Cụ thể, vào chiều 15/10, trên mạng xã hội lan truyền clip nam sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng và quay clip. Được biết, nam sinh này đã bị bạn đánh tập thể nhiều lần trong nhiều tháng. Sau khi sự việc được phát hiện, nam sinh đã được gia đình đưa đến điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ chẩn đoán bé bị sang chấn tâm lý, rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần). Bệnh nhân thường hoảng loạn, có những hành vi không kiểm soát, có biểu hiện co giật, không nhớ cả họ tên và địa chỉ của mình ở đâu.
Được biết, nam sinh phải nhập viện điều trị khoảng 1 tháng. Hiện, em vẫn bị sang chấn tâm lý nặng, không kiểm soát được hành vi của mình, bệnh tình có dấu hiệu nặng thêm, hiện tượng không nhớ họ tên của mình thỉnh thoảng vẫn tiếp diễn.
Sang chấn tâm lý ở trẻ em nguy hiểm thế nào?
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (chuyên gia Tâm lý học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), trẻ em sống trong môi trường thường xuyên đối mặt với các sự kiện gây sang chấn tâm lý như bạo lực học đường có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ.
Chuyên gia nhận định, sang chấn tâm lý khiến trẻ dễ bị tổn thương, rơi vào sợ hãi và lo âu, ký ức bị xâm nhập mạnh mẽ. Trẻ có thể bị rối loạn giấc ngủ, luôn có cảm giác tội lỗi, tự sỉ nhục chính mình, có hành vi tránh né, cảm thấy khó khăn trong việc tập trung, thường xuyên rơi vào tức giận, buồn bã, có vấn đề trong việc hòa nhập xã hội, cộng đồng.
TS.BS Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm, sang chấn tâm lý gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến não bộ.
Chúng ta đều biết, não bộ điều khiển các giác quan, suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Hệ thống thần kinh phức tạp đáng ngạc nhiên trong não bộ sẽ quyết định đặc điểm con người chúng ta sau này, được hình thành khi bạn còn rất nhỏ. Sự kết nối của mạng lưới hệ thần kinh sẽ hình thành suy nghĩ cảm xúc, hành vi của trẻ, cũng như sau này là người trưởng thành.
"Trẻ em bị sang chấn tâm lý thường xuyên bị stress, lượng hormone căng thẳng cao được truyền vào não, dễ khiến trẻ gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, hành vi nhận thức và cảm xúc cũng như khả năng tự điều chỉnh bản thân", BS Phương nhận định.
Chuyên gia chia sẻ thêm, nếu thấy một đứa trẻ có dấu hiệu sang chấn tâm lý, nên đưa đi khám gấp và có hướng điều trị kịp thời.
Một số biểu hiện về hành vi ở trẻ bị sang chấn tâm lý là sống khép kín, sợ giao tiếp, có hành vi gây hấn, đổ lỗi cho người khác, rối loạn ăn uống, luôn mong muốn sự chú ý, có vấn đề về giấc ngủ, thiếu tập trung, hay lo sợ đến hoảng loạn (sợ bóng tối, sợ cánh cửa khép lại, sợ người lạ, sợ đến trường học...), có hành vi không an toàn và chứa đựng nhiều rủi ro...
Làm sao để phòng tránh sang chấn tâm lý cho trẻ?
Theo giới chuyên gia, phụ huynh cần chú ý theo dõi giấc ngủ của con vì sang chấn tâm lý thường gây rối loạn giấc ngủ. Nên tìm hiểu lý do trẻ mất ngủ và hướng giải quyết. Thường xuyên trò chuyện với con mỗi ngày, khuyến khích trẻ nói ra vấn đề của mình để tìm cách giải quyết. Tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, thoải mái cho con...
Đối với nhà trường, cần quan tâm đến đời sống của học sinh ngay tại trường để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh bạo lực học đường.
Với trẻ em, cha mẹ và nhà trường nên khuyến khích con xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Chú ý rèn luyện suy nghĩ tích cực, học cách đối thoại, trình bày vấn đề của bản thân với gia đình, nhà trường. Tăng cường thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh thức khuya, chơi game, sử dụng chất kích thích...