Trương Đức Anh, SN 2004, hiện đang là học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Thái Nguyên. Vừa qua, em trở thành sinh viên quốc tế xuất sắc khi nhận được học bổng trị giá $100.000 (khoảng 1,8 tỷ đồng) từ trường Đại học British Columbia (ngôi trường xếp thứ 2 tại Canada và xếp thứ 46 trên thế giới). Số học sinh nhận học bổng chỉ có 0,03% học sinh toàn thế giới. Đức Anh dự định sẽ học chuyên ngành Chính sách công và Xã hội học.
Bên cạnh đó, Đức Anh còn dành học bổng trị giá "khủng" tại 5 ngôi trường khác, bao gồm: ĐH Oberlin (4,8 tỷ), ĐH Denison (4,1 tỷ), ĐH DePauw (3,4 tỷ), ĐH Wooster (4,1 tỷ), ĐH Knox (3,6 tỷ). Nam sinh này cũng là 1 trong 8 học sinh Việt Nam được chọn vào vòng phỏng vấn cuối cùng của học bổng toàn phần Freeman danh giá nhất ĐH Wessleyan dành cho 11 nước châu Á – Thái Bình Dương.
Thành tích học tập đáng ngưỡng mộ của nam sinh Trương Đức Anh:
IELTS 8.0
Giải Nhất kỳ thi HSG quốc gia môn Tiếng Anh năm lớp 11
Huy chương Bạc kỳ thi Ngôn ngữ quốc tế WILLKOMMEN (môn Tiếng Anh)
Giải Đồng vòng chung kết quốc gia kỳ thi Olympic Toán, Tiếng Anh và Nghệ thuật trực tuyến FISO (điểm thi xếp thứ 25 trên thế giới môn thi Tiếng Anh)
Bài thơ về chiến tranh Việt Nam được chọn là một trong những bài thơ hay nhất của cuộc thi sáng tác thơ quốc tế "2021 Matter" Anthropology Poetry Contest
Đồng tác giả cuốn sách ebook Vietnam War: Beyond the Sliver Lining (Chiến tranh Việt Nam: Vượt lên quầng sáng cuối trời)
Chủ tịch/Đồng sáng lập tổ chức Seeds of Light Vietnam, tổ chức cung cấp các lớp Tiếng Anh giao tiếp cho trẻ khiếm thị tại tỉnh Thái Nguyên
Trưởng ban điều hành The Gloss Vietnam tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về cộng đồng LGBT
Phó Chủ tịch CLB Tiếng Anh UEE của trường THPT chuyên Thái Nguyên.
CHINH PHỤC HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG NHỜ BÀI LUẬN CỰC HAY VỀ TRẢI NGHIỆM HÁI CHÈ
So với các bạn đi du học tại Mỹ, Đức Anh làm hồ sơ khá muộn. Đến tận kỳ 2 lớp 11 em mới bắt tay vào hoàn thiện hồ sơ. Ra nước ngoài học tập không phải là ước mơ của Đức Anh. Mãi đến năm học lớp 10, em mới quyết định xin học bổng.
Đức Anh đặc biệt quan tâm đến các trường Đại học tại Mỹ và Canada vì đây là những trường thuộc khối khai phóng. Phương pháp giảng dạy của giáo dục khai phóng rất linh hoạt, hướng đến phát triển tối đa tiềm năng con người. Hơn nữa, ở Mỹ và Canada đều là quốc gia có nền kinh tế và nền giáo dục phát triển bậc nhất thế giới.
Đức Anh chia sẻ: "Với môi trường giáo dục như vậy, em cảm thấy hứng thú vì sinh viên được tự do phát triển. Trong những năm đầu tiên, sinh viên chưa cần xác định ngay ngành nghề. Chúng em có thời gian tự học, tìm hiểu, khám phá xem bản thân phù hợp với ngành nghề nào. Nền giáo dục khai phóng mang tính toàn diện, không bị gò bó, giúp sinh viên phát triển được thế mạnh. Em thấy bản thân thích hợp với hướng giáo dục nước ngoài".
Để "apply" (ứng tuyển) vào các ngôi trường tại Mỹ và Canada, Đức Anh phải chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ cùng nhiều thủ tục khác. Các trường đều yêu cầu chứng chỉ của cuộc thi chuẩn hoá như IELTS, SAT. Về chứng chỉ IELTS, Đức Anh thi 2 lần đều được điểm 8.0.
Tuy nhiên đối với bài SAT, Đức Anh không thể dự thi do tình hình dịch bệnh COVID-19 thời điểm đó diễn biến phức tạp. Vì vậy, nam sinh xác định việc chuẩn bị hồ sơ có tính cạnh tranh cao. Đây thật sự là một cuộc chiến quyết liệt.
Đức Anh cho rằng, bài luận của em chính là một điểm sáng, góp phần giúp em thành công trong quá trình "apply" học bổng. Em viết về trải nghiệm đi hái chè. Khi đến vườn chè, Đức Anh nhìn thấy những búp chè xanh mướt và cho rằng đó là những búp chè chất lượng, có thể thu hoạch được. Thực tế không phải vậy, các bác nông dân hướng dẫn em quan sát gốc chè để đánh giá chất lượng búp chè. Nếu không cẩn thận, tỉ mỉ rất có thể hái nhầm những búp chè bị hăng, hương vị không ngon.
