Khi chồng bàn chuyện để anh "thử" đảm nhận nhiệm vụ dạy con, chị Ngọc Mỹ (Bình Tân, TP.HCM) còn bán tin bán nghi, nghĩ trong đầu, kiểu vừa dỗi hờn vừa thách thức: "Ừa, anh dạy đi, coi có tức nghẹn cổ hay không thôi". Nhưng kiềm chế cảm xúc, chị cố gắng nhẹ nhàng nói: "Dạ, anh cứ dạy các con, em sẽ không xen vào, hy vọng anh dạy các bạn ổn hơn em".

Chấp nhận giao lại trọng trách cho chồng là vì lúc này, bà mẹ 3 con đang thấy mình càng dạy con càng khiến khoảng cách giữa chị và các con mình dần nới rộng. Nhất là với con gái lớn năm nay 12 tuổi, đang học lớp 6, bắt đầu tuổi khám phá, bướng bỉnh và có lập trường thường xuyên bác bỏ ý kiến của mẹ, chị càng thấy bất lực. Chị Mỹ không ngờ cuộc "hoán đổi" vai trò với chồng đã giúp mọi thứ đi vào "quỹ đạo". Con cái ngoan ngoãn hơn, chị cũng nhận ra những thiếu sót trong quá trình làm mẹ của mình.

Từng bất lực khi dạy con, bà mẹ ở TP.HCM làm một cuộc "hoán đổi": Mọi chuyện thay đổi không ngờ- Ảnh 1.

Vợ chồng chị Ngọc Mỹ

Công cuộc để chồng "thử" dạy con bắt đầu...

Đầu tiên, chồng chị Mỹ cho con nghỉ tất cả các môn học thêm... chị phản kháng trong vô hiệu. Những đứa nhỏ thì giống như được giải tỏa, như những chú chim được mở cửa bay ra khỏi cái lồng chật hẹp. Anh bắt buộc con trên lớp cố gắng tập trung hết sức nghe thầy cô giảng bài, học phải hiểu, không được học như vẹt và phải làm luôn bài tập trên lớp. Còn nếu chưa hiểu về hỏi ngay, ba sẽ dạy.

Sau việc học trên lớp, về nhà anh để con học làm việc nhà: Nấu cơm, rửa chén, phơi đồ, ủi quần áo, quét nhà, lau nhà dọn phòng. Bạn nữ lớn thì học thêm nấu ăn, cắm hoa, nấu chè với mẹ. Bạn nam thì học chà nhà vệ sinh, dọn vườn với ba.

"Chồng mình nói với các con, việc học kiến thức, chữ nghĩa là cả đời. Tụi con có giờ trên lớp rồi, về nhà học kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhà, tập tính siêng năng, sạch sẽ, rèn luyện sức khỏe, năng lực làm việc và luyện cho đôi tay có sự khéo léo, điều này nó cũng ngang ngửa việc học", chị Mỹ chia sẻ.

Thời gian đầu, lo kết quả học của con sút giảm, chị thấy thương, thấy tội khi những bàn tay nhỏ xíu phải làm việc nhà. Làm mẹ, cầm lòng không đặng. Nhưng cuối cùng, chị cũng phải chịu thua vì chồng cương quyết: Nếu làm giúp, chúng chỉ biết học và học rồi trở thành một trong những đứa không đụng tay tới việc gì.

Nếu thế, con gái sẽ lớn lên vụng về, không biết nấu ăn, không siêng năng, quán xuyến nhà cửa, không có những kỹ năng cơ bản của một người phụ nữ. Hãy để cho con được biết nhiều kiến thức đời sống hơn là trường lớp. Anh bảo, con mình trong đầu có kiến thức, vẻ ngoài có dung nhan, và còn phải là người phụ nữ có chiều sâu, biết suy nghĩ và có bản lĩnh.

