Hot nhất mạng xã hội hôm qua đến nay là bài đăng của chị Hồng Nhung - vợ nghệ sĩ Xuân Bắc. Cụ thể chị Nhung đã lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của con mình. Trên trang Facebook cá nhân chị viết: "Các bác kiểm tra tài khoản Facebook của các con các bác đi. Ối thứ bất ngờ. Em cho out hết, 2 con điện thoại cũng cho nát. Rất nhiều thành phần xấu lôi kéo con vào nhóm xấu".
Đi kèm với bài đăng, chị Hồng Nhung cũng chia sẻ thêm ảnh chụp màn hình các nhóm chat vào phần bình luận. Hành động của vợ "Nam Tào" sau đó nhận phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên bên cạnh đó, một câu hỏi được nhiều người đặt ra chính là: Làm thế nào để nói với con về vấn đề giới tính nói chung và nội dung khiêu dâm nói riêng hiệu quả?
Ở nước ta và nhiều nước châu Á, lâu nay, tình dục vẫn còn là vấn đề ít nhiều cấm kỵ. Cấm kỵ nên người ta thường lén quan hệ, lén thì thường dễ xảy ra hậu quả. Khi internet bùng nổ, tivi tràn ngập các cảnh nóng thì không dạy trẻ cũng tự tìm hiểu, nhưng trẻ tiếp cận được luồng thông tin chính thống, chuẩn chỉnh hay không thì rất... hên xui.
Trước vụ việc đang "sục sôi", chị Nguyễn Giang Linh, thạc sĩ giáo dục, chuyên viên biên tập sách thiếu nhi cũng tranh thủ trò chuyện cùng con với ý định "khơi mào" để hiểu thêm suy nghĩ cũng như cung cấp thêm kiến thức về giới tính cho con. Tuy nhiên, câu chuyện sau đó đi vào... ngõ cụt.
Chị Linh cho rằng, "nói gì với con khi nói về giới tính thật là không đơn giản. Đặc biệt là cho tuổi tiền dậy thì và dậy thì 10-15 tuổi. Tuổi này vừa có nhiều thay đổi về sinh lý lẫn cả tâm lý, bàn về giới tính không chỉ là ở cơ quan sinh sản nữa mà còn cả về cảm xúc, suy nghĩ, thái độ, mơ ước...".
Cuộc trò chuyện ngắn của chị Linh và con trai:
- Đêm qua mẹ anh B kể chuyện anh ấy xem ảnh sex các thứ lên FB.
- Thế ạ, thảo nào các bạn con đang nói.
- Anh ấy sẽ nghĩ thế nào nhở?
- Chắc chán lắm nhở mẹ nhờ, con không rõ lắm.
- Thế anh ấy làm thế có ổn không nhỉ?
- Con cũng không rõ.
- Thế bố mẹ anh ấy làm thế có được không nhỉ?
- Chắc không tốt nhỉ, con cũng không rõ.
"Cuộc nói chuyện sáng của chúng tôi đi vào ngõ cụt thường thấy của giáo dục giới tính, kiểu rất giáo dục, là mẹ nói con nghe. Tôi thì muốn nghe suy nghĩ của con nhiều hơn rồi lựa lựa theo, nhưng nó đã vào bài phòng thủ kinh điển "con cũng không rõ" thì tôi chịu rồi. Cứ rao giảng tiếp chắc là nó chẳng nghe vào tai đâu. Nên tạm thôi.
Các bố mẹ nào đã có giáo dục về cơ thể, về sinh sản, về giới tính, về yêu thương cho con từ bé tí tầm 3 tuổi thì thật sự chúc mừng. Cứ dần dần có đà thì sau cũng có chủ đề để mở rộng dần với con. Chứ nhiều con tầm tiền dậy thì 10 tuổi trở đi dần nhích sang chiến tuyến riêng một cách rất khó đỡ.
Một mặt chúng nó có độ phòng thủ khác hẳn, đa số chúng nó có đủ độ vòng vèo để không nói thẳng suy nghĩ ra ngay với bố mẹ. Mặt khác chúng nó liều lĩnh thử những thứ mà hồi xưa bố mẹ chắc tầm 19-20 mới có điều kiện thử mà bây giờ Internet cho phép chúng nó vượt rào sớm hơn nhiều. Mặt khác nữa, chúng nó vẫn quá non tơ và quá dễ bị tổn thương do bố mẹ mắng, do dư luận mắng, do bạn bè mắng...", chị Linh chia sẻ.
