Các trường đang làm thủ tục hủy kết quả đào tạo, thu hồi bằng của ông Vương Tấn Việt

Toàn bộ văn bằng đã được các trường đại học cấp cho ông Vương Tấn Việt (Thượng toạ Thích Chân Quang) sẽ bị thu hồi theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do phát hiện bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt không hợp lệ.

Thông tin này được công bố vào tối qua (21/10), sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành xem xét kỹ lưỡng về quá trình đào tạo của ông Việt và phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh tính hợp pháp của bằng cấp. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận việc sử dụng bằng cấp 3 không hợp pháp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có liên quan khẩn trương thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông Việt. Đồng thời, các trường cần tiến hành rà soát lại quy trình đào tạo và cấp bằng để ngăn chặn tình trạng tương tự.

vương tấn việt - Ảnh 1.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang) đã thừa nhận việc sử dụng bằng cấp 3 không hợp pháp - Ảnh: Thiền tôn Phật Quang

"Trường Đại học Hà Nội đang thực hiện thủ tục thu hồi bằng cử nhân ngoại ngữ, ngành tiếng Anh hệ đào tạo từ xa đã cấp cho ông Vương Tấn Việt", TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội thông tin với VTC News trong sáng nay ngay sau khi có yêu cầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng trong sáng 22/10, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Ngân, Phòng đào tạo sau đại học, Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết trên tờ Dân trí, chiều 21/10, nhà trường đã nhận được công văn của Bộ GD&ĐT về việc thu hồi bằng cấp của ông Vương Tấn Việt.

Theo đó, thực hiện yêu cầu của Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Luật Hà Nội đã tiến hành các thủ tục hủy kết quả đào tạo và thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo đúng quy định của pháp luật.

Theo thống kê đến hiện tại, bằng cấp của ông Vương Tấn Việt trong diện phải thu hồi gồm: bằng cử nhân ngành luật của Trường đại học Luật Hà Nội cấp năm 2019 (kèm bảng điểm) có công chứng; bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh của Trường đại học Hà Nội, hệ đào tạo từ xa, năm 2001 (bản sao từ sổ gốc có xác nhận của hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội); bằng tiến sĩ ngành luật của Trường đại học Luật Hà Nội cấp năm 2022 (kèm bảng điểm các học phần bổ sung chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ) có công chứng.

Theo quy định, học viên bị thu hồi các bằng cấp cao hơn dù thực tế có đi học, nếu chưa tốt nghiệp cấp 3.

Trước đó, ông Việt được cho là đã tham gia kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 tại Hội đồng thi Trung Nhất, quận Phú Nhuận, TP. HCM vào ngày 6/6/1989. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM xác nhận ông Việt không có tên trong danh sách dự thi tốt nghiệp năm đó. Việc xác minh này được tiến hành theo đề nghị từ Ban Tôn giáo Chính phủ.

Sử dụng bằng giả bị xử lý như thế nào? 

Dưới góc độ pháp lý liên quan đến sử dụng bằng giả, luật sư An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích trên báo ĐCSVN rằng: Việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả” là một điều cấm. 

Nhưng để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích của hành vi. 

Cụ thể, nếu mục đích đó "nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự.

Nếu như chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo căn cứ Khoản 3, Khoản 5 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng do hành vi mua bán văn bằng giả. 

Ngoài ra, sẽ bị phạt bổ sung đó là tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng dẫn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: "Bộ đã ban hành nhiều bộ quy chế tuyển sinh và đào tạo đối với trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Quy định của các bộ quy chế đều quy định rõ trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học, các văn bằng nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định... 

Về logic nếu một người không tốt nghiệp (không có văn bằng) của bậc học này thì không được học (và thi) ở bậc cao hơn (khung hệ thống giáo dục quốc gia và khung trình độ quốc gia)", TS Nghĩa thông tin với báo Tuổi trẻ.