Sau hơn 10 năm lên kế hoạch, đường hầm Fehmarnbelt chính thức khởi công năm 2020. Với tổng chiều dài 18 km, đây là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu, có kinh phí xây dựng hơn 7 tỷ euro.
Nó được xây dựng trên Vành đai Fehmarn - eo biển nằm giữa đảo Fehmarn của Đức và đảo Lolland của Đan Mạch. Sau khi hoàn thành, đường hầm này sẽ thay thế các dịch vụ phà hiện nay chạy từ Rodby và Puttgarden, vốn vận chuyển hàng triệu hành khách mỗi năm.
Thời gian đi phà qua quãng đường này là 45 phút và sẽ chỉ mất 7 phút đi tàu hỏa hoặc 10 phút đi ô tô nếu như sử dụng hầm Fehmarnbelt.
Đường hầm có tên chính thức là Fehmarnbelt Fixed Link này cũng sẽ là tuyến hầm kết hợp đường bộ và đường sắt dài nhất thế giới. Nó sẽ bao gồm hai đường ô tô hai làn và hai đường ray điện khí hóa.
Ông Jens Ole Kaslund, Giám đốc kỹ thuật tại công ty Đan Mạch Femern A/S phụ trách dự án trên cho hay: “Hiện nay, nếu đi tàu từ Copenhagen đến Hamburg sẽ mất 4 tiếng rưỡi. Nhưng khi hoàn thành đường hầm, hành trình đó sẽ rút ngắn còn 2 tiếng rưỡi”. Hành trình tương tự bằng ô tô cũng sẽ tiết kiệm được 1 tiếng so với thông thường.
Bên cạnh những lợi ích đối với tàu chở khách và ô tô, ông Kaslund cho biết đường hầm sẽ tiết kiệm thời gian di chuyển và nhiên liệu cho các xe tải và tàu vận chuyển hàng hóa. Bởi lẽ, nó tạo ra một tuyến đường bộ kết nối Thụy Điển và Trung Âu ngắn hơn 160 km so với hiện nay.
Năm 2008, Đức và Đan Mạch đã ký hiệp ước xây dựng đường hầm Fehmarnbelt. Sau đó, phải mất hơn một thập kỷ để cả hai quốc gia thông qua các điều luật cần thiết, cũng như triển khai các nghiên cứu về tác động môi trường và địa kỹ thuật.
Trong khi quá trình triển khai diễn ra khá suôn sẻ ở phía Đan Mạch thì tại Đức, một số tổ chức đã phản đối việc phê duyệt dự án này với những cáo buộc về cạnh tranh không lành mạnh và gây lo ngại về môi trường và tiếng ồn.