Có con vừa tốt nghiệp lớp 5 và đậu vào lớp 6 một trường chất lượng cao, dù hài lòng với kết quả đạt được nhưng nhìn lại hành trình, chị Anh Nguyên (Hà Nội) cho rằng: Nếu được bắt đầu lại từ đầu, chắc chắn chị sẽ chuẩn bị tốt hơn cho con (và cả cho bố mẹ) để hành trình tiểu học của con được dễ dàng suôn sẻ và hạnh phúc hơn.
Vì thế, chị muốn chia sẻ lại trải nghiệm và những kinh nghiệm của bản thân, hy vọng sẽ giúp ích được phần nào cho các bố mẹ đi sau, nhất là cho những bạn sắp bước vào lớp 1. "Vì đây là trải nghiệm cá nhân, nó sẽ không giống bất kỳ ai khác, nên không có đúng hay sai; chỉ nhằm giúp mọi người có thêm góc nhìn/thông tin; còn sàng lọc và áp dụng cho bản thân như thế nào thì tùy từng gia đình", chị nói.
Bà mẹ này đã chia sẻ chi tiết những điều thiếu sót và lưu ý trên hành trình đồng hành cùng con:
1- Những thiếu sót khi con học mẫu giáo
Chị Anh Nguyên cho rằng, thiếu sót lớn nhất của mình là đã không chuẩn bị cho con một nền tảng tiếng Việt vững chắc.
"Trước đây, môn tiếng Việt và tập làm văn là thế mạnh của mình. Vì thế, mình chưa bao giờ nghĩ rằng người Việt Nam lại có thể gặp khó khăn với tiếng mẹ đẻ. Mẹ mình đã dạy mình đọc từ khi lên 3.
4 tuổi viết được chữ. 5 tuổi đi học lớp 1 (mình học sớm 1 năm mà vẫn là top 1). Thế nên mình đã quá chủ quan, cứ nghĩ rằng trẻ em Việt Nam sống ở Việt Nam là tự động tiếng Việt sẽ xuất sắc. Chỉ một sai lầm đó đủ để con mình trả giá và vẫn tiếp tục phải khắc phục. Tiếng Việt kém dẫn tới việc con không có hứng thú đọc sách, đọc tài liệu bằng tiếng Việt", chị nói.
Vì thế, chị khuyên cha mẹ, khi con tầm 3 tuổi, hãy cố gắng đọc truyện thật nhiều cho con nghe. Hãy đọc thật nhiều và hãy gợi cảm hứng để con có hứng thú đọc và biết đọc sớm. Từ đó, con tích lũy được vốn từ, cấu trúc câu, văn phong và thành ngữ tiếng Việt. Cố gắng để con biết đọc biết viết tiếng Việt theo cách tự nhiên nhất có thể.
Tiếp theo, hãy cho con tiếp xúc tiếng Anh từ sớm. Đọc truyện tiếng Việt cho con nghe; và dành thời gian cho con xem hoạt hình, clip tiếng Anh dành cho trẻ em, để con thẩm thấu ngoại ngữ này.
2- Tìm trường tiểu học phù hợp với cá tính và năng lực của con
Thiếu sót thứ hai của chị, đó là đã chọn trường theo "trend" (xu hướng) mà không hề tính toán đến cá tính, năng lực và sở thích của con.
"Thực ra, mình không vô tâm đến thế. Nhưng vì con đã có thời mẫu giáo rất hạnh phúc, ngôi trường rất hợp với con; bố mẹ cũng cực kỳ hợp với trường, nên tin tưởng rằng "cấp 1 thì cũng như mẫu giáo lớn thôi mà". Và một lý do khách quan nữa, cũng cùng thời gian đó, nhà mình có người ốm nặng gần 3 năm, gia đình lại neo người, mình vừa đi làm, vừa lo việc nhà, chăm sóc.
Con thì học mẫu giáo còn bé bỏng quá, nên không còn tâm trí để tìm hiểu sâu xa. Thế nên, khi tìm hiểu qua thấy hệ song ngữ Cam của một trường tiểu học hay quá, đã chọn luôn cho con mà không tìm hiểu tí gì về đặc điểm của ngôi trường. Con đỗ xong thì bố mẹ vui vẻ chốt luôn mà không hề nghĩ ngợi hay tìm hiểu sâu hơn.
Đấy là thiếu sót đáng trách của mình, vì cá tính của con mình không hợp với phong cách của trường. Mặc dù con theo học rất ổn, kết quả học tập cũng rất ổn; thành tích cá nhân cũng tốt; mẹ thì có được tệp bạn bè là phụ huynh cùng trường "trên cả tuyệt vời", nhưng khi con lên cấp 2, dù rất yêu trường tiểu học của con, mình vẫn phải tìm ngôi trường mới hợp với tính cách của con hơn", chị chia sẻ.
Vì vậy, khi chọn trường cho con, bố mẹ hãy cân nhắc thật nhiều khía cạnh (chương trình học, tài chính, quãng đường di chuyển… và xem xét cả yếu tố tâm lý của đứa trẻ nữa). Ngôi trường tốt nhất là ngôi trường phù hợp với con mình, đem lại cảm giác tự tin, hạnh phúc cho đứa trẻ, chứ không phải ngôi trường được review 5* trên mạng xã hội.
