Từng bỏ việc ngân hàng lương cao, chàng trai Hà Nội khởi nghiệp nhiều nghề vẫn thất bại và rút ra bài học thấm thía
Câu chuyện kinh doanh đối với cả "dân tài chính" cũng gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Không ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy đến khi bước chân vào lĩnh vực này.
Anh Hoàng (32 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) đã có hành trình khởi nghiệp cho bản thân đầy sinh động nhưng cũng không kém sự gian nan. Anh đã bắt đầu công tác trong lĩnh vực ngân hàng từ năm 2012. Sau 2 năm làm việc, anh Hoàng tích lũy được 100 triệu tiền vốn. Sẵn trong người máu đam mê kinh doanh nên anh đã quyết định dùng số tiền này để khởi nghiệp.
Lần kinh doanh đầu tiên: Mở quán cafe với bạn bè
Lần đầu tiên kinh doanh, anh Hoàng đã tìm hiểu về ngành F&B (dịch vụ thực phẩm) và cảm thấy phù hợp. Anh quyết định hùn vốn với 1 người bạn mở quán cafe nhỏ. Tuy nhiên, bắt tay vào kinh doanh, anh gặp ngay cái khó:
- Bước đầu set up quán: Quán được nhận chuyển nhượng lại nên anh đầu tư sửa một số hạng mục nhỏ như: Bục sân khấu cho band nhạc (chủ yếu là CLB guitar của một số trường đến giao lưu), bảng led quảng cáo, đồ decor theo phong cách quán…
- Tìm kiếm loại cà phê phù hợp với khu vực, giá cả hợp lý, các nguồn trái cây làm sinh tố… Thời gian đầu anh Hoàng tham khảo thông tin của 1 số người quen có kinh nghiệm, sau đó nhờ khách hàng đóng góp ý kiến để điều chỉnh và chọn được nhà cung cấp phù hợp.
- Quản lý sổ sách bán hàng chặt chẽ: Điều này là khá khó khăn vì anh Hoàng không trực tiếp quản lý ở quán vì còn bận công việc tại ngân hàng. "Ban đầu mình chủ yếu dựa vào check camera và kiểm tra sổ sách thu chi trong ngày. Sau này thì mình nhận ra dùng phần mềm quản lý nhập dữ liệu rõ ràng sẽ hiệu quả hơn", anh Hoàng chia sẻ.
Làm được khoảng 1 năm phía người bạn muốn tách ra làm riêng, bản thân lại bận công việc tại ngân hàng, vừa lo công việc ở quán rất vất vả, nhận thấy ngành này sắp đến thời kỳ bão hòa nên anh Hoàng đã rút vốn về.
Thời điểm đó tất cả số tiền tích lũy được từ kinh doanh của anh Hoàng là khoảng 300 triệu, gấp 3 lần so với số vốn ban đầu.
Quyết định mua nhà khiến khoảng thời gian sau đó cuộc sống và việc kinh doanh gặp áp lực
Đầu năm 2017 anh Hoàng lập gia đình. Thời điểm đó hai vợ chồng vẫn ở với bố mẹ, cả 2 bên nội ngoại đều gần nhau nên chưa có ý định mua nhà. Nhưng sau đó vì muốn đề phòng trường hợp muốn ra ở riêng nên hai vợ chồng bàn nhau mua. Tổng thu nhập lúc đó của 2 vợ chồng là 40 triệu/tháng.
"Mình vay ngân hàng Vietcombank khoảng 1 tỷ, vay thêm mẹ 500 triệu nữa. Lãi suất cho vay của Vietcombank trong thời gian ưu đãi là 8,5%/ năm cố định trong 2 năm đầu tiên. Sau đó lãi suất khoảng 10.5%/năm.
Bắt đầu từ thời điểm này cũng chính là lúc áp lực nhất của mình. Vợ có bầu, mới ra trường công việc chưa ổn định, còn công việc của mình thì thu nhập đi xuống. Ngoài tiền sinh hoạt phí khoảng 10 triệu đồng/tháng thì mình phải gồng thêm tiền gốc + lãi ngân hàng khoảng 15 triệu".
Lúc này để đảm bảo cuộc sống, thì ngoài công việc chính, anh Hoàng kinh doanh thêm nhiều việc khác. "Mình góp vốn cùng 1 số anh em bạn bè kinh doanh thêm mảng thi công nội thất và cửa hàng cắt tóc nam. Nhờ có nhiều bạn bè làm nội thất nên khi cùng 2 người em khác mở cửa hàng cắt tóc cũng đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí thiết kế và decor quán", anh Hoàng chia sẻ thêm.
