Tưởng bị ung thư vì ho nhiều

Chị Cao Thị Hương* (44 tuổi, quê Nghệ An) tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) khám do ho nhiều.

Chị Hương cho biết ở nhà chị ho nhiều, uống thuốc không đỡ. Chị có đi khám tại bệnh viện huyện, sau đó lên tuyến tỉnh nhưng tình trạng ho vẫn tiếp diễn. Mỗi một đợt ho, chị Hương ho dữ dội, ho không dứt trong cả tiếng đồng hồ. Cơn ho khiến chị không kiểm soát được việc đi tiểu. Cũng vì vậy mà chị Hương đã phải đóng bỉm mỗi khi ho.

"Tôi bị ho từ nhiều năm nay. Nghĩ chỉ là bệnh xoàng nên tôi thường ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống. Nhưng đợt ho cứ kéo dài liên tục khoảng hơn 1 năm nay. Tôi đi khám nhiều nơi nhưng không đỡ nên tôi mới ra bệnh viện tuyến trung ương khám", chị Hương nói.

Lo lắng mắc ung thư, chị Hương ra Bệnh viện phổi Trung ương khám. Kết quả khám cho thấy phổi của chị Hương không có tổn thương khu trú (u cục). Tuy nhiên, qua kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ nghi ngờ chị có nhiễm ký sinh trùng nên giới thiệu chị sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để khám chuyên sâu.

Theo chị Hương, kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho thấy chị dương tính với giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn, giun đầu lươn.

Tưởng bị ung thư, đi khám mới biết nhiễm nhiều loại ký sinh trùng - Ảnh 2.

Chị Hương từng rất lo lắng vì nhiễm nhiều loại ký sinh trùng (Ảnh: N.M)

Sau 1 tháng uống thuốc, chị Hương cho biết chị đã âm tính với sán lá gan, giun đầu lươn. "Ngay tháng đầu tiên uống thuốc, triệu chứng ho của tôi giảm tới 80-90%. Tôi mừng vì tìm được đúng bệnh. Nhưng sang tháng thứ 2, tôi lại ho nhiều", chị Hương chia sẻ.

Chị Hương đi tái khám lần 3, làm thêm xét nghiệm và phát hiện sán lá phổi.

Nhớ lại thời điểm bác sĩ thông báo chị bị mắc ký sinh trùng, chị Hương không biết đó là bệnh gì, có nguy hiểm hay không nên rất lo lắng.

"Khi nghe tin, tôi sợ lắm. Vì lo nghĩ nhiều quá nên tôi đã sụt mất 5kg. Tôi cứ nằm xuống là nước mắt cứ trào ra vì sợ bệnh nặng, dương tính với 3 loại ký sinh trùng sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Thế nhưng khi biết được căn bệnh này có thể chữa khỏi được, tôi như cởi được nút thắt trong lòng" , chị Hương tâm sự.

Chị Hương cho biết ở nhà chị ăn rau sống rất nhiều, trong đó có cả rau thuỷ canh dưới nước và các loại rau sống trên cạn.

"Tôi thích ăn rau sống lắm và ăn từ lâu nay rồi. Mỗi lần ăn rau sống, tôi ăn tới cả rổ. Tôi đâu có ngờ ăn đồ sống lại có thể bị nhiễm nhiều ký sinh trùng như vậy", chị Hương cho biết.

Qua trường hợp của mình, chị Hương muốn gửi gắm tới mọi người rằng: "Hãy ăn chín, uống sôi và đi khám ngay khi có những bất thường".

Ăn chín, uống sôi để phòng bệnh ký sinh trùng

Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho hay, bệnh nhân Hương vào viện trong tình trạng ho kéo dài hơn một năm, ho không có đờm, không sốt. Trước đó, bệnh nhân tới Bệnh viện phổi Trung ương khám có viêm phế quản, tăng bạch cầu ái toan, nghi nhờ nhiễm ký sinh trùng.

Khi tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với một số loại ký sinh trùng. Sau khi điều trị 2 đợt thuốc, tình trạng ho của bệnh nhân đã thuyên giảm nhưng cho tới nay vẫn chưa dứt điểm.

Theo bác sĩ Thu Phương, một người có thể nhiễm nhiều loại ký sinh trùng cùng một lúc. Nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng có thể đến từ ăn uống, lao động không dùng các biện pháp phòng hộ,...

Theo khuyến cáo của Cục An toàn Thực phẩm, để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng, nhất là qua thực phẩm, mọi người cần:

- Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải;

- Vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm;

- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay;

- Không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông;

- Diệt ruồi, nhặng, gián là những côn trùng reo rắc mầm bệnh.

Đồng thời, mọi người cần thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn gồm:

- Chọn thực phẩm an toàn;

- Nấu kỹ thức ăn;

- Ăn ngay thức ăn vừa được nấu chín;

- Bảo quản thực phẩm cẩn thận khi đã nấu chín;

- Đun kỹ thực phẩm trước khi ăn;

- Không để lẫn thực phẩm sống và chín;

- Luôn giữ tay sạch khi chế biến thực phẩm;

- Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ;

- Bảo vệ thực phẩm khỏi sự xâm nhập của các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác;

- Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.