Là một chuyên gia tâm lý trẻ mầm non, đồng thời cũng từng tìm hiểu về việc cho con ngủ như thế nào từ trước khi sinh con, chị Nguyễn Anh Đào rất hiểu những trăn trở của các mẹ khi quyết định luyện ngủ cho con hay không. Chị Anh Đào cho biết, con trai chị và một người cháu từng được áp dụng các phương pháp luyện tự ngủ từ khi mới sinh: "Các bé tự ngủ thành công sau 1 tuần nhưng sau đó các mẹ đều nhận thấy cách để mặc con khóc rồi tự ngủ hơi tàn nhẫn. Không những thế, con mình hiện giờ còn bị một 'dấu ấn tiềm thức" về việc đó, nên rất sợ mẹ đi mất. Điều đó khiến mình hơi ân hận".
"Cry-it-out" - để mặc con khóc cho đến khi tự ngủ. Quan điểm đó cho rằng: làm như thế là để trẻ tự biết ru mình ngủ, học tính tự lập, không bám hay phụ thuộc mẹ… Nghe rất hay và hợp lý! Nhưng tôi đã quyết định làm điều ngược lại", chị Đào tâm sự. Và dưới đây là những lý do khiến bà mẹ này từ bỏ hành trình luyện ngủ cho con:
Tôi nhận ra việc nhốt 1 đứa trẻ trong bóng tối, để mặc nó tự khóc rồi mệt lả rồi ngủ lạnh lùng và tàn nhẫn như thế nào (Ảnh minh họa).
Nằm ôm con từ lúc con còn tỉnh táo đến khi đã chìm vào giấc ngủ thật tuyệt diệu và ấm áp, hệt như những gì tôi tưởng tượng về việc làm mẹ từ trước khi có con và tôi nhận ra việc nhốt 1 đứa trẻ trong bóng tối, để mặc nó tự khóc rồi mệt lả rồi ngủ lạnh lùng và tàn nhẫn như thế nào. Đổi lại, ôm con ngủ có hàng loạt lợi ích sau:
1. Thắt chặt tình cảm mẹ con
Đôi khi, trong bóng tối, con nép mình vào tôi và tôi chạm vào mái tóc tơ mềm mại của con, cảm nhận được đôi má ấm áp hoặc trái tim nhỏ đang đập rộn ràng trong lồng ngực bé nhỏ đó. Tôi yêu con hơn và nhiều lúc tôi muốn khóc, cảm ơn vì có con.
Bạn đi làm cả ngày rồi, thời gian này là lúc để bạn gần con hơn, nói cho con biết bạn yêu chúng như thế nào. Và đây cũng là lúc để con bạn được nói với bạn rằng chúng cũng yêu và tin tưởng bạn, bằng ngôn ngữ riêng của chúng.
Tôi nằm cùng con vì con muốn ở bên cạnh tôi. Tôi chỉ mất một vài phút trong ngày của mình, chưa kịp dọn dẹp vài thứ trong nhà, nhưng đối với con tôi, đó lại là tất cả.
2. Mở cánh cửa vào trái tim con
Khi con đang dần chìm vào trạng thái mơ màng, con sẽ mở cửa trái tim mình và cho bạn vào trong, chúng sẽ chia sẻ hết với bạn những điều mà bình thường khi còn đang thức hay tỉnh táo, chúng sẽ giấu kín dưới rất nhiều lớp khoá bảo vệ.
3. Tạo dựng sự tự tin
Bạn có thể thắc mắc: Như vậy thì làm thế nào mà chúng học được cách tự trấn an bản thân, tự ru mình ngủ mà không cần đến bạn? Bạn sẽ tạo ra những đứa trẻ phụ thuộc, không thể biết cách tự sống sau này trong cuộc đời nếu thiếu bạn.
Có rất nhiều cách để bạn biến con thành đứa trẻ phụ thuộc bằng các hành động vào ban ngày. Nếu bạn chiều con, làm theo mọi yêu cầu của chúng, làm 1 "bà mẹ trực thăng" trên đầu chúng, thì việc bạn tách riêng con tự ngủ cũng không làm chúng tự lập được trong đời.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ càng gắn bó với cha mẹ, thì chúng càng cảm thấy an toàn hơn và chúng sẽ thực sự trở thành những người tự lập. Điều đó có nghĩa là: việc bảo vệ trẻ sẽ khiến chúng cảm thấy tự tin và có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống hơn.
