Tăng gấp
Ngày 2/10, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng mạnh thêm 20-40 đồng và lên sát ngưỡng 21.300 đồng/USD, mức cao nhất trong khoảng 3 tháng qua.
Hiện tượng tỷ giá tăng đã kéo dài hơn một tuần qua trên cả thị trường tự do và chính thức khiến không ít người lo ngại bởi thời gian tăng kéo khá dài và tốc độ tăng trở lại cũng nhanh đến bất ngờ.
Sau một thời gian ổn định kéo dài nhiều tháng, khiến nhiều người thậm chí còn không để tâm tới, tỷ giá đang thu hút sự quan tâm trở lại bởi những diễn biến mà nhiều người cho là bất thường nói trên.
Đồng USD đã tăng giá mạnh so với VND.
Những bước tăng giá 10-20 đồng của USD trên bảng niêm yết của các NH đã nhanh chóng kéo tỷ giá USD/VND đang ổn định ở mức khoảng 21.210 đồng nhanh chóng lên sát 21.300 đồng.
Trên thực tế, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.246 đồng/USD và biên độ chỉnh cho phép là +/- 1%, tỷ giá USD/VND tại các NH vẫn thấp hơn mức trần quy định của NHNN quy ra là 21.458 đồng/USD.
Hồi tháng 6/2014, NHNN đã tăng tỷ giá 1% nhưng thị trường không có biến động, thậm chí đồng VND còn tăng giá so với USD nhờ vào nguồn cung USD trên thị trường dồi dào trong bối cảnh thăng dư thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), ODA, kiều hối... đều tăng.
Tuy nhiên, diễn biến tăng liên tục lần này cho thấy thị trường đang có nhu cầu lớn đối với đồng USD. Nhu cầu tăng lên trên cả thị trường tự do lẫn trong hệ thống NH có vẻ như cầu USD đang tăng.
Mặc dù vậy, việc USD tăng giá mạnh so với VND trong hơn một tuần qua, trên thực tế, cũng không bất ngờ với nhiều chuyên gia. Theo đó, đồng USD thường tăng vào thời điểm cuối quý III khi mà các DN cần mua USD để nhập hàng hóa. Trong khi đó, các DN FDI cũng cần mua ngoại tệ để chuyển lãi về công ty mẹ ở nước ngoài.
Một yếu tố tác động trực tiếp tới tỷ giá USD/VND là đồng USD trên thị trường thế giới mạnh lên rất nhiều trong khoảng một tuần qua.
Chỉ số US Dollar Index - vốn được dùng để đo lường giá trị của đồng USD so với một rổ ngoại tệ - đã tăng lên mức cao nhất trong hơn bốn năm. Giới đầu tư đang xem USD là nơi trú ẩn khi các thị trường khác bao gồm chứng khoán, vàng, hàng hóa... biến động mạnh. Sự vững chắc của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm cũng là yếu tố khiến đồng USD mạnh lên.
Sóng quá nhanh?
Trong bối cảnh có nhiều yếu tố ảnh hưởng tích cực lên xu hướng tăng giá của đồng USD so với VND, nhiều NĐT đặt câu hỏi: liệu tỷ giá USD/VND còn tăng mạnh trong thời gian tới nữa hay không? Ảnh hưởng tới các thị trường khác như thế nào?
Không ít người lo ngại về quy luật biến động USD trước đây có thể lặp lại
CTCK BSC hôm 2/10 cho rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định theo nhích dần lên trong những tháng cuối năm.
Có một quy luật nhu cầu ngoại tệ luôn tăng vào cuối năm. Trong một số năm, tình trạng khan hiếm USD vào cuối năm khiến tỷ giá USD/VND tăng dữ dội và các cơ quan chức năng phải dùng nhiều biện pháp từ thị trường tới hành chính để xử lý.
Tuy nhiên, đã mấy nă, quy luật này không còn quá đậm nét. Thậm chí đã dường như bị phá bỏ. Tuy nhiên, nhưng diễn biến mới từ nhân tố bên ngoài có thể khiến các nhà đầu tư và quản lý lưu ý.
Đồng USD trên thị trường thế giới, trong khi đó, theo rất nhiều dự báo, mới chỉ ở bước đầu của một đợt tăng giá kéo dài. Nước Mỹ đã duy trì lãi suất đồng USD ở mức thấp kỷ lục kéo dài trong nhiều năm để vực dậy nền kinh tế. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế nước này đã tốt lên rất nhiều. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhiều lần ra tín hiệu tăng lãi suất nhưng chưa làm. Việc tăng lãi suất là không tránh khỏi, có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Đồng USD, do vậy, được dự báo còn tăng, trong khi vàng sẽ giảm giá.
Mặc dù vậy, khả năng đồng USD tăng giá đột biến cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là khó xảy ra. Lý do là bởi Fed khá minh bạch và có những điều chỉnh chính sách tiền tệ hoàn toàn dựa theo tín hiệu thị trường. Các gói nới lỏng định lượng đã được thu hẹp lại. Tín hiệu tăng lãi suất cũng đã phát đi từ lâu. Thị trường đã phản ánh trước khá nhiều với đồng USD mạnh lên trong cả năm qua.
Tại Việt Nam, cầu ngoại tệ chắc chắn sẽ tăng trong các tháng tới. Tuy nhiên, trong khi cầu được dự đoán không đột biến thì cung ngoại tệ cũng rất lớn nhờ vào xuất khẩu, FDI, FII, kiều hối tăng mạnh, dự trữ ngoại tệ lớn trong khi lạm phát được giữ ở mức thấp.
Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hôm 2/10 phát biểu trong buổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với bộ cho biết, xuất khẩu đang tăng trưởng tốt và cả nước có thể xuất siêu 1,5 tỷ USD năm 2014. FDI đăng ký có dấu hiệu giảm trong những tháng qua nhưng giải ngân tăng vọt, mang đến một lượng ngoại tệ lớn.
Dữ trữ ngoại hối liên tiếp đạt kỷ lục. Tính tới cuối tháng 6 đã lên tới mức 35 tỷ USD. Lạm phát thấp, CPI tháng 9 chỉ tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2013. Kiều hối 2014 cũng được dự báo tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 10% lên 12-13 tỷ USD. Bên cạnh đó, dòng vốn FII vào chứng khoán cũng được dự báo rất lớn khi mà các các quỹ đầu tư lớn đến từ Nhật, Mỹ và châu Âu... đang dồn dập đổ tiền vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.