Năm thi vào lớp 10, em Phan Nhật Minh - con trai chị Minh Lý, giáo viên (Hà Nội) thi đỗ hệ chính quy lớp tiếng Đức, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội. Tuy nhiên, trước đó, gia đình chị hoàn toàn không có ý định cho con học trường chuyên nên Nhật Minh cũng chưa bao giờ đi học luyện thi.

Theo quan điểm của gia đình chị lúc đó, trường chuyên là dành cho những ai thực sự có năng khiếu, có đam mê. Nhưng cũng vì đam mê mà người ta sẵn sàng dấn thân, dám hi sinh cả hạnh phúc cá nhân để thỏa mãn niềm đam mê ấy.

Từng nói không với trường chuyên, bà mẹ Hà Nội quay xe cho con thi vì "sự cố" bất ngờ: Giúp con thi đỗ dù không luyện thi ngày nào - Ảnh 1.

Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội.

Vợ chồng chị cũng tự thấy con cũng bình thường không thật xuất sắc nên việc "cố sống cố chết" để thi vào trường chuyên lớp chọn là không cần thiết. Có nhiều con đường dẫn tới "thành Rome".

"Quay xe" vì một thay đổi bất ngờ

Năm học cấp 2, Nhật Minh học lớp tiếng Đức, trường THCS Đống Đa vì nhà gần trường, đúng tuyến. Xem trên website của trường, thấy có các lớp song ngữ: Đức, Anh, Hàn, Nhật..., chị Lý bàn với con đăng ký lớp tiếng Đức vì tiếng Anh của con khá tốt, giờ nên học thêm ngoại ngữ thứ hai. Con đồng ý. Thế là con đăng ký và được vào lớp tiếng Đức A2.

Một ngày, anh trai của Nhật Minh bỗng dưng bảo: "Theo con ba mẹ nên cho em học trường chuyên". Thế là chị Lý bắt đầu tìm hiểu về trường chuyên. Đọc để biết, để cập nhật thông tin còn đích đến ban đầu của gia đình chỉ là THPT Việt Đức, lớp tiếng Đức. Nhưng cuối năm lớp 9, Minh được biết, từ năm học tới thầy giáo người Đức dạy tiếng Đức mà con yêu thích sẽ không dạy ở Việt Đức nữa, thẩy chỉ dạy ở trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (CNN), ĐHQG Hà Nội. Thấy con có vẻ hụt hẫng và tiếc vì không được học với thầy, chị bảo: Hay là con thi CNN? Muốn học với thầy thì chỉ có cách vào CNN.

Chị Lý cũng biết, để thi vào CNN thì phải đi ôn thi, phải "đầu tư" sớm. Nhưng thiết nghĩ, con tuy không thi học sinh giỏi, không có giải này giải nọ nhưng con nắm vững kiến thức, có kỹ năng và tư duy khá tốt. Con học thật và năng lực của con là có thật. Chị bàn với con và đi đến quyết định: Minh không thi vào THPT Việt Đức nữa mà nguyện vọng 1 sẽ là cấp 3 Kim Liên. Phương án dự phòng sẽ là dự thi CNN.

Quyết định được đưa ra trước khi thi gần 2 tháng, nghĩa là hai mẹ con chỉ có không đầy một tháng rưỡi để chuẩn bị.

"Đề thi vào trường chuyên có cấu trúc và dạng bài rất khác, khác hoàn toàn toàn với thi THPT. Bạn bè con đi luyện thi CNN đều khẳng định: Không đi học thêm thì khó mà đỗ vì không biết họ thi kiểu gì, làm sao mà ôn được. Mình cũng toát mồ hôi hột. Nhưng mình không nản, cũng không liều lĩnh, chỉ cẩn thận phân tích tình hình, đánh giá thuận lợi, khó khăn và động viên con dự thi", chị Lý chia sẻ.

Từng nói không với trường chuyên, bà mẹ Hà Nội quay xe cho con thi vì "sự cố" bất ngờ: Giúp con thi đỗ dù không luyện thi ngày nào - Ảnh 2.

Em Phan Nhật Minh

Hai mẹ con chỉ kịp làm hồ sơ và đăng ký đợt thi thử cuối cùng của CNN. Hôm đó chị bảo con: "Con làm bài thi và cố gắng chép lại được càng nhiều bài trong đề thi càng tốt". Mục đích là lấy những bài đó để nghiên cứu, đánh giá mức độ và phân tích tình hình.

