung quanh mình - Ảnh 2.

Ảnh: Reddit

Nguyên nhân nào khiến vi khuẩn Coliform có thể tồn tại trong môi trường nước?

- Do các nhà máy xử lý nước sinh hoạt chưa giải quyết triệt để vi khuẩn Coliform.

- Do xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và phân động vật không đúng cách, không đúng quy trình, từ đó làm lượng chất thải có chứa vi khuẩn Coliform ngấm vào lòng đất, thấm vào các mạch nước ngầm và khiến nguồn nước bị nhiễm khuẩn Coliform.

- Do nước máy nhiễm khuẩn Coliform chảy qua các đường ống cũ, bị gỉ sét do thời gian sử dụng quá dài.

- Do sử dụng nước mưa chưa qua xử lý.

- Do sử dụng nguồn nước giếng chưa xử lý vì nguồn cung cấp nước giếng chính là các mạch nước ngầm đã bị ngấm vi khuẩn Coliform.

Từ vụ lô sữa đậu nành bị thu hồi do nhiễm Coliform, nhiều người chẳng ngờ loại vi khuẩn này có thể ẩn náu ngay xung quanh mình - Ảnh 3.

Ảnh: Sưu tầm

Triệu chứng khi cơ thể nhiễm Coliform là gì?

Theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, quá trình ủ bệnh sau nhiễm Coliform thường là từ 3 - 4 ngày. Khi khởi phát bệnh, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng không rõ ràng trên cơ thể, bao gồm:

- Tiêu chảy nhẹ, tiêu chảy ngắt quãng.

- Mệt mỏi.

- Sốt cao.

Vì triệu chứng bệnh khá phổ biến nên thường dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác.

Phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn Coliform trong nước như thế nào?

Bạn nên chủ động kiểm tra nguồn nước nhà mình thường xuyên để phát hiện sự tồn tại của Coliform. Nếu thấy nước giếng, nước ngầm có hiện tượng nhiễm vi khuẩn Coliform thì nên sử dụng các công nghệ lọc để lọc sạch nước hoàn toàn (các công nghệ lọc RO, lọc Nano là lựa chọn phù hợp).

Bên cạnh đó, bạn cũng nên khử trùng nước sinh hoạt bằng Clo, tia cực tím và chỉ uống nước đun sôi để nguội. Nguy cơ nhiễm vi khuẩn Coliform trong nước là rất cao nên để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình mình, cần chú ý thực hiện ăn chín, uống sôi và thường xuyên kiểm tra chất lượng nước trong sinh hoạt. Nếu có các triệu chứng cảnh báo nhiễm vi khuẩn Coliform như tiêu chảy, sốt, mất nước... thì cần ngay lập tức đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.