Không như vẻ ngoài bình lặng của nó với những con người ra ra vào vào ăn mặc lúc nào cũng trang nhã lịch sự, môi trường công sở thị phi hơn mọi người tưởng rất nhiều. Không tin ư? Điều dễ dàng chứng minh nhất chính là hỏi nhỏ những ai đã và đang là dân văn phòng.
Đảm bảo, các câu chuyện đằng sau những lần dò la nội tình công sở như trên sẽ khiến không ít người sốc: Nào là đồng nghiệp “đâm” sau lưng nhau, nào là mối tình tay ba chốn công sở, nào là những câu chuyện phiếm mang tính sát thương cực kỳ cao trong giờ nghỉ trưa, cho đến mâu thuẫn cá nhân giữa sếp và nhân viên diễn ra ra rả mỗi ngày,...
Nói thế không hẳn là bất kỳ ai nhỡ sa chân vào môi trường này cũng dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy tranh đấu lẩn quẩn. Nên nhớ, mọi cánh cửa đều có chìa khóa và mối vấn đề đều luôn tồn tại một hoặc một vài phương án giải quyết.
Dưới đây là tập hợp những bí quyết giúp cho dân công sở tránh khỏi các thị phi không đáng có xung quanh, giữ cho mình một cuộc đời “làm công ăn lương” đoan chính và luôn bình an sau mỗi giờ tan làm:
Kiểm soát cảm xúc tiêu cực
Bản chất của bất kỳ công ty nào cũng là một bộ vận hành với sự tác động tương hỗ qua lại lẫn nhau giữa các bộ phận, phòng ban. Điều này khó tránh khỏi lắm lúc sẽ xảy ra những cuộc cọ xát không mong muốn, đẩy nhiều cá nhân rơi vào trạng thái tức giận tột cùng, nóng không thể chịu đựng nổi.
Tuy nhiên, những lúc ấy hãy chứng minh bản thân mình là một người khôn ngoan, tìm cách kiềm chế và kiểm soát cảm xúc tiêu cực, dùng lời nói lịch sự để giải quyết các vấn đề rắc rối đã xảy ra.
Tức giận hay chiến tranh lạnh với đồng nghiệp lúc này đây hoàn toàn không phải là cách nên làm, nó chỉ tổ khiến mình mệt mỏi và áp lực thêm mà thôi, đôi khi những áp lực này còn ảnh hưởng tới chất lượng công việc và cuộc sống cá nhân riêng tư của mỗi người.
Thậm chí, hai đồng nghiệp thường xảy ra bất đồng, không có tiếng nói chung cũng là “miếng mồi ngon” để những con kền kền lắm chuyện mang ra xâu xé. Thị phi, thị phi vô cùng tận!
Luôn nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề
Mọi sự vật, hiện tượng trên đời này đều tồn tại hai mặt trái ngược nhau, mặt tích cực sẽ giúp ích, mặt tiêu cực toàn gây hại. Chỉ cần hiểu rõ điều này nó sẽ giúp chúng ta tránh khỏi mê lầm và lắm lúc còn là chiếc chìa khóa vàng để mỗi cá nhân mở ra cánh cửa bên lề thị phi, sống cuộc đời làm dân văn phòng giản dị, ôn hòa, ai cũng yêu quý.
Ví dụ như hôm nay cô bạn thân đồng nghiệp bỗng dưng nổi cáu với mình, thay vì bật lại sau khi cho rằng “à, hôm nay cô ngon nhỉ?”, thì hãy nghĩ “hôm nay cô ấy có lẽ không khỏe”, “cô ấy đang có rắc rối riêng”,... từ sự thấu hiểu đó hãy tự làm mát “thần kinh” mình và thông cảm cho sự cáu gắt của cô ấy.
Hay sếp quá khó tính với mình, làm gì sếp cũng không thuận mắt. Lúc ấy, hãy nghĩ sếp chỉ muốn tốt cho mình thôi. Sếp khắt khe cũng là một môi trường đào luyện tuyệt vời giúp mỗi người rèn giũa kỹ năng nghề nghiệp và tinh thần chịu được áp lực cao cơ mà.