Kết quả thi thử, Minh suýt soát đỗ. Cân nhắc kỹ càng, chị Lý khẳng định: Con quyết tâm, con sẽ đỗ! (thực tế chị Lý đoán chính xác cả điểm thi vào 10 của con).

Bà mẹ hai con khẳng định: Con mình không phải siêu nhân, việc thi đỗ không phải là phép lạ mà là một quá trình, có cả chiến lược, chiến thuật nhưng hoàn toàn không áp lực, không chạy đua vũ trang căng thẳng. Lúc đó con đồng ý thi nhưng giao hẹn: Con sẽ quyết tâm thi nhưng như nhà mình đã thống nhất con chỉ thi cho biết, thi như phương án dự phòng cùng thêm điều kiện: Mẹ lùi lại 2 tuần để con thi xong DSD (một chứng chỉ) tiếng Đức rồi mới ôn thi chuyên.

Vậy là chính thức, hai mẹ con chỉ có 1 tháng 12 ngày để cùng nhau ôn luyện.

Đồng hành cùng con, giúp con thi đỗ dù không đi luyện thi một ngày nào

Khi quyết định cho con thi CNN, chị Lý cẩn thận đánh giá tình hình chung và cụ thể từng môn:

Môn ngoại ngữ: Mục tiêu của gia đình là cho con đi du học bậc đại học nên con được học tiếng Anh từ lớp 2 với giáo viên nước ngoài ở một trung tâm Anh ngữ. Việc này không chỉ trang bị kiến thức cơ bản mà con còn được tiếp thu phong cách, văn hóa, tư duy của người nước ngoài. Nó góp phần hình thành phong cách tự tin, nghiêm túc trong con.

Lên lớp 6 chị cho con học lớp song ngữ Anh - Đức ở trường THCS Đống Đa, gần nhà, đúng tuyến. Động cơ ban đầu là cho con học thêm một ngoại ngữ cũng tốt. Tiếng Anh con học khá tốt, giờ chuyển sang tiếng Đức cũng đỡ, nhẹ nhàng, không nhiều áp lực.

Chị Lý và chồng dạy con dù học trường nào cũng cần học tốt hai thứ tiếng, không coi nhẹ tiếng nào. Cũng là tình cờ con đam mê xe đua, xe F1 mà Đức lại là nơi có hãng xe BMW, có người con hâm mộ nên con thích tìm tòi, đọc, nghe, khám phá bằng tiếng Đức. Vì vậy con học tiếng Đức cũng khá.

Việc chị quyết định cho con thi vào Kim Liên bằng tiếng Anh và thi CNN bằng tiếng Đức là để con duy trì sự cân bằng giữa hai thứ tiếng, không bị ngắt quãng, không coi nhẹ tiếng nào. Việc con học tốt ngoại ngữ là một lợi thế vì thi CNN, ngoại ngữ tính hệ số 2. Con cũng vừa trải qua kỳ thi DSD ở trường, đã được học với các thầy cô có uy tín của chương trình liên kết Việt Đức. Đây cũng là một lợi thế.

Môn Văn + tổ hợp Khoa học Xã hội

Ngay khi con còn nhỏ, chị Lý đã dạy con phải học nghiêm túc tất cả các môn, không coi nhẹ môn nào bởi không muốn trong nhà có một siêu nhân đầu to mắt cận, chỉ số IQ thì cao vút mà EQ thì thấp còi. Con học nghiêm túc các môn nên khi có quyết định thi môn Sử cũng không thấy sốc.

Ngay từ hè năm lớp 8, cô giáo dạy Văn ở trường của con đã yêu cầu các con phải đọc và soạn trước các bài văn trong chương trình lớp 9. Chị nhắc con đọc và soạn bài đầy đủ theo yêu cầu của cô. Chị còn yêu cầu con học thuộc lòng các bài thơ trong chương trình Ngữ Văn lớp 9.

Nhật Minh cũng đã được mẹ dạy cách học thuộc lòng từ hồi tiểu học nên việc này nên khá ổn. Việc chuẩn bị này cực kỳ có lợi, nó giúp con vào năm học mới tiết kiệm được thời gian và sức khỏe để tập trung vào việc chính.

Phần tiếng Việt trong Ngữ Văn con cũng không gặp khó khăn gì lắm. Con chú ý nghe cô giảng bài, nắm vững các khái niệm cơ bản.

Khi viết Văn, con biết diễn đạt suy nghĩ của mình. Con khá độc lập trong suy nghĩ. Đó là kết quả nhiều năm mẹ đồng hành cùng con với môn Văn và tiếng Việt ở tiểu học. Con được học cách quan sát và viết ra theo ý hiểu của mình chứ không theo văn mẫu.

