Bát tương trên mâm một bữa ăn hàng ngày (ảnh: Nguyễn Hoàng Minh Long)
Để thưởng thức trọn vị đậm đà, thơm ngon của tương Bần, phải mua được tương do chính bàn tay những người dân thị trấn Bần sản xuất ra. Từ những khéo léo của bàn tay, họ đã giữ được nguyên vị ngon cổ truyền, hài lòng từ những thực khách khó tính nhất.
Những hạt đỗ tương (đậu tương) tròn đều được chọn lọc cẩn thận để làm tương (ảnh: Nguyễn Hoàng Minh Long).
Tương được làm từ đỗ tương (hay còn gọi là đậu nành, đậu tương), gạo nếp, muối, nước. Công thức chung của tương ở các vùng miền trong cả nước cũng na ná nhau, nhưng không đâu tương ngon bằng ở đây, có lẽ do đất, do nguồn nước và do bí quyết của người làm tương.
Đỗ và tương được phơi nắng (ảnh: Nguyễn Hoàng Minh Long)
Gạo nếp ngon, ngâm nước vài tiếng, nấu thành xôi, phơi trên nong 2 ngày 2 đêm để ngả mốc. Đỗ tương rang vàng, xay nhỏ, và ngâm trong chum sành với nước từ 7 tới 10 ngày để nước đỗ lên màu đỏ vàng. Khi xôi lên mốc vàng đẹp thì đem ra xoa cho tơi, dùng nước đỗ đã ngâm đạt màu vàng đỏ tưới lên mốc và trộn đều để ủ 1 ngày đêm nữa. Sau đó cho mốc vào chum ủ với muối tinh theo liều lượng mà họ đã ghi nhớ bao đời nay rồi đem phơi ngoài nắng. Mỗi gia đình lại có bí quyết, liều lượng riêng để tăng vị ngon của tương. Những chum ủ tương là chum sành, được "chăm sóc" cẩn thận. Những người say nghề dồn hết tâm huyết và thời gian vào các mẻ tương, để lưu giữ vị ngon của ông cha để lại.
Hàng ngày người làm tương phải khuấy tương rồi phơi nắng, tránh mưa, tránh sương, thường thì sau 2 tới 6 tháng, tùy vào độ nắng mới được mẻ tương. Những nhà làm tương phơi hàng trăm, hàng nghì chum tương trong sân, tỉ mỉ chăm sóc từng chum, mong chờ ngày nắng để có “mùa thu hoạch” thành công.
Người làm tương đang ủ xôi nếp thành mốc (ảnh: Nguyễn Hoàng Minh Long)
Những chum tương nằm phơi nắng cho ngấu (ảnh: Nguyễn Hoàng Minh Long)
Tương đã ngấu là khi có vị ngọt đậm, sánh, hạt gạo mềm, màu tương vàng sậm, người làm tương sẽ đóng chai và đem bán. Tương từ khu vực thị trấn Bần Yên Nhân, được mang đi khắp các vùng miền trong nước và cả nước ngoài, càng ngày càng khẳng định được vị thế trong lòng thực khách.
Dọc Quốc lộ 5 đoạn qua thị trấn Bần, những hàng dài quán hàng bày bán tương, “hớp hồn” du khách. Những ai đã thưởng thức tương Bần thì không thể quên được vị ngọt thơm, béo ngậy của tương, niềm tự hào của người dân Hưng Yên níu lòng du khách cho tới tận bây giờ:
Em đi trăm quán ngàn cầu
Hải vị cũng thuộc, sơn hào cũng quen
Mà sao em vẫn cứ thèm
Đĩa rau muốn luộc, lại thêm tương Bần
(ca dao)
Tương được đóng chai (ảnh: Nguyễn Hoàng Minh Long)
Một mẻ tương đã ngấu, vàng thơm (ảnh: Nguyễn Hoàng Minh Long)