Từ trải nghiệm hái chè, nam sinh Thái Nguyên nhận ra được bài học giá trị. Đó là đức tính cẩn thận, tỉ mỉ trong mọi chuyện. Hơn nữa, việc nhìn rộng ra, công việc hái chè giống như bức tranh toàn cảnh giống về cộng đồng thu nhỏ. Trong mọi tình huống, mọi trường hợp, chúng ta cần chú ý đến cá thể bởi cá thể góp nên cộng đồng.
"Em nghĩ chúng ta không nên bỏ qua tiếng nói của cá thể nhỏ bé. Đó là lý do tất cả các hoạt động của em đều hướng đến nhóm người yếu thế, nhóm người bị phớt lờ trong xã hội. Ai cũng xứng đáng được lắng nghe và nhận sự giúp đỡ", nam sinh cho biết.
Nhờ bài luận sâu sắc, Đức Anh nhận được học bổng vào ngôi trường mình mơ ước. Hạnh phúc hơn khi giá trị học bổng tại Đại học British Columbia (Canada) có giá trị lên đến 80%, tương đương 1,8 tỷ đồng.
NĂNG ĐỘNG THAM GIA NHIỀU HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ, DỰ ÁN NÀO CŨNG XỊN XÒ
Không chỉ nổi bật trong học tập, Đức Anh còn là học sinh tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá. Nam sinh là Chủ tịch/Đồng sáng lập tổ chức Seeds of Light Vietnam - tổ chức cung cấp các lớp Tiếng Anh giao tiếp cho trẻ khiếm thị tại tỉnh Thái Nguyên.
Tổ chức được thành lập vào năm em học lớp 11. Mỗi lớp học có từ 20 – 30 học sinh. Lớp học duy trì được vài tháng trực tiếp, thời gian sau chuyển sang học online do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Về ý tưởng thành lập tổ chức Seeds of Light Vietnam, Đức Anh cho biết trước đây, em có cơ hội gặp nhiều trẻ em khiếm thị tại Trung tâm hỗ trợ và hoà nhập. Em đã nói chuyện và nhận ra các em nhỏ ở đây vô cùng dễ thương, thông minh. Các em bày tỏ mong muốn học Tiếng Anh nhưng nhà trường chưa đủ điều kiện giảng dạy. Đức Anh nhận thấy việc hỗ trợ các em một kỹ năng mềm sẽ là điều rất tuyệt vời. Học Tiếng Anh là việc quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực, giúp ích nhiều cho tương lai sau này.
Nam sinh Thái Nguyên tâm sự: "Việc dạy Tiếng Anh giao tiếp cho người bình thường đã là một vấn đề khó, mà dạy cho người khiếm thị lại càng khó khăn hơn. Khó khăn lớn nhất là thị lực của các em không tốt nên việc truyền đạt kiến thức gặp nhiều hạn chế. Em chỉ có thể giao tiếp với các em nhỏ bằng bảng chữ nổi.
Vì vậy, đội ngũ giảng dạy phải là những bạn có kỹ năng sư phạm và có chuyên môn giảng dạy trẻ em khiếm thị. Chúng em kết hợp trình diễn nghệ thuật để lồng ghép kiến thức giúp các em tiếp thu tốt hơn. Ngoài ra, giảng dạy bằng giáo cụ trực quan là điều vô cùng cần thiết".
Bên cạnh đó, Đức Anh còn là Trưởng ban điều hành The Gloss Vietnam - tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về cộng đồng LGBT. Nam sinh từng tổ chức thành công sự kiện kết đôi online cho các bạn trong cộng đồng, giúp các bạn tìm được mảnh ghép hoàn hảo. Đức Anh cũng thường xuyên có những bài viết chia sẻ kiến thức, cung cấp góc nhìn sâu sắc về LGBT.
Nam sinh Thái Nguyên chia sẻ: "Hoạt động ngoại khoá giúp ích cho em rất nhiều, Điều đầu tiên là em có thể bước ra vùng an toàn. Không ai nghĩ một học sinh ở Thái Nguyên lại có thể điều hành cùng một lúc nhiều câu lạc bộ, có tổ chức còn ở tận Hà Nội. Nhờ mọi người tín nhiệm, em mới dám tạo nên những bước đột phá.
Điều thứ hai, em có cơ hội giao tiếp với nhiều người, được lắng nghe câu chuyện thú vị của họ. Đây là một trải nghiệm cực kỳ quý giá. Lợi ích thứ ba là giúp em kiểm soát được thời gian, thử thách khả năng chịu áp lực".
"Rejection is redirection" (Tạm dịch: "Từ chối là chuyển hướng") là câu nói Đức Anh tâm đắc. Sự từ chối là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Thay vì suy nghĩ tiêu cực, nam sinh cho rằng mỗi chúng ta nên thản nhiên đón nhận và coi đó là bài học rút ra kinh nghiệm cho bản thân.
Đức Anh từng bị hơn 20 trường ở Mỹ và Canada từ chối. Cảm giác mới nộp hồ sơ mà liên tục bị từ chối khiến nam sinh rất buồn. Đó cũng là quãng thời gian Đức Anh rơi vào khủng hoảng. Nhưng sau đó, em đã mạnh mẽ đứng dậy để tiếp tục chinh phục ước mơ. Em không cho phép bản thân nản chí, bỏ cuộc bởi lúc đó sẽ vuột mất cơ hội.