Vũ Bích Hường (sinh năm 1969) - cái tên đã đi vào lịch sử với tư cách là vận động viên điền kinh đầu tiên của Việt Nam đoạt huy chương vàng tại SEA Games. Chị từng đoạt huy chương vàng 100m rào tại Giải vô địch quốc gia năm 1992. Một năm sau, trong lần đầu tiên tham dự SEA Games, chị giành huy chương đồng.
Đỉnh cao của Vũ Bích Hường là SEA Games 1995 khi chị bất ngờ đánh bại Elma Muros của Philippines, người được coi là ''độc cô cầu bại'' ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ, với thành tích 13 giây 69. Tấm huy chương vàng năm đó đưa điền kinh Việt Nam sang trang mới tại SEA Games.
Những khoảnh khắc không thể quên trong sự nghiệp thi đấu của Vũ Bích Hường.
Thành công trong sự nghiệp là vậy nhưng Vũ Bích Hường lại có cuộc sống đời thường không trọn vẹn. Chồng mất vì căn bệnh ung thư quái ác, bản thân lại gặp tai nạn nguy hiểm, tưởng chừng như hoàn cảnh đã đánh gục Vũ Bích Hường. Thế nhưng không, bằng niềm tin mãnh liệt và đam mê với bộ môn điền kinh, cùng sự giúp đỡ từ mọi người, đặc biệt là các huấn luyện viên bộ môn tạo điều kiện giúp đỡ gia đình cùng Ban giám đốc trung tâm, chị đã từng bước vượt qua số phận.
Ngày hôm nay, có cơ hội gặp lại nữ vận động viên ngày nào và giờ đây đã trở thành huấn luyện viên, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động vì chị vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan, phấn chấn. Điều đó khiến mọi người không chỉ ngạc nhiên mà còn vô cùng ngưỡng mộ. Vượt qua quá nhiều khó khăn, gian truân lẫn thử thách, người phụ nữ ấy chưa bao giờ đầu hàng số phận. Dẫu sức khỏe vẫn còn nhiều vấn đề nhưng chị luôn cảm thấy may mắn vì được sống với đam mê cho tới tận thời điểm này.
Hạnh phúc vì cả mẹ và con trai cả cùng giữ kỷ lục
Là một huấn luyện viên nổi tiếng và đồng thời cũng là mẹ của 2 con trai, Vũ Bích Hường luôn đặt niềm đam mê của các con lên hàng đầu. Bà mẹ 2 con cho biết luôn tôn trọng và giải thích cặn kẽ mọi khó khăn mà các con sẽ phải đương đầu. Tuy nhiên lựa chọn đều nằm ở các con.
Con trai đầu của chị Hường là Ngọc Quang cũng là một vận động viên điền kinh đang giữ kỷ lục 110m rào nam. Nói về việc có truyền cảm hứng hay hướng con theo sự nghiệp của mẹ không, chị Hường khẳng định chưa bao giờ. ''Con trai lớn của mình, mình cũng không hướng con theo thể thao. Tự bạn ý đi cùng ngay từ lúc bé nên con rất thích. Mình cũng giải thích cho con công việc của mẹ là một vận động viên rất khắc nghiệt và vất vả.
Công việc nào cũng vậy thôi nhưng thể thao thì đương nhiên vất vả hơn. Thay vì được ngồi trong nhà mát thì vận động viên phải tập luyện như điền kinh chẳng hạn, nắng, mưa, gió đều tập luyện. Mưa to sẽ nghỉ nhưng mưa nhỏ vẫn tập vì cuộc thi diễn ra không rõ thời tiết thế nào và mình phải làm quen với mọi trường hợp.
Bạn ấy vẫn thích và muốn theo nghề này. Hiện tại con đang là vận động viên của Hà Nội giữ kỷ lục 110m rào nam gần 10 năm chưa có ai phá. Hãnh diện vì có tới 2 kỷ lục trong gia đình. Thế nhưng lúc nào con trai thi đấu thì mình không dám xem vì hồi hộp lắm'', chị Hường hạnh phúc chia sẻ.
