Sống chung với gas “3 không” nguy hiểm
Bình gas mini nhiều năm nay là vật dụng quen thuộc của người Việt, đặc biệt là giới sinh viên, công nhân, những người ở trọ tại thành phố lớn, các quán ăn. Mặc dù trên thân bình gas mini mới luôn có hàng chữ: “Bình gas chỉ sử dụng một lần” nhưng thật khó để nhìn thấy hàng chữ này vì bình gas trên thị trường hiện nay hầu hết là bình cũ, nạp lại nhiều lần, bong tróc sơn thậm chí còn bị gỉ sét.
Bình gas mini trên thị trường hiện nay đều được nạp lại rất nhiều lần, cũ và hoen rỉ. (Ảnh minh họa)
Khi được hỏi liệu có an tâm khi dùng loại bình này không, chị Hiền (26 tuổi) cho biết: “Dạo gần đây hay nghe cháy nổ thì cũng sợ nhưng dùng gas này rẻ có 6.000 - 7.000 đồng/ bình còn bình mới thì đắt, ít cũng hơn 20.000 đồng/ bình, mình lại ít nấu ăn, chỉ có buổi tối mới cần nên mua bếp to thì hơi phí. Mà bếp và bình gas mini nhỏ gọn, thỉnh thoảng chuyển nhà cũng đỡ mệt hơn.”
Trong khi đó, chị Hải Anh (25 tuổi) thì nói: “Phòng trọ của mình nhỏ, nhiều đồ, xài bếp với bình gas mini là thích hợp nhất. Mặc dù nhiều khi cũng đổi phải bình gas mini bị rò gas, nhưng quen rồi thì cũng thấy bình thường. Đấy là mình còn có bếp mới, nhiều người còn dùng bếp cũ mèm, cứ mỗi lần nấu là phải mồi lửa, thấy ghê ghê. Ai chẳng thích bếp từ hơn, nhưng điện mình dùng là điện kinh doanh 4.000đồng/số, thấy mắc quá!”
Do tiện lợi, nhỏ gọn nên nhiều người ở trọ ưa chuộng bếp và bình gas mini. (Ảnh: Như Lịch)
Bình gas mini nạp lại không đảm bảo chất lượng nhưng vì lợi nhuận, nhiều cơ sở đã tổ chức sang nạp trái phép rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Những bình gas mini này không có thông số kỹ thuật, không địa chỉ, và không nguồn gas.
Chị Thảo, bán hàng tạp hóa và chuyên cho đổi bình gas ở quận 8, trả lời khi được hỏi nguồn gốc gas: “Không biết đâu em ạ. Cứ mở tiệm là có người đến hỏi rồi bỏ mối, mình thấy đâu thấp thì lấy vào. Mấy ngày người ta lại đến lấy bình không rồi đổi bình đầy gas cho mình. Hàng tạp hóa nào cũng có đổi gas mini hết mà, ai cũng làm thì mình cũng phải theo người ta chứ em.”
Chính vì thế, nếu xảy ra cháy nổ, thường người bị tai nạn phải tự chịu chứ không có bồi thường vì khó mà truy ra được nguồn cung cấp.
Sang chiết gas lậu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ lớn trong khu dân cư (Ảnh: Vietnamnet)
Loại bình này phân tán rộng, hầu như chỗ nào cũng có, đồng thời với việc chiết nạp trái phép diễn ra trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Ngoài ra, việc vận chuyển gas hiện nay cũng không được kiểm soát chặt chẽ. Hàng trăm bình gas mini đặt cạnh nhau được chở trên những chiếc xe gắn máy đơn giản ngoài đường khi đi giao hàng chỉ cần một va chạm nhỏ, một chút ma sát là có thể gây ra nổ liên hoàn.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ vụ nổ gây cháy, thiêu rụi cả một tiệm tạp hóa do xe chở gas bị đổ hôm 10/12 vừa rồi tại Lê Văn Lương (Nhà Bè, TPHCM). Và còn rất nhiều vụ tai nạn khác gây hậu quả thương tâm như trường hợp 3 người chết, 3 người bị thương nặng ở Cà Mau, vụ nổ bình gas khi đang ăn cưới khiến 10 người phải nhập viện ở Đồng Nai...
