Mỗi người mẹ sẽ trải qua quá trình sinh nở với đau đớn khác nhau, thời gian và tốc độ cũng khác. Nhưng về cơ bản, một ca sinh thường sẽ trải qua tuần tự 3 giai đoạn.
Cơ bản một quá trình sinh nở với 3 giai đoạn.
Dưới đây là diễn biến cụ thể của 3 giai đoạn bạn sẽ phải trải qua khi sinh em bé bằng phương pháp sinh nở tự nhiên:
Giai đoạn 1: Chuyển dạ
Trong giai đoạn đầu của chuyển dạ, cổ tử cung của bạn giãn ra khoảng 3 cm, nhưng vẫn còn cả chặng đường dài - nó phải giãn ra đến 10 cm trước khi bạn bước vào giai đoạn sinh thứ hai! Đầu em bé đang được đẩy xuống cổ tử cung. Kết quả là, cổ tử cung của bạn bị buộc phải giãn ra và co thắt kéo trở lại cho đến khi không có gì cản trở đường ra của em bé.
Chắc chắn sẽ rất đau nhưng hiếm khi cơn trở dạ đau tới mức không chịu được. Các sản phụ thường miêu tả nó như kỳ đau kinh nguyệt. Dĩ nhiên là cơn đau có xu hướng mạnh hơn và dữ dội hơn, đặc biệt khi nước ối vỡ và thậm chí tới mức không đi được.
Một số cảm giác xuất hiện ở sản phụ ở giai đoạn này như "muốn đi nặng", "như bị cắn", "đau quặn, co rút kinh khủng".
Cổ tử cung của bạn giãn ra với tốc độ khoảng 1 cm mỗi giờ, có nghĩa rằng đây thường là giai đoạn chuyển dạ dài nhất, nhưng chắc chắn sản phụ nào cũng chịu đựng được cơn đau ban đầu này!
Cơn chuyển dạ tới rồi, các mẹ sẵn sàng đón bé chào đời nào (Ảnh minh họa).
Giữa giai đoạn 1 và 2 khi sinh nở, bạn có một giai đoạn chuyển tiếp. Một số phụ nữ trải qua mà không hề biết. Một số khác cảm giác như lịm đi, như cơ thể đang tạm nghỉ trước khi bước vào quá trình sinh bé (bắt đầu tạo lực đẩy bé ra ngoài). "Thông thường khi tới giai đoạn này, các mẹ thường nói "Không sao, không nhằm nhò gì'!", một nữ hộ sinh cho biết.
Với một số mẹ có thể không có chặng nghỉ này, cơn co thắt của bạn sẽ kéo dài, đau mạnh hơn. Quá trình chuyển đổi có thể kéo theo các loại cảm xúc mạnh như làm bạn hung hăng, choáng ngợp hoặc mất phương hướng, sợ hãi.
Giai đoạn 2: Sinh con
Khi tử cung của bạn giãn nở hoàn toàn, bắt đầu tới lúc người mẹ dùng lực để đẩy em bé ra ngoài. Thay vì cố gắng làm căng cổ tử cung, áp lực của các cơn co thắt giờ chuyển sang em bé, giúp bé trượt xuống và chuẩn bị chui ra.
Hầu hết các mẹ ví việc sinh con như một ca "đi nặng" khó khăn nhất trong đời, như là "rặn ra một quả dưa" và "cảm giác như sắp nổ tung đáy chậu đến nơi".
Giai đoạn quan trọng nhất đây rồi, nhớ rằng một nửa thế giới làm được, bạn cũng sẽ làm được (Ảnh minh họa).
Các hộ sinh lưu ý rằng mỗi cơn co thắt, đầu em bé sẽ di chuyển xuống một chút, rồi lại kéo trở lại một chút theo quán tính của cổ tử cung. Có nghĩa là quá trình đẩy này có thể chậm, hãy cố gắng, thường mất một tới hai tiếng.
Một số bé ở trường hợp đặc biệt sinh rất nhanh, như thể "bắn ra ngoài", mẹ chỉ vừa cảm thấy "buồn lắm, như mình đến cơn rồi và vài phút sau tự nhiên thấy con sinh ra luôn!". Dù xảy ra nhanh hay chậm, thường là đầu em bé sẽ chui qua màng cứng. Đó là phần rộng nhất để đầu bé có thể chui ra. Và nếu bạn không gây tê màng cứng thì đây thường là giai đoạn đau đớn nhất khi sinh.
Ở giai đoạn này, quan trọng hãy nghe lời các hộ sinh. "Đẩy quá nhanh có thể khiến mẹ đau tới rách bụng", một nữ hộ sinh cảnh báo. Nếu cần, bác sĩ của bạn sẽ cắt một vết nhỏ ở đáy chậu (khu vực giữa âm đạo và hậu môn), được gọi là "rạch tầng sinh môn", giúp bé có nhiều khoảng trống hơn để chui ra ngoài.
Khi "đầu xuôi" rồi thì "đuôi sẽ lọt"! Bạn sẽ không thể hết đau ngay lúc đó nhưng cơn đau đó cần thiết để sinh em bé ra an toàn.
Giai đoạn 3: Sổ nhau thai
Mọi đau đớn đã qua và bạn có thể thở phào đón em bé chào đời được rồi! (Ảnh minh họa).
Thường mất một cơn co thắt lớn để tách nhau thai ra từ bên trong tử cung. Sau đó bác sĩ thường đặt một tay lên bụng của bạn trong khi một tay kia nhẹ nhàng kéo dây nhau ra. Hầu hết các mẹ chọn tiêm thuốc Syntometrine để giúp đẩy nhanh quá trình sổ nhau thai và thường mất khoảng 5-10 phút.
Một số mẹ muốn sổ nhau tự nhiên sẽ mất thời gian lâu hơn, có thể mất tới vài giờ và tử cung sẽ đau khi cần cố để tách nhau. Dù bằng cách nào chăng nữa, khi bạn tới giai đoạn sổ nhau tức là bạn đã gần như vượt cạn thành công. Mọi đau đớn đã qua và bạn có thể thở phào đón em bé chào đời được rồi!
Những dấu hiệu chuyển dạ và việc mẹ cần làm:
1. Đi thẳng tới bệnh viện/ khoa sản khi:
- Cơn co thắt của bạn xảy ra thường xuyên, khoảng mỗi 5 phút 1 lần.
- Khi cơn đau trở nên mạnh hơn và thường xuyên hơn.
- Cơn đau kéo dài ít nhất 45 giây.
- Nước ối bị vỡ.
2. Còn một lúc nữa mới tới giờ vượt cạn nếu:
- Cơn co thắt của bạn cách nhau hơn 15 phút hoặc xa hơn.
- Cơn đau không tới đều đặn.
- Cơn đau kéo dài ít hơn 30 giây.
- Bạn vẫn nói chuyện được khi cảm nhận cơn đau.
- Bạn có hiện tượng chảy máu, máu báo ở âm đạo.
3. Thong thả hơn nếu:
- Không có dấu hiệu gì của cơn co thắt.
- Không có dấu hiệu tăng mạnh hay tần suất đau nhiều hơn.
- Đau chỉ ở mức vừa chớm đau và lại hết.
- Nếu bạn chỉ cảm thấy đau ở mặt trước bụng chứ không phải toàn bộ vòng bụng.
Nguồn: Parent, Health