Đây là năm học mà TP HCM có số trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức khảo sát nhiều nhất với 5 trường, bên cạnh Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa thực hiện lâu nay. Việc tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức này được đánh giá là giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp, là kỳ đánh giá quan trọng để từ đó đổi mới phương pháp dạy học, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở toàn bộ các cấp học.
Tiệm cận Chương trình GDPT 2018
Dù xem kỳ khảo sát vào lớp 6 là đợt "tập dượt" để con mình dạn dĩ hơn với các kỳ thi, không đặt nhiều áp lực, chị Phan Nga, phụ huynh tại TP Thủ Đức có con dự khảo sát vào lớp 6 Trường THCS Bình Thọ, cho biết đề khảo sát lạ và thú vị.
Theo phụ huynh này, lạ là ở chỗ hầu như các đề kiểm tra ở trường, lớp không giống với đề khảo sát. Học sinh chỉ làm quen với dạng đề này qua các lần làm thử đề thi vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa.
"Dù vậy, đề khảo sát thiên về năng lực tư duy, quan sát và vận dụng vào thực tế của trẻ nhiều hơn là kiểm tra kiến thức ở lớp nên học sinh rất thích. Dù kết quả của con mình không được cao nhưng tôi cũng xem đây là kỳ tập dượt, thử sức cho các kỳ thi sau này" - chị Nga bày tỏ.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Thủ Đức - đơn vị có 3 trường thực hiện tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát, cho biết mục đích của hình thức tuyển sinh này là nhằm khảo sát, đánh giá năng lực học sinh, bảo đảm chọn các em có năng lực phù hợp theo học những trường THCS đang thực hiện mô hình chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Nguyên, bộ phận ra đề khảo sát đã rất cân nhắc. Đề được thiết kế gồm 2 phần: Phần trắc nghiệm bằng tiếng Anh, học sinh trả lời 20 câu về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thường thức đời sống. Phần tự luận với nội dung gồm toán học và tư duy logic, đọc hiểu và làm văn, tiếng Anh.
Ông Nguyên cho rằng đề khảo sát được xây dựng bảo đảm bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT 2006, tiệm cận Chương trình GDPT 2018. Đề chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn, có tính phân hóa học sinh. Ngữ liệu được chọn lọc đưa vào đề khá gần gũi, quen thuộc với học sinh, trong đó có nội dung giáo dục địa phương, cụ thể là liên quan đến TP Thủ Đức nói riêng, TP HCM nói chung. Trong khi đó, ở môn tiếng Anh, đề khảo sát bảo đảm dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT.
"Nhẹ gánh" cho các trường chất lượng cao
Tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực được xem là hình thức tuyển sinh công bằng, giảm áp lực tuyển sinh trong bối cảnh mục tiêu xây dựng trường mang yếu tố "đặc thù", chất lượng cao ở từng địa phương nhưng vẫn phải bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn.
Bà Phạm Ngọc Nhi, Phó Phòng GD-ĐT quận 7, cho biết đây là lần đầu tiên quận thực hiện khảo sát đầu vào lớp 6, thực hiện tại trường duy nhất là Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ. Trước đó, vào ngày 15-6, 1.652 học sinh đã tham gia khảo sát để chọn 500 em vào lớp 6. Học sinh làm bài khảo sát với 2 nội dung: Trắc nghiệm (30 phút) bằng tiếng Anh và tự luận (60 phút) gồm các nội dung: "Khảo sát năng lực đọc hiểu và làm văn", "khảo sát năng lực toán học và tư duy logic", "khảo sát năng lực tiếng Anh".
Theo bà Nhi, qua tình hình thực tế, học sinh tham gia khảo sát làm bài tốt. Đề khảo sát phù hợp với khả năng tư duy và trình độ học sinh của địa phương. Một số câu hỏi trắc nghiệm khá thú vị, liên quan đến lịch sử, địa lý địa phương...
"Mặc dù lần đầu tiên thực hiện nhưng kỳ khảo sát được đánh giá nghiêm túc, khách quan, phụ huynh và học sinh có tâm lý thoải mái. Bởi lẽ, nếu không trúng tuyển vào lớp 6 Trường Nguyễn Hữu Thọ, các em vẫn được tuyển sinh vào lớp 6 các trường THCS trong quận theo quy định của Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp quận 7" - bà Nhi nhận xét.
Trước khi thực hiện tuyển sinh bằng khảo sát, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ là ngôi trường mơ ước của không ít học sinh và phụ huynh. Dù vậy, việc tuyển sinh trong nhiều năm trước đây khá gian nan khi vì áp lực tăng dân số, mục tiêu đủ chỗ học được ưu tiên trước mục tiêu tuyển được học sinh ưu tú.
Trước năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 của Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ là 50-50 (50% trong tuyến, 50% ngoài tuyến). Số học sinh ngoài tuyến là do các trường tiểu học tự đề xuất, sau đó hội đồng tuyển sinh của quận quyết định. Thế nhưng, trước áp lực học sinh tăng mạnh, từ năm học 2017 - 2018, số em ngoài tuyến được vào trường này chỉ còn 3% so với chỉ tiêu tuyển sinh. Sau năm học này, trường không còn chỉ tiêu dành cho ngoài tuyến vì phải tuyển đủ số học sinh đúng theo tuyến phân bổ.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 nhận xét việc thực hiện bài khảo sát sẽ làm "nhẹ gánh" tuyển sinh rất nhiều, lại nâng tầm giáo dục của địa phương. Bởi lẽ, thay vì tính toán phân tuyến, yêu cầu các tiêu chí xét tuyển, sàng lọc và nhiều công đoạn, quy trình thì nay chỉ cần một bài khảo sát.
"Để chọn được học sinh thật sự chất lượng vào trường thì phải trải qua nhiều quy trình. Do đó, nếu có một bài kiểm tra ngắn gọn, công bằng và đánh giá hết được kiến thức, kỹ năng của học sinh thì sẽ dễ dàng và công bằng với tất cả các em" - hiệu trưởng này nhận định.
Đề khảo sát gắn với thực tiễn địa phương
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên nhận xét nhìn chung, đề khảo sát đòi hỏi học sinh phải có năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng và năng lực suy luận. Đây là những năng lực được bồi đắp, rèn luyện qua quá trình học tập chứ không phải chỉ cần "luyện thi" một sớm một chiều. Đề gắn liền với thực tiễn cuộc sống học sinh, gắn với những hoạt động đang phát triển tốt ở TP Thủ Đức như văn hóa đọc, chú trọng tính giáo dục địa phương, đòi hỏi các em cần có kiến thức thực tế về nơi mình đang sống và học tập.