Với mong muốn giảm thiểu rác thải nhựa, thương hiệu thời trang Dòng Dòng đã sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm túi xách, ba lô làm từ những tấm bạt cũ. Đó là những tấm bạt mái hiên, bạt trùm xe tải hoặc bạt vật liệu xây dựng…
Chị Kiều Anh, giám đốc điều hành cho biết những tấm bạt làm từ nhựa có thành phần chính là PVC, rất khó để phân hủy. Nếu không được xử lý đúng cách, chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Tua nhanh quá trình biến vải bạt thành ví
Dòng Dòng thu mua bạt cũ, bạt vụn mang về xưởng để làm sạch và xếp gọn. Sau đó, họ dùng men vi sinh, baking soda, giấm ăn, cồn sát trùng… để làm sạch những vết bẩn, vết ố đã qua sử dụng. Sau khi làm sạch, bạt sẽ được phơi khô và gấp gọn.
Chị Kiều Anh cũng cho biết chất liệu bạt thường cứng, chống thấm tốt, độ bền cao nên rất phù hợp làm ba lô. Không những thế, chúng còn đa dạng hoạ tiết, màu sắc tạo nên nét đặc trưng của sản phẩm Made in Dòng Dòng.
Do màu sắc đa dạng của vải bạt nên các mẫu ba lô chỉ giống nhau về kích thước, cấu tạo. Còn màu sắc sẽ được thiết kế ngẫu hứng dựa vào từng đợt bạt thu gom được. Chính vì thế, mẫu mã của ba lô cũng đa dạng theo.
Người thợ may dựa trên bản thiết kế có sẵn, dùng khuôn rập để đo đạc và cắt thành những miếng nhỏ. Thường người thợ dùng máy cắt chuyên dụng để cắt chính xác và tránh làm hư mép, viền bạt.
Cuối cùng, bạt sẽ được ủi thẳng để may ráp thành sản phẩm. Các công đoạn này được làm hoàn toàn thủ công nhằm hạn chế bạt vụn thải ra môi trường.
Khi sản xuất, mọi chi tiết như màu sắc sặc sỡ, họa tiết kỳ lạ hay vết xước, phai trên tấm bạt đều được giữ nguyên. Chị Kiều Anh chia sẻ: “Mỗi một tấm bạt tạo nên chiếc balo, túi xách đều có câu chuyện và giá trị của riêng nó nên chúng mình lựa chọn giữ lại và nâng niu chúng như một nét đặc biệt của sản phẩm”. Trên hình là sản phẩm Tôm Càng làm từ những tấm bạt ao tôm ở tỉnh Sóc Trăng.
Từ những miếng rác tưởng chừng bỏ đi, nay được tái sinh dưới một hình dáng mới thế nên các sản phẩm của Dòng Dòng đều có những câu chuyện riêng về “vòng đời trước” của chúng. Anh Quang Trung, quản lý Thương hiệu của Dòng Dòng cho biết: Khi thu gom bạt cũ, chúng mình đều ghi lại thông tin về địa điểm, chức năng của nó. Sau đó, Dòng Dòng sẽ in những miếng dán “Tôi từng là” dán trên sản phẩm để tạo nên sự khác biệt của chất liệu tái chế.
Chị Kiều Anh tin rằng giá cả của chiếc túi nằm ở giá trị và chất lượng của chúng chứ không chỉ vì sự bền vững của sản phẩm tái chế. Những chiếc túi được làm từ rác thải nhựa nhưng khi đặt cạnh những balo chuyên dụng khác vẫn có thể cạnh tranh và nổi trội hơn. Một chiếc túi tote của Dòng Dòng giá khoảng 400.000 đồng. Túi chéo giá quanh mức 800.000. Đắt nhất là túi công sở và ba lô, giá khoảng 900.000 đồng.
Những sản phẩm của Dòng Dòng đưa đến một khía cạnh mới về khả năng tái sử dụng của những vật liệu nhựa, tái sinh một vòng đời cho những loại rác thải nhựa. “Trong tương lai, Dòng Dòng sẽ nghiên cứu chất liệu và sử dụng công nghệ để tái chế lại nhiều loại nhựa khác đem đến những sản phẩm mới cho người dùng”, Kiều Anh cho biết.
Cũng trong nỗ lực chống lãng phí tài nguyên, tập đoàn IHG Hotels & Resorts là một doanh nghiệp đi đầu trong các sáng kiến cải thiện tình trạng lãng phí thực phẩm và hỗ trợ lương thực cho những cộng đồng khó khăn tại Việt Nam.
Năm 2022, khi IHG Hotels & Resorts khởi động chương trình hợp tác "Giải cứu thực phẩm cùng doanh nghiệp xã hội VietHarvest", khách sạn InterContinental Hanoi Westlake đã hưởng ứng tích cực thông qua việc cung cấp nguồn thức ăn dư thừa từ khách sạn, bảo quản, chế biến để san sẻ cùng những người khó khăn, cơ nhỡ. Đây là hoạt động có ý nghĩa, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục cộng đồng về an ninh lương thực và nguồn thực phẩm bền vững, trong bối cảnh mỗi năm, trên thế giới, 1,3 tỷ tấn thực phẩm trị giá khoảng 100 tỷ USD bị lãng phí (theo FAO).
Hành trình kinh doanh nổi bật 16 năm của tập đoàn IHG Hotels & Resorts nói chung và Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake nói riêng là hành trình song hành với những đóng góp tích cực vào việc phát triển xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và giá trị tốt đẹp của cộng đồng.
Ban lãnh đạo tập đoàn IHG Hotels & Resorts tham gia buổi workshop cùng VietHarvest về việc tái sử dụng nguyên liệu dư thừa
"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org