Cứ nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề rắc rối như hai ví dụ trên, tin chắc rằng dân công sở sẽ sớm ngày có được bình an, tâm bất động giữa môi trường văn phòng hay xảy ra các vụ thị phi chấn động.
Học cách buông bỏ
Đây cũng có thể được xem là một trong những ứng dụng của Giáo lý nhà Phật trong môi trường công sở. Theo đó, chỉ với một cách làm giản dị là học cách buông bỏ, bạn sẽ miễn nhiễm được với hết những “độc tố” xung quanh mình đến từ các câu chuyện thị phi thường nhật.
Chẳng hạn như nhiều khi mâu thuẫn hoặc rắc rối chợt “tràn” tới bạn, bạn có thể nhịn đó, có thể giả vờ “tôi vẫn ổn” để giữ hòa khí với đồng nghiệp đó, nhưng về lâu về dài, những cảm xúc tích tụ dồn nén vào bên trong, chúng sẽ gặm nhấm bạn khiến bạn bị “tâm bệnh”: Đang ăn cơm với nửa kia cái chợt nhiên nhớ lại chuyện đó xong khó chịu ra mặt, hay tối về cứ cay cú trong lòng mà không có được một giấc ngủ bình an.
Sao không chọn buông bỏ đi? Dễ hiểu hơn là nếu bình thường gặp sự cố bạn hay “nhịn” cho qua chuyện, thì hãy thử “nhường”, “nhường” lúc này đây chính là buông bỏ. “Nhịn” là một từ đọc vào nghe đã thấy có gì đó dồn nén bên trong, trong khi “nhường” thì lại rất nhẹ nhàng, đọc vào cũng thoải mái.
Ví dụ nhé: Cuối ngày tự dưng bị đồng nghiệp mắng oan trong khi mình không có lỗi gì, tự nhủ trong lòng “thôi chắc cô ấy làm việc cả ngày mệt nên chiều hơi nóng một tí thôi, nhường đó, không mắng lại đâu”. Đấy, cứ thế, bạn nhìn đâu cũng thấy toàn người tốt, yêu thương chan hòa và sống đoạn đời công sở đầy niềm vui.
3 điều về giao tiếp nên ghi nhớ
Ba nền tảng giao tiếp ở đây không gì khác chính là: Luôn luôn tôn trọng, luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu. Với 3 bí quyết này, mọi cuộc giao tiếp của dân công sở đảm bảo không bao giờ có những trúc trắc không đáng có dẫn đến các mâu thuẫn ngoài tầm kiểm soát.
Luôn luôn tôn trọng: Mọi câu chuyện xung quanh chúng ta đều có ý nghĩa, nếu không thực sự có ý nghĩa với mình thì nó cũng có ý nghĩa với người khác.
Ai đó chọn nói chuyện với mình về một câu chuyện nào đó, chứng tỏ là họ đang mở lòng với mình, tin tưởng mình hoặc là muốn giải quyết hòa bình với mình về những rắc rối không hay giữa cả hai. Vậy nên, phải tôn trọng, đừng phớt lờ. Phớt lờ chỉ khiến mình thật xấu xí trong mắt mọi người xung quanh mà thôi.
Luôn luôn lắng nghe: Sau khi tôn trọng và quyết định ngồi xuống để nghe đối phương nói về câu chuyện đó, hãy chăm chú, để tâm vào từng chi tiết. Lắng nghe cũng chính là một cách thể hiện bạn là người tôn trọng đối phương và trân trọng những phút giây chuyện trò cùng họ.
Luôn luôn thấu hiểu: Thấu hiểu đồng nghiệp đôi khi là cách nhanh nhất giúp bạn có thể tránh được mọi bất hòa trong đời sống công sở.
Chẳng hạn như khi hiểu được tính tình của một ai đó đến một mức độ nhất định, chúng ta tự động khéo léo hơn trong cách ứng xử, nhạy bén hơn ở mọi hành vi của bản thân, từ đó phần trăm khả năng vô tình làm mất lòng họ ai cũng giảm xuống đáng kể.