Tôi trở nên thư thái và bình yên hơn khi ngủ bên con (Ảnh minh họa).
4. Xoa dịu những căng thẳng trong cuộc sống
Giữa bộn bề của cuộc sống, học tập, công việc, và những lo toan khác, rất hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc im lặng và gần gũi như những giây phút trước lúc ngủ.
Tôi nằm cùng con những đêm con cảm thấy căng thẳng, bồn chồn, hoặc đơn giản là chỉ cần tôi mà không biết lý do tại sao.
Tôi nằm cùng con vì tôi biết rằng các cậu bé thường được dạy phải mạnh mẽ hơn chúng thực sự có thể, phải kiềm chế những nhu cầu và mong muốn của mình lại, phải làm như những gì chúng được xã hội trông đợi, … và tôi nghĩ đó là một cách dạy rất nguy hiểm cho cả con trai và con gái. Điều này tạo nên những căng thẳng, đè nén trong con, và bây giờ là lúc chúng "trút" nó ra.
Tôi nằm cùng con bởi vì con yêu cầu và tôi sẵn sàng. Nhưng không chỉ có con cần được xoa dịu, chính tôi cũng thế.
Đôi khi vào cuối những ngày dài, gồng mình gánh vác trách nhiệm của một trưởng phòng, một bà mẹ, một người vợ, một người con dâu… tôi cũng cần thư giãn. Có những lúc tôi bị kích động, tôi thấy mình đang muốn nổ tung. Nhưng những câu chuyện, nụ cười và khuôn mặt đáng yêu của con xoa dịu tôi rất nhiều. Tôi trở nên thư thái và bình yên hơn.
5. Ngăn ngừa sự lãnh cảm
Nếu con cần bạn, con cần khóc, cần tâm sự mà bạn không đến, hoặc yêu cầu con "tự xử lý đi" thì lần sau, chúng sẽ không khóc nữa và trở nên chai lì, vì chúng nghĩ cảm xúc và nỗi sợ của mình không đáng được quan tâm, mình không được quan tâm. Từ đó, chúng sẽ chai lì với cả cảm xúc của người khác. Điều này sẽ hình thành tính cách của con trong tương lai và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển/ thăng tiến trong cuộc sống.
Nói như vậy không có nghĩa rằng mọi gia đình đều phải nằm cùng với con vào giờ đi ngủ mỗi buổi tối. Có nhiều cách để nuôi dạy 1 đứa trẻ trở nên tự tin và độc lập, và việc này hoàn toàn không phải là điều kiện tiên quyết. Nhưng không có lý do gì để không làm việc đó nếu nó có thể thực hiện được đối với hoàn cảnh gia đình của bạn. Và chỉ vì bạn cho phép con có thói quen ngủ cùng bạn không có nghĩa là chúng sẽ không thể thích nghi và tự ngủ 1 mình khi bạn không ở bên cạnh chúng. Yên tâm đi, chúng hoàn toàn có thể!
Workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" là một hoạt động đặc biệt của chiến dịch We Are Family được tổ chức hoàn toàn miễn phí dành cho 100 người phụ nữ được sống với những sở thích, đam mê của bản thân tại Hà Nội (29/07) và Hồ Chí Minh (05/08).
Tại đây, bạn không chỉ có cơ hội được trao đổi, chia sẻ với rất nhiều người phụ nữ đồng điệu mà còn được sở hữu những tấm hình cực kì xinh đẹp bên niềm đam mê của bản thân. Cùng với đó là những trải nghiệm thỏa thích khi được làm những điều mình yêu, học hỏi và gặp gỡ nhiều phụ nữ cùng chung đam mê ở các lĩnh vực: ẩm thực, handmade, homemade, mỹ phẩm organic… với sự hướng dẫn của các chuyên gia nổi tiếng.
Hãy chia sẻ ngay đam mê của bạn tại http://waf.afamily.vn để có cơ hội tham dự workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" và mang về nhiều phần quà giá trị ngay bây giờ nhé!