Riêng phần nghị luận (NLVH và NLXH), nếu không được chuẩn bị tốt thì rất mệt. Các con phải viết một đoạn văn nghị luận về một vấn đề nào đó. Phần này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng và sự hiểu biết của con.

"May mắn là trong gia đình, bọn mình hay trò chuyện với các con về các vấn đề xung quanh. Mỗi một vấn đề đưa ra được bình luận, đánh giá nhiều chiều nhằm dạy cho con có suy luận logic và tư duy phản biện... Cách trò chuyện mang tính định hướng này không chỉ tốt trong học Văn mà còn rất tốt trong cách ứng xử gia đình, xã hội. Khi gặp các vấn đề về nghị luận, con có phương pháp tư duy, cách nhìn nhận vấn đề nên về cơ bản khi gặp một đề nghị luận mới, dù chưa được học, chưa được ôn, con cũng có thể từ từ chinh phục.

Khách quan mà nói, con có cách suy nghĩ tích cực, rành mạch, có tư duy phản biện và hiểu biết khá rộng. Đó cũng là một lợi thế", chị Lý chia sẻ.

Môn Toán + tổ hợp Khoa học Tự nhiên

Đây là môn "xương" nhất. Đề thi CNN 100% trắc nghiệm, con chưa hề được làm quen. Chị Lý đánh giá: Con có kiến thức nền tảng tốt, kỹ năng tốt, cố gắng sẽ ổn. Từ trong hè, chị mua quyển Toán cơ bản và nâng cao của tác giả Vũ Hữu Bình cho con tự học. Mỗi ngày 4-5 bài, xong hè xong chương trình lớp 9.

Vào năm học, cô giáo sẽ dạy kỹ hơn, nhưng do con đã học sơ qua nên dễ tiếp thu. Trong năm học sẽ vừa học vừa làm thêm các đề nâng cao. Chị Lý đánh giá quyển này vừa sức, có phần lý thuyết ngắn gọn, cô đọng. Con học lý thuyết và làm bài tập. Làm hết phần cơ bản thì đến phần nâng cao. Làm xong đối chiếu đáp án xem sai đúng ở đâu, thừa thiếu chỗ nào. Gặp bài khó nghĩ mãi chưa ra thì được phép xem đáp án. Xem đáp án thì phải hiểu, phải đánh dấu lại để lần sau còn kiểm tra lại.

Bà mẹ cho biết, chị không sợ con không chịu làm bài chỉ chép đáp án vì mình luôn kiểm tra. Với lại, từ hồi nhỏ chị dạy cho con biết vui khi giải xong một bài Toán khó, biết vui khi tự mình chiến thắng bản thân, nên con khá tự giác. Con cũng có nhiều kỹ năng tốt do được luyện từ bé: Con viết chữ rõ ràng, sạch đẹp, trình bày khoa học, cẩn thận. Con vẽ hình rất đẹp, nhanh và rõ. Con viết nháp cũng ngay ngắn, không xoay ngang xoay dọc, tính toán cẩn thận, ít khi nhầm lẫn, sai vặt. Con rất biết nghe lời thầy cô, chú ý cả những chi tiết nhỏ nên ít khi bị trừ điểm lặt vặt.

Vậy là chỉ còn tập trung vào kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm.

Thời gian này chị Lý "lùng sục" tìm các bài viết về cách làm bài trắc nghiệm, chị làm trước, đúc rút kinh nghiệm rồi dạy lại cho con. Chị mua một khóa học online luyện đề cho khối không chuyên. Chị chọn khối này vì nó phù hợp trình độ. Cứ mẹ giải, nghe giảng trước, lọc ra những phần nào cần bổ túc, cần lưu ý để nhắc con. Con cũng nghiêm túc làm bài theo hướng dẫn của mẹ. Được cái con rất tin tưởng ở mẹ nên hợp tác tốt. Việc con tin tưởng và biết nghe lời là một điều rất rất quan trọng. Biết nghe lời khác với nghe lời răm rắp không điều kiện.

Vì mê xem đua xe công thức 1 nên con trai học và rèn luyện được tính tập trung cao độ. Con học được ở tay đua Sebastien Vettel, thần tượng của con: Chuẩn bị kỹ càng, tập trung cao độ. Con đem áp dụng ngay vào bài thi: tập trung cao độ, cố gắng trong từng phút giây...

Và nỗ lực được đáp đền. Minh thi đỗ hệ chính quy lớp tiếng Đức, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội.

Được biết, Nhật Minh hiện là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Kỹ thuật Darmstadt (Đức).