3- Thận trọng với học bạ tiểu học của con
Chị Anh Nguyên từng không biết học bạ tiểu học lại quan trọng, cho đến khi con sắp bước vào lớp 5. Khi con vào lớp 1, mọi người có thể nghĩ đến lớp 5 là tương lai xa, rất xa. Nhưng thời gian trôi đi cực nhanh, nhoằng một cái, con đã hết lớp 4. Đến lúc phải chọn trường cho 4 năm cấp 2 thì mọi thứ bỗng vỡ òa ra là học bạ tiểu học cũng quan trọng lắm.
5 năm học sinh xuất sắc và tổng điểm thi các năm học phải từ 167 điểm (tối đa 3 điểm 9) trở lên mới được nộp hồ sơ thi Ams. Điểm học bạ quy ra điểm cộng để xét trúng tuyển vào lớp 6 trường THCS nổi tiếng khác... Một học bạ "đẹp" và chuỗi thành tích dày dặn là yếu tố đầu tiên để được xét duyệt vòng 1 thi học bổng của các trường tư "hot hit"...
Bố mẹ hãy tìm hiểu tiêu chuẩn xếp loại học sinh xuất sắc của trường con mình theo học và hãy cố gắng sâu sát với con, để con có được bộ học bạ đẹp nhất có thể.
4- Đừng lơ là các môn "phụ" (Âm nhạc – Thể dục – Mỹ thuật) và các nội dung về phẩm chất cá nhân
Con có thể học rất tốt các môn chính (Toán – Tiếng Việt – Tiếng Anh – Khoa học – Lịch sử và Địa lý) nhưng vẫn trượt học sinh xuất sắc vì các môn phụ. Nếu bố mẹ nhắm đích đến là trường cấp 2 chất lượng cao thì phải xem xét kỹ các yêu cầu của trường, xem có ràng buộc điều kiện "toàn điểm 10" hoặc "học sinh xuất sắc" không, từ đó có sự chuẩn bị thích hợp.
5- Nếu có thể, hãy giúp con có thành tích ngoại khóa
Dù con theo học trường công hay tư hay quốc tế, thì ngoài chương trình học chính khóa, con có thể tham gia các cuộc thi ngoài, đủ các lĩnh vực từ học thuật (Toán, Tin, tiếng Anh, Khoa học) cho đến Văn - Thể - Mỹ.
Tiểu học thì việc đoạt giải các cuộc thi ngoài không khó, như trường của con chị Anh Nguyên, dạy rất tốt, các con học tốt ở trên lớp thôi là cũng đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ngoài. Ít nhiều thì các giải thưởng đó cũng là nguồn động viên cho các con; được khen ngợi, tạo ưu thế cho các con khi thi tuyển/thi học bổng vào một số trường.
6- Phải học tốt Toán, tiếng Việt và tiếng Anh
Đến khi phải thi chuyển cấp thì đi đâu, làm gì, thi vào đâu thì cũng đụng phải "combo" này. Nên các con cố gắng học tốt 3 món này ngay từ đầu. Nếu ba mẹ không kèm được, thì có thể nhờ thầy cô kèm. Nếu có mục tiêu thi vào lớp 6 trường công CLC, thì nghiêm túc xem xét việc tự học/học thêm từ năm lớp 4.
Riêng tiếng Anh, theo chị, lý tưởng nhất là hết cấp 1 đạt trình độ B2, khi đó tiếng Anh của con đã đủ lưu loát để làm bất cứ thứ gì con muốn, phù hợp với độ tuổi và nhận thức của con.
7- Rèn kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm
Cái này không liên quan gì đến việc con luyện để tham gia các cuộc thi. Kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm là kỹ năng mà các bạn lớp 5 buộc phải có, vì chương trình học của các con có những phần như vậy.
Nếu những kỹ năng này tốt, sẽ giúp ích cho các con khi làm các dự án tại trường, và có lợi thế khi thi học bổng các trường tư thục. Con chị khá nhút nhát và thể hiện kém, nên ảnh hưởng khá nhiều đến thành tích chung của con.
8- Có kế hoạch chuẩn bị (ít nhất 1 năm trước đó) nếu dự định cho con thi học bổng các trường tư thục
Những tiêu chí cần đạt được khác (như rèn luyện thể chất, những thói quen tốt, tập làm việc nhà, rèn kỷ luật và trách nhiệm với việc học, rèn khả năng tự học...) thì đương nhiên cần phải có. Chị không đặt nặng các tiêu chí này vì con chị đạt được dễ dàng và nhanh chóng; chị nghĩ rằng các bạn nhỏ khác cũng sẽ như vậy.
"Mình thấy rằng, chọn trường tiểu học nào không quan trọng bằng việc bố mẹ có dành thì giờ và tâm sức để đồng hành cùng con hay không. Một ngôi trường danh tiếng, một tệp bạn bè chất lượng cao, một chương trình học tiên tiến, những thầy cô có nghiệp vụ sư phạm tốt... vẫn không thể thay thế vai trò của bố mẹ. Vì thế, sẽ không có ngôi trường tiểu học nào đủ "xịn" để phó thác hết việc học hành rèn luyện của con cho nhà trường và thầy cô.
Ngày nay, ba mẹ có thể cho con nhiều thứ vật chất, nhà trường/thầy cô có thể cung cấp cho con rất nhiều kiến thức, nhưng làm thế nào để đứa trẻ thực sự hạnh phúc mới là điều khó khăn nhất. Làm thế nào để hài hòa giữa "nuôi" và "dưỡng", giữa "dạy" và "dỗ" để đứa trẻ phát triển cân bằng, thay vì tạo áp lực, hãy trao cho trẻ động lực để tự tin và tự chủ", chị Anh Nguyên chia sẻ.