Với người con trai thứ 2 là Phú Vinh cũng đã bước sang tuổi 18, do sức khỏe nên cậu bé không thể theo việc học tập tại trường. Chị dũng cảm cho con nghỉ học khi con học hết lớp 9 để con tự do với đam mê của mình. Thật sự khâm phục chị về sự quyết đoán, đặt sức khỏe của con lên hàng đầu, tôn trọng đam mê của con.
Con có sở thích, đam mê đồ hoạ, thiết kế. Cậu bé học khá tốt môn Tiếng Anh, thích nghe và dịch cho cả nhà. Chị Hường trải lòng dù con làm gì hay đam mê gì mẹ cũng đều ủng hộ chứ không bắt ép con.
''Bố mẹ nào cũng mong con có công việc ổn định, đến nơi đến chốn. Thế nhưng bố mẹ nên làm bạn với con, hiểu được tâm tư chứ đừng áp đặt. Trẻ con giờ học hành áp lực rất nhiều. Giờ mình làm huấn luyện viên và đi tuyển sinh, đi tìm tài năng khá vất vả vì suy nghĩ của bố mẹ, có cháu rất tốt nhưng bố mẹ không đồng ý, muốn con phải học.
Nhưng suy nghĩ đó cũng sai lầm, thời hiện đại rồi, mỗi người một công việc, mỗi người một đam mê. Mình làm một người mẹ cần tâm sự với con để xem con mong muốn gì'', chị Hường giãi bày.
Chị Hường cùng cháu trai và cháu gái.
Phúc Vinh vì lý do sức khỏe nên đôi khi chưa làm chủ được cảm xúc của mình, sống hơi thu hẹp với mọi người xung quanh. Để con phát triển tốt hơn chị còn bày bán rau củ đầu ngõ cho Vinh bán để được giao tiếp với mọi người. Ai cũng hiểu hoàn cảnh và thấy Vinh đáng yêu nên ủng hộ rất nhiều, điều này ảnh hưởng tích cực tới Phúc Vinh. Một lần nữa phải dành lời khen về tình yêu dành cho con và lòng dũng cảm vì con của chị Hường.
Quan điểm của nữ huấn luyện viên về chuyện mẹ chồng - nàng dâu cũng rất cởi mở. Hiện con dâu và con trai đầu của chị đang sống bên ngoại, cuối tuần cả nhà mới đoàn tụ. Nhưng chị Hường vui vẻ tâm sự: ''Con dâu xin phép mẹ được sang bên kia cho tiện công việc và đưa đón các cháu đi học, mình là mẹ chồng không khắt khe, mình bảo con luôn là thời đại bây giờ không phải làm dâu đâu, ông bà ngoại đưa đón 2 cháu đi học tiện. Còn sức khỏe mẹ yếu hơn nên con cứ làm thế nào để tốt cho công việc của các con và học tập của 2 cháu là được''.
Cuối tuần là thời gian cả nhà quây quần bên nhau.
Đam mê tập luyện quên luôn là mình đang bầu, đạt Huy chương vàng sau 4 tháng nghỉ sinh
Sau khi sinh con trai thứ 2 được 4 tháng, Vũ Bích Hường quyết định trở lại đường chạy bởi niềm đam mê với bộ môn thể thao này: ''Đẻ bạn thứ 2 xong 4 tháng mình đi tập lại, 4 tháng sau mình đạt huy chương vàng, con mới 8 tháng tuổi. Lúc ấy mình đã 36, 37 tuổi rồi''.
Nhắc lại về hành trình bầu bí, chị Hường cho biết có lẽ do có sức khỏe và thể lực dẻo dai nên chị không hề nghén ngẩm hay mệt mỏi: ''Mình đẻ thường, hôm trước hôm sau về luôn. Bầu bí không vấn đề, còn đi làm tới đúng hôm đẻ. Từ lúc biết có bầu thì mình chỉ tham gia huấn luyện thôi. Nhưng có một kỷ niệm là nhiều khi nâng tạ mà không nhớ, phải có người nhắc “ôi chị đang có bầu đấy” thì mình mới nhớ ra.