Anh Hoàng góp vốn cùng 1 số anh em bạn bè kinh doanh thêm mảng thi công nội thất và cửa hàng cắt tóc nam.
Tuy nhiên khó khăn nhất là những ngành nghề đó đều là mới với anh Hoàng, mỗi khi bắt tay vào làm đều mất rất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm sản phẩm phù hợp, nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh, xây dựng bộ tài liệu kinh doanh...
Cũng có 1 chút may mắn là anh Hoàng làm trong mảng tín dụng, được tiếp xúc khá nhiều khách hàng với đủ các ngành nghề kinh doanh khác nhau, nên khi bắt tay vào mảng nào cũng có 1-2 đầu mối xin chia sẻ thông tin, kinh nghiệm.
Quyết định bỏ việc ngân hàng để làm bất động sản nhưng thất bại
Năm 2020, nhận thấy công việc kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc lại không muốn ôm đồm nhiều thứ nên anh Hoàng đã đưa ra quyết định nghỉ việc tại ngân hàng.
"Mình nghỉ việc để tập trung vào kinh doanh mảng bất động sản. Công việc chính của mình khi đó là quản lý kinh doanh mảng kiot chợ, trung tâm thương mại cho thuê của 1 tập đoàn bất động sản. Thị trường chủ đạo của công ty là ở Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vũng Tàu.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, mình vừa nghỉ việc được 3 tháng để làm trong mảng này thì đợt dịch bùng phát. Càng cố gắng bám trụ thì càng lỗ. Khoản tiền lỗ lúc ấy mình gánh khoảng 100 triệu đồng. Thế nên cuối năm 2020 mình quyết định quay trở lại Hà Nội và tiếp tục làm ngân hàng, đồng thời với việc làm tư vấn đầu tư cá nhân".
Anh Hoàng đưa ra quyết định quay về ngân hàng làm lại để tạm thời ổn định qua mùa dịch. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại cũng chưa biết đến khi nào dịch bệnh mới chấm dứt.
"Sau nhiều thất bại, hiện tại mình tạm buông bỏ giấc mộng giàu sang mà chỉ tập trung vào công việc và gia đình. Ngoài 1 căn chung cư vẫn đang trong thời gian trả góp, 2 vợ chồng có để dành được 1 số vốn khoảng 500 triệu. Số tiền này một phần mình gửi tiết kiệm ngân hàng (lãi suất hiện tại gần 7%), 1 phần mua trái phiếu lãi suất khoảng 10-12%. 2 mục này đều là những sản phẩm chuyên ngành nên anh mình khá tự tin.
Mình dành 1 phần khoảng 50 triệu (10%) tiền mặt để đề phòng một số trường hợp cần thiết phải sử dụng. Một phần vốn khác vợ chồng đang đầu tư nuôi thêm gà, tận dụng trên khu đất của ông bà để có thêm thu nhập", anh Hoàng chia sẻ.
Một phần vốn khác vợ chồng đang đầu tư nuôi thêm gà, tận dụng trên khu đất của ông bà để có thêm thu nhập.
Bài học rút ra
Dịch bệnh bùng phát chính là lý do khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trong đó có bất động sản. Lúc đó, anh Hoàng chọn bước đi an toàn là tạm thời thu hẹp bớt các công việc kinh doanh bên ngoài, quay trở lại và tập trung vào công việc chính tại ngân hàng mà đã có sẵn nền tảng. Anh cũng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
"Mình nhận thấy sự đoàn kết, đồng lòng trong gia đình là rất quan trọng. Nếu nội bộ gia đình không đoàn kết, có nhiều mâu thuẫn thì rất khó để tập trung vào công việc, kinh doanh. Thành bại cũng 1 phần do nội bộ, tránh tối đa việc vừa làm vừa lo, vừa làm vừa không yên tâm, mất đoàn kết trong gia đình.
Đối với các bạn trẻ đang mong muốn khời nghiệp làm giàu, mình chỉ có 1 góp ý nhỏ trên quan điểm cá nhân của mình là ngoài sự quyết liệt trong công việc, các bạn cũng nên sắp xếp dành thời gian cho gia đình để có thể đạt được sự cân bằng trong cuộc sống".
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC