Với các bà mẹ đang mang thai, bất cứ hành động nào của mẹ từ việc đi lại, ăn uống cũng đều được khuyến cáo phải đặc biệt cẩn trọng. Đặc biệt đối với việc dùng thuốc trong thai kỳ, phụ nữ mang thai luôn được khuyên phải hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc, tuyệt đối không được tự ý uống thuốc. Mới đây, trường hợp của bà mẹ người Philippines một lần nữa cho thấy khuyến cáo trên không phải không có cơ sở.
Trong tháng đầu tiên của thai kì, Isabela Gillado, 22 tuổi, đến từ Philippines đã bị sốt. Khi ấy, thay vì đến bác sĩ khám, cô đã tự ý dùng bioflu - một loại thuốc con nhộng mua tại hiệu thuốc có chứa phenylephrine HCL, chlorphenamine maleate và paracetamol, trong 1 tuần. Và các bác sĩ cho rằng chính việc này đã đã gây ra tình trạng biến dạng khuôn mặt của con trai cô - bé Matthew.
Các bác sĩ cho rằng việc sử dụng thuốc bioflu của mẹ đã khiến bé mắc hội chứng hiếm gặp.
Khi Isabela đi siêu âm thai lần đầu vào tháng 7 năm ngoái, bác sĩ thông báo cho Isabela Gillado rằng con trai cô khó lòng sống nổi qua được 2 tuần tuổi. Bất chấp điều đó, vợ chồng cô vẫn muốn giữ con lại. Ngày 3/10/2017, cậu bé Matthew Gillado đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ tại bệnh viện ở thành phố Santiago, bắc Philippines. Tuy nhiên, ngay giây phút chào đời đó, diện mạo của Matthew đã khiến cả bố mẹ và các bác sĩ sững sờ.
Matthew Gillado được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn cực kỳ hiếm gặp, hội chứng thiếu sọ acrania. Hội chứng hiếm gặp này chỉ xảy ra với tỷ lệ 1/20.000 bào thai người, thể hiện ở việc thai nhi bị khuyết tật trên khuôn mặt. Cụ thể, nó khiến các xương dẹt (bề mặt mỏng, rộng, có chức năng bảo vệ hoặc cung cấp bề mặt rộng cho cơ bắp) trong vòm sọ thuộc hộp sọ biến mất hoàn toàn hoặc một phần.
Raven Gillado, bố bé chia sẻ: "Khi lần đầu nhìn thấy con, tôi run rẩy cả người, cảm thấy yếu ớt vô cùng và gần như khuỵu xuống trong phòng sinh. Con gần như không có mặt".
Ngày hôm sau, bất chấp chứng bệnh hiếm gặp của mình, bé Matthew đã được về phòng bình thường. Trong khi mẹ bé, Isabela phải nằm tại khoa chăm sóc đặc biệt thêm 2 tuần nữa. Người mẹ trẻ tiếp tục cho con uống những giọt sữa mẹ đầu đời và bổ sung vitamin.
Bác sĩ ở bệnh viện nhận định rằng, việc tái tạo khuôn mặt cho bé Matthew tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bé. Bởi cơ thể mong manh chỉ nặng 5kg của bé khó lòng chịu nổi những cuộc đại phẫu thuật.
Bố bé tâm sự: "Chúng tôi muốn cảm nhận sự hiện diện của con trai chúng tôi, muốn được ôm và hôn con. Chúng tôi đặt tên con là Matthew bởi cái tên này có ý nghĩa 'món quà từ Chúa'".
Hoàn cảnh gia đình của Isabela Gillado khá khó khăn. Raven làm việc tại nhà máy may ở Balintawak, thành phố Quezon. Mỗi ngày, anh kiếm được 4 USD, trung bình 120 USD/tháng (chưa đến 3 triệu đồng). Khoản lương này không đủ để cả gia đình sinh sống. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ người thân và cộng đồng đã giúp họ đảm bảo những nhu cầu cơ bản hàng ngày của bé Matthew.
Vào tháng 5 vừa qua, hai mẹ con Isabela và Matthew đã vượt 224 dặm từ Santiago tới Bệnh viện Đa khoa Philippines ở Manila. Họ ở đây trong vòng 2 tuần, trải qua rất nhiều lần xét nghiệm lâm sàng và trong phòng thí nghiệm. Bác sĩ ở bệnh viện nhận định rằng, việc tái tạo khuôn mặt cho bé Matthew tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bé. Bởi cơ thể mong manh chỉ nặng 5kg của bé khó lòng chịu nổi những cuộc đại phẫu thuật.
Matthew vừa đón sinh nhật 1 tuổi hôm qua.
Sau một hành trình dài đấu tranh và đi ngược lại mọi dự đoán của chuyên gia y tế, Matthew vừa mừng sinh nhật đầu đời hôm qua, ngày 3/10. Giờ đây, cậu bé có tình trạng sức khỏe tốt sau 1 năm đến với thế giới.
Mặc dù con mắc phải hội chứng rất hiếm gặp, người mẹ 22 tuổi vẫn không mất niềm tin. Cô bày tỏ: "Con trai đang chiến đấu giành lấy mạng sống của mình. Và chúng tôi cũng cố gắng hết sức để đảm bảo nhu cầu thường ngày của con. Chúng tôi luôn hi vọng vào tương lai tốt đẹp hơn cho đứa con đầu lòng của mình. Sẽ không có chuyện từ bỏ hi vọng. Cả gia đình tôi đã cùng chiến đấu và trông đợi một ngày nào đó, qua vòng tay nhân từ của Chúa và tiến bộ của y học, tôi có thể được ngắm khuôn mặt điển trai của Matthew – món quà Chúa gửi tới chúng tôi".
Nguồn: Bestnews, Mirror