Mình đi làm chẳng nghỉ thai sản trước buổi nào cả. Lần đầu tiên đi tập lại sau 4 tháng sinh con chuyên gia còn bảo không thể tưởng tượng được, chưa bao giờ chứng kiến trường hợp nào mà như thế này. Mình cho con bú bình thường, lúc nào chạy thì dùng 2 phễu trữ đặt vào ngực rồi chạy bình thường, vẫn cho con bú đến khi con được 17 tháng mà. Khi con được 4 tháng là lúc mình quay trở lại sân tập đồng thời cũng thuê người giúp việc. Mẹ đi tập về là cho con bú, 3h chiều mẹ lại đi tập tiếp. Trộm vía con rất ngoan, ngủ đúng giờ''.
Hạnh phúc vì sự nghiệp thành công bởi hậu phương vững chắc
Một vận động viên tập trung hoàn toàn cho sự nghiệp như chị Hường thì phần lớn thời gian đều ở sân tập, chẳng mấy khi về nhà. Thế nhưng, chị may mắn khi có ông xã yêu thương, hiểu hết mọi khó khăn của vợ. Anh không chỉ đồng ý để vợ sống với niềm đam mê của mình mà còn nhận trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy các con.
''Ở Việt Nam nhưng mười mấy năm mình không ở nhà. Đến tận lúc bạn đầu 12 tuổi, mình bầu bạn thứ 2 thì mới về nhà, còn đâu đi suốt. Bé ở nhà với bố, mình ở trên trường luyện tập đến thứ 7, chủ nhật mới được về'', chị Hường kể.
Khi được hỏi rằng cho bao giờ lo lắng chuyện học tập hay tuổi thơ của con thiếu tình yêu của mẹ hay không, chị Hường thẳng thắn chia sẻ rằng hoàn toàn không: ''Đã xác định quay trở lại đường chạy, có hậu phương vững chắc rồi thì không bao giờ lo nghĩ bất kì vấn đề gì, vì một vận động viên mà cứ lo chuyện ở nhà thế nào thì không bao giờ tập trung tập luyện được. Mình có ông xã cực kỳ tuyệt vời, chăm con từ bữa ăn tới giấc ngủ, học hành. Mình không suy nghĩ gì chỉ ăn với tập. Bạn lớn 7 tháng cũng chỉ gọi bố chứ không gọi mẹ. Đi đâu gặp ai cũng gọi bố.
Thời gian vợ chồng gắn bó có mấy năm thôi, chồng cũng chiều, luôn để vợ ngủ đủ giấc. Anh hiểu cuộc sống của một vận động viên vất vả thế nào, anh tìm hiểu sách báo thấy món gì ngon, ăn được là làm cho ăn ngay. Ví dụ thứ 7, chủ nhật mình ngủ thì anh giúp đi chợ nấu cơm. Nhưng mình cũng hiểu, thi thoảng tranh thủ thời gian được nghỉ để nấu nướng cho chồng con ăn.
Nhiều khi về bất chợt thấy anh đang giã canh cua, khoai sọ, rau muống. Anh không ăn hàng, toàn nấu cơm cho con rồi cùng ăn với nhau. Chẳng bao giờ đi đâu quá 12h đêm nên mình yên tâm lắm, tập trung vào luyện tập chứ chẳng nghĩ ngợi quá nhiều. Nhiều khi mình thấy bản thân luyện tập quá nhiều, cũng hỏi ý kiến chồng. Chồng bảo em cứ làm những gì em muốn, còn ai nói gì kệ người ta, miễn mình thấy tốt cho mình thì đừng sợ''.
Trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, hiện tại chị Hường có đôi lời muốn nhắn nhủ tới các con, các cháu của mình: ''Các con của mẹ hãy giữ gìn sức khoẻ, con lớn cố gắng thi đấu Đại hội đạt thành tích tốt nhất. Con bé ngoan ngoãn sống cùng mẹ, 2 mẹ con đùm bọc lẫn nhau, có gì mẹ sẽ hỗ trợ. Các cháu ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ, đi học ngoan, thỉnh thoảng về chơi với bà''.