Đó là hàng tá giun đũa cư ngụ trong ruột cậu bé. Và bác sĩ phẫu thuật đã lần lượt lôi chúng ra, một cách hoàn toàn thủ công.
"Nhiễm giun đũa là bệnh nhiễm trùng giun sán phổ biến nhất trên toàn thế giới, với đối tượng dễ bị nhiễm nhất là trẻ trong độ tuổi 2-10 tuổi", các tác giả đề cập tới trường hợp cậu bé Cameroon, người chưa từng được tẩy giun, trong bài báo cho tờ Journal of Medical Case Reports xuất bản hôm 24/5, viết. "Mặc dù vậy, phần lớn trường hợp, tình trạng nhiễm giun nặng, mãn tính, không phát hiện triệu chứng mới dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như suy dinh dưỡng, sự phát triển yếu kém về cả thể chất lẫn nhận thức và tắc ruột".
Ước tính 807 triệu tới 1,2 tỷ người trên thế giới bị nhiễm giun đũa. Đây là loài ký sinh trùng được biết tới là nhóm giun sán truyền qua đất - theo CDC.
Giun đũa sống trong ruột và trứng của nó được thải ra ngoài trong phân của người nhiễm giun. Nếu người nhiễm giun đại tiện ở bên ngoài hoặc phân đó được dùng làm phân bón, trứng giun đũa sẽ cư ngụ trong đất. Sau đó, chúng trở thành một dạng ký sinh trùng có thể lây nhiễm.
Nhiễm trùng giun đũa có thể xảy ra khi bàn tay hoặc ngón tay dính đất bẩn được đưa vào miệng. Một con đường khác là ăn rau hoặc trái cây không được rửa kỹ, không được gọt vỏ. Tình trạng nhiễm trùng nặng gây tắc ruột và có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm ho do hiện tượng di trú của giun đi khắp cơ thể. Bệnh được điều trị bằng thuốc. Nhưng trong trường hợp cậu bé Cameroon, bác sĩ quyết định phẫu thuật.
Sau ca mổ, các bác sĩ đã tẩy giun cho cậu bé và các thành viên trong gia đình cậu bằng một liều mebendazole dạng lỏng. Bé trai được xuất viện sau 7 ngày. Một tuần sau, bác sĩ ghi nhận vết mổ của bé đã liền.
Các tác giả bài viết lưu ý rằng, trường hợp nhiễm giun nặng của bé trai 4 tuổi cho thấy vấn đề sức khỏe lớn ở Cameroon, nơi các chương trình tẩy giun không hiệu quả do thiếu nguồn quỹ và khả năng tiếp cận thấp ở các vùng nguy cơ cao.