Thêm nữa, việc cháy do nổ bình gas thường rất khó dập tắt vì lửa lan nhanh và lớn.
Hiện trường vụ cháy nổ gas tại Bình Dương khiến một người chết, 10 người bị thương. Ảnh: HL
Tự bảo vệ mình khỏi... bom nổ chậm
Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình, người thân và nhiều người khác, chị em hãy chú ý khi dùng bếp và bình gas mini:
1. Tuyệt đối không dùng bình gas sang chiết lậu, bình gas mini và bếp quá cũ.
2. Giữ nồi xoong sạch sẽ khi nấu ăn.
3. Đặt bếp ở nơi thông thoáng, thường xuyên lau, vệ sinh bếp, tránh các nguồn lửa quá gần trong khu vực để bếp và gas như bàn thờ, bếp than, bếp củi, bếp điện, cầu dao điện…
4. Phải luôn để ý khi nấu ăn, hạn chế tối đa việc thức ăn, nước trào xuống bếp hay gió làm tắt bếp trong khi bếp đang bật.
5. Để bếp chỗ bằng phẳng, ngay ngắn, tránh việc bếp bị nghiêng, làm lửa tiếp xúc với đầu bình gas. Tránh dùng nồi có đáy lớn đun nấu trên bếp gas mini vì ngọn lửa sẽ trùm sang khu vực bình gas rất nguy hiểm.
6. Không đun lâu và liên tục trong thời gian dài vì nhiệt độ của lửa sẽ ảnh hưởng đến bình gas khiến cho áp suất trong bình tăng lên, dễ cháy nổ khí gas hơn.
7. Không dùng bếp gas để sưởi hoặc sấy các đồ vật khác.
8. Khi nấu xong ngắt bếp hoàn toàn, tháo bình gas ra, cất gọn.
9. Nên có bình chữa cháy để ngay bếp phòng trường hợp cháy nổ.
Phản ứng nhanh khi thấy bếp và bình gas mini có vấn đề:
1. Khi bếp ga không bắt lửa, ngọn lửa cháy bất thường, có mùi gas thoát ra ngoài cần nhanh chóng tắt bếp, tắt các nguồn lửa hở, mở lửa thông thoáng và quạt để gas tản ra ngoài. Khi đó, không bật công tắc đèn, cầu dao điện, khởi động xe máy, gọi điện thoại di động, hút thuốc lá... vì dễ xảy ra cháy nổ hơn.
2. Nếu thấy gas vẫn bị xì, mang ngay bình gas mini ra nơi trống an toàn, thoáng gió, xa cống rãnh, nguồn lửa và khu dân cư.
3. Nếu xảy ra cháy, dùng bình cứu hỏa hoặc chăn ướt dập đám cháy.
4. Nếu có cháy gần nơi để bình gas thì di chuyển bình gas ra xa.
Để nhanh chóng chấm dứt tình trạng nổ bình gas mini, mỗi người cần có ý thức tự giác không dùng bình nạp lại, nếu phát hiện cơ sở sang chiết lậu, hãy báo cho cơ quan chức năng. Đừng bao giờ vì tham rẻ và thờ ơ mà gây nguy hiểm cho chính bản thân, gia đình và thiệt hại cho xã hội.
Tại sao bình gas mini nạp lại dễ cháy nổ hơn bình gas mới? Tất cả các loại gas nạp bình dân dụng (loại bình 12 kg, 13kg) ở Việt Nam đều là hỗn hợp Butane và Propane với tỷ lệ khác nhau. Trong điều kiện bình thường, áp suất gas trong bình dân dụng là 6,5 kg/cm2 còn bình gas du lịch được sản xuất để chỉ chứa 100% gas butane thấp áp, áp suất lớn nhất ở điều kiện bình thường là 2,5 kg/cm2. Việc chiết nạp gas cao áp vào bình gas mini - chỉ chịu được áp suất thấp (vỏ rất mỏng) dẫn đến biến dạng và nổ, gây ra đám cháy. Một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ là công nghệ nạp bình thủ công nên dễ nạp quá khối lượng cho phép của bình (85% thể tích). Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, gas lỏng giãn nở nhiệt, đặc biệt nguy hiểm nếu bình bị nạp đầy gas lỏng không có không gian gas hơi, áp suất thủy lực sẽ phá vỡ vỏ bình. (Theo VnExpress) |