Còn hai con trai, chồng chị Mỹ chỉ ra, nếu chỉ la phạt mà không biết khích lệ, không tìm ưu điểm của con thì con sẽ trở nên chán nản, cộc tính, thô lỗ. Nếu chỉ cho con học và học thì mãi nó cũng không biết quan tâm chị gái, mẹ, bạn bè, người thân. Không có năng lực giải quyết một vấn đề bất ngờ xảy đến. Và nhất là, sau này cưới vợ sẽ không biết phụ giúp đỡ người bạn đời của mình làm những công việc thường nhật. Nó không trở thành trụ cột được khi nó chỉ biết đi học mà không biết làm việc gì trong nhà. Anh muốn con trai là phải mạnh mẽ, gánh vác.

Nhưng tóm lại, chồng chị Mỹ muốn nhiều nhất chính là con được chơi nhiều hơn, các con vẫn còn nhỏ, tuổi thơ qua nhanh, đừng nhồi nhét con phải học.

Có những điều thay vì cấm cản, anh để con thoải mái. Vốn tính hay kiểm soát, nguyên tắc, chị Mỹ phải mất một thời gian mới quen với những thay đổi này.

Chẳng hạn, con thích mặc quần áo gì anh cứ kệ với quan niệm: Đẹp thì gu thẩm mỹ tốt, độc lạ thì gu thẩm mỹ khác người vậy thôi. Hãy tôn trọng sở thích của con, hoặc có gì không vừa ý, chỉ góp ý nhẹ nhàng.

Thay vì cấm chơi game thì anh nói: Ba sẽ cho các con chơi 30 phút vào khung giờ nào, con sẽ làm như vậy. Theo anh, trẻ nhỏ dễ dạy, hãy dạy con, chỉ đường cho con đi, đừng để nó đi lung tung rồi mắng chửi.

Anh chia sẻ: "Chúng ta đến với nhau vì tình yêu, các con cũng thế, chúng ta lao động vì trách nhiệm với các con với gia đình. Vậy nên, làm để kiếm tiền lo cho con, mục đích lớn nhất là lo cho con. Lo ở đây là cơm ăn, áo mặc, học hành và điều quan trọng nhất là dạy dỗ thành người. Phải dạy cho con nhân sinh quan đúng đắn nó mới có đủ bản lĩnh trong cuộc sống, dù có là trai hay gái. Nên hai vợ chồng hãy dành thời gian cho con, ăn với con, chơi với con, học cùng con, như vậy mới là điều tụi nhỏ cần. Con không cần tiền, cần nhất là tình thương của chúng ta".

Từng bất lực khi dạy con, bà mẹ ở TP.HCM làm một cuộc "hoán đổi": Mọi chuyện thay đổi không ngờ- Ảnh 2.
Từng bất lực khi dạy con, bà mẹ ở TP.HCM làm một cuộc "hoán đổi": Mọi chuyện thay đổi không ngờ- Ảnh 3.
Từng bất lực khi dạy con, bà mẹ ở TP.HCM làm một cuộc "hoán đổi": Mọi chuyện thay đổi không ngờ- Ảnh 4.

Các con của chị Mỹ tự hào về gia đình sau khi bố mẹ thay đổi cách giáo dục con

Cha mẹ thương con, phải tính đường dài, phải có lộ trình, để con đường của con được dễ dàng một chút. Tập tính kỷ luật, chứ không phải là dạy theo cảm tính. Hai vợ chồng cùng nhìn nhận lại mình đã dạy con đúng hay chưa, nếu sai mình sửa, sửa mình rồi mới sửa con. Một người cha người mẹ thấu đáo, thông tuệ, bao dung, yêu thương thì những đứa con không thể nào dở tệ được.

Chị Mỹ cho biết, chồng mình dạy con bằng cách đó từ đầu năm học đến giờ và chị cũng không ngờ, dù không học thêm nhưng 3 bạn thì 1 bạn học sinh xuất sắc, 2 bạn học sinh giỏi. Quan trọng hơn, con thạo việc nhà, con gái khéo léo hơn, nhẹ nhàng hơn, con trai thì không còn ganh tỵ với nhau và biết nhường cho chị.

"Có lẽ, anh không chỉ dạy con, anh dạy cả mình nữa"...

Nhìn lại hành trình đồng hành cùng chồng dạy con, chị Mỹ cho rằng: "Có lẽ, anh không chỉ dạy con, anh dạy cả mình nữa". Chị tin với một người trụ cột như anh sẽ lái con tàu nhỏ của gia đình vào bờ an toàn và thấy mình quá may mắn.

"Trước đây mình ráng làm có thu nhập tốt để tạo điều kiện cho con nhưng giữa các con và ba mẹ không có nỗi 1 bữa cơm gia đình trong ngày. Các bạn đi học bán trú thì giao cho nhà trường, thầy cô. Chiều về lại đi học thêm. Đến 8h hoặc 9h mới về thì các bạn mệt rã rời. Cũng chẳng nói mấy câu với ba mẹ.

Mình nghĩ cố gắng vững chắc kinh tế để lo cho con nhưng điều đó chưa đủ. Chưa kể, những lo toan bức bối khiến mình dễ có cảm xúc tiêu cực với con, dễ có những sự trách móc, chỉ trích hơn là cảm thông, thấu hiểu. Mình phải sửa bản thân và học cách tôn trọng những bạn nhỏ. Bạn thích như thế nào mình sẽ cũng bạn trải nghiệm và kết hợp. Và tự nhiên bạn lại đi theo hướng mình muốn và còn thể hiện được cá tính, mở lòng chia sẻ với mẹ về mọi chuyện.

Mình nhận ra, trước đây mình thật sự không hiểu con. Con cái cũng như 1 cuốn sách hay. Mình lật từng trang từng trang một, mỗi ngày mình viết vào một chút, cuốn sách sẽ hồi đáp và nếu mình đọc hiểu được thì câu chuyện của con và ba mẹ sẽ hay và sinh động", chị nói.

Để hòa hợp được việc dạy con, giúp con ngoan ngoãn có kỷ luật, lập trường, cả chị Mỹ và chồng luôn động viên nhau ráng cố gắng, lúc này sẽ cực nhưng mai này con sẽ có nền tảng, có bản lĩnh trong cuộc sống sẽ vững vàng khi không có ba mẹ kề bên.

Bây giờ mỗi ngày, các con chỉ học trên lớp, về làm việc nhà như ba phân công và có 1 bữa tối cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau làm việc, cùng nhau ăn, cùng nhau học và cùng chơi. Con vui hơn hẳn và nói rất tự hào về gia đình. Cuối tuần, chị Mỹ bỏ hết công việc, cuộc vui bạn bè, chở con đi công viên, đi đường sách, đi mua sắm. Ba mẹ vui, con cũng vui.

"Mình có 3 bạn nên mọi thứ đều cho bằng nhau. Không bắt anh chị phải nhường em, và cũng không vì em nhỏ mà được đòi hỏi anh chị. Ông xã mình cũng trọng việc trên dưới trước sau nên các bạn này đều nhường nhịn kính trọng nhau. Trong nhà mình chỉ sử dụng ái ngữ. Cả ba mẹ cũng không được nạt nộ, chê các con. Được phê bình nhưng phải đúng nơi đúng chỗ và chỉ riêng từng bạn. Và những việc gì liên quan đến các bạn đều sẽ hỏi ý kiến và cùng các bạn trao đổi đưa ra quyết định. Ông xã mình dạy con cách điềm tĩnh trong tất cả mọi việc.

Nếu con cảm thấy việc đó ngay lúc con không biết làm sao thì hãy gác sang 1 bên, làm việc khác. Để khi đầu óc tỉnh táo con sẽ có cách giải quyết tốt nhất. Nên khi bạn bị một bạn trong lớp bắt nạt thì con không đánh trả mà bỏ đi chơi nơi khác. Mình hỏi, bạn đánh con như vậy sao con kiềm chế được. Bạn nói ba dạy, kẻ yếu hơn mình thì mình nhường, kẻ ngang mình thì đối kháng, kẻ mạnh hơn thì bỏ chạy. Nhịn 1 lúc sẽ không sao, nếu không nhịn sẽ mất nhiều thứ hơn. Bạn cứ hung hăng như vậy cũng sẽ có lúc bị một bạn khác mạnh hơn đáp trả. Nghe con nói xong mình thấy rằng: Đúng rồi, anh đã dạy được cho con nhân sinh quan đúng đắn. Nên hoàn toàn tin vào cách anh đã và đang làm", chị Mỹ chia sẻ.