Vì thế, ngoài việc giáo dục giới tính cho con theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", bà mẹ này tìm đến một cách tiếp cận khác. Đó chính là sách giáo dục giới tính.
Sách - cách giải quyết gợi mở cho những thứ khó
Theo chị Linh, những cuốn sách như dưới đây sẽ là gợi mở hẳn hoi để cả bố mẹ từ từ học. Kiểu là tìm ra các chủ đề gợi được con, có từng bước đặt câu hỏi để không đi vào ngõ cụt, có cách giải quyết gợi mở cho những thứ khó. Không có đáp án cứng ngay lập tức kiểu "anh B làm thế là sai", "mẹ anh ấy làm thế đáng chê trách", "phải đánh cho một trận", "phải tịch thu hết điện thoại"... Nhưng sẽ có thêm nhiều cơ hội để bàn bạc với nhau.
"Nói với con về giới tính" được độc giả đánh giá là sách mang tính chất thảo luận có học vấn kiến thức lâm sàng chứ không phải là cố chấp. Nó thảo luận về những chi tiết xung quanh cảm xúc, suy nghĩ, phản ứng của cơ thể, cả những nguy hiểm. Nó cũng bao gồm một số quan điểm về tình dục là một phần của các mối quan hệ, và không ai nên cảm thấy áp lực khi quan hệ tình dục.
"Đây là những cuộc nói chuyện khó khăn với bọn trẻ, và tôi đánh giá cao cách tiếp cận trong cuốn sách này. Ví dụ như, nếu bạn định quan hệ tình dục, thì bạn phải cho rằng mình đã sẵn sàng để nuôi con nhỏ...
Đây là tất cả những gì chúng tôi muốn giúp chúng tôi nói chuyện với cô con gái 11 tuổi. Cô ấy là một người ham đọc sách và làm tốt hơn thông tin bằng văn bản hơn là lời nói. Tôi đã xem cuốn sách này tại thư viện địa phương và rất ấn tượng. Đây không phải là thứ duy nhất chúng tôi sử dụng trong cuộc thảo luận của mình, nhưng thật tuyệt khi đưa cho con gái thứ gì đó để bắt đầu thảo luận. Chúng tôi rất thích dạng sách thế này", một độc giả đánh giá trên Amazon.
Bên cạnh đó, chị Linh cho rằng giáo dục giới tính có thể bắt đầu từ 0 tuổi, khi con bắt đầu từ nhận thức về sự ra đời của bản thân như một bản dạng mang yếu tố giới tính. Với độ tuổi trẻ 9 đến 12 tuổi – chuẩn bị dậy thì, ngoài việc củng cố tất cả điều đã học về giới tính từ nhỏ bằng hình ảnh, video, khóa học thì trẻ cần được học về quan hệ tình dục và tránh thai an toàn, học kiến thức cơ bản về mang thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Học nâng cao hơn về an toàn trong thế giới ảo, bao gồm bắt nạt và nhắn tin tình dục (sexting); Học về quy định pháp luật bảo vệ thân thể và xúc cảm trẻ em...
Với trẻ 13 đến 18 tuổi – các thanh thiếu niên cần học chi tiết hơn về đặc trưng giới như kinh nguyệt và mộng tinh, hiểu rằng hai điều này là bình thường và khỏe mạnh; Học nghiêm túc về mang thai, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, những biện pháp tránh thai để thực hiện tình dục an toàn hơn; Tiếp tục học sự khác biệt giữa một mối quan hệ lành mạnh và thiếu lành mạnh.
"Dù sao thì yêu thương, bản năng giải tỏa sinh lý, nhu cầu yêu và được yêu, mong muốn thể hiện năng lực bằng khả năng duy trì nòi giống vẫn là những thứ nền tảng của mỗi con người. Tôi nghĩ rằng đó là những thứ đáng được nâng niu. Đáng để cả người lớn lẫn trẻ con cùng học hỏi chứ không để chê bai và cười cợt nhau", bà mẹ hai con kết luận.