Hiện nay, tình trạng phụ nữ ở thành thị sinh con ít và ngại sinh con ngày càng cao. Theo khảo sát của phóng viên VOV, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nhiều cặp vợ chồng trẻ bị cuốn theo cuộc sống vật chất, công việc, chưa chuẩn bị tâm lý sinh con hoặc không có thời gian chăm sóc cho con, nên chỉ dừng lại ở một con.

Năm nay đã 34 tuổi và kết hôn được 2 năm, nhưng vợ chồng chị Trần Ngọc Hoa ở Trung Hòa (Hà Nội) vẫn chưa có ý định sinh con. Mặc dù gia đình 2 bên thúc giục, mong ngóng nhưng cả 2 vợ chồng chị vẫn lần lữa, chưa thực hiện. Một trong những lý do mà chị Hoa đưa ra để trì hoãn là muốn công việc và kinh tế ổn định thêm một thời gian nữa thì mới tính đến chuyện sinh con.

Cũng trong tình trạng “ngại” sinh con, chị Nguyễn Ngọc Tuyến, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, mặc dù đã lập gia đình gần 3 năm nay, công việc và thu nhập khá ổn định nhưng vợ chồng chị chưa muốn sinh con. Lý do chị Tuyến đưa ra là muốn hưởng thụ cuộc sống tự do, dành thời gian để đi chơi, đi du lịch thêm một thời gian nữa.

Do vậy, cứ vào ngày cuối tuần, hai vợ chồng chị lại lên kế hoạch đi chơi, thư giãn để bù đắp cho 1 tuần làm việc đầy áp lực, mệt mỏi.

Tỷ lệ người trẻ ở thành thị “ngại” sinh con ngày càng cao - Ảnh 1.

Tỷ lệ người trẻ ở thành thị “ngại” sinh con ngày càng cao (Ảnh minh họa: KT)

Còn với những người trẻ tuổi, dù chưa lập gia đình nhưng vẫn có quan điểm, phụ nữ ngày nay rất ngại sinh con sớm hoặc sinh nhiều con.

Theo chị Hoàng Thu Huyền (27 tuổi), hiện làm CEO cho một công ty kinh doanh mỹ phẩm Nhật Bản tại Hà Nội, nếu lấy chồng rồi sinh con ngay thì sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp và cơ hội thăng tiến của bản thân. Bởi khi công việc đang tiến triển tốt đẹp, nếu sinh con thì sẽ phải dành nhiều thời gian chăm con, những việc khác sẽ phải tạm gác lại.

Huyền cũng chia sẻ thêm, nhiều bạn gái hiện nay còn có tâm lý, sợ sinh con xong thân hình sẽ xấu xí, không còn xinh đẹp như trước. Cùng với đó, tình cảm vợ chồng có thể bị phai nhạt, kém phần lãng mạn do phải dành nhiều thời gian để chăm con và gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cũng sẽ chi phối tình cảm vợ chồng...

Ngoài ra, có nhiều cặp vợ chồng đã kết hôn nhưng chỉ sinh 1 con, không muốn sinh thêm nữa…

Chị Nguyễn Kiều Trinh (35 tuổi) ở Thụy Khuê, Hà Nội là một ví dụ, chị kết hôn từ năm 27 tuổi, đến nay, hai vợ chồng chị mới có 1 bé gái 7 tuổi. Trước đó, vợ chồng chị từng muốn sinh 2 hoặc 3 con, nhưng sau khi sinh bé đầu thì vợ chồng chị quyết định dừng lại và không sinh nữa. Bởi việc chăm con ốm khi bé, khi con lớn một chút thì phải chăm lo cho việc học của con, rồi việc nhà, việc cơ quan… khiến chị cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Do vậy, vợ chồng chị Trinh quyết định chỉ sinh 1 bé để có thể chăm lo cho con một cách đầy đủ nhất…

Nói chung đủ nỗi sợ khiến người phụ nữ thời nay ngại sinh con sớm hoặc sinh ít con. Đây là những lý do khiến mức sinh của phụ nữ thành thị ngày nay luôn thấp.

Số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, hiện nay, cả nước có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (39%) và 9 tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế có quy mô dân số 19% là: Hà Nội, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Hải Phòng, Bình Phước, Trà Vinh. Trong khi đó có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (42% dân số).

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cho biết, các địa phương có mức sinh cao chủ yếu ở các tỉnh, thành miền núi phía bắc. Các tỉnh này có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Điều này đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và cả nước.

Ngược lại, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Theo ông Sơn, nguyên nhân của mức sinh thấp liên quan đến xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. Cùng với đó, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhưng phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ. 

Ngoài ra, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp; tình trạng phá thai tại khu vực tư nhân phát triển mạnh nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới hậu quả vô sinh…

Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho hay, mục tiêu đặt ra cho ngành dân số trong tình hình mới là cần phải điều chỉnh mức sinh, duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương, từ đó góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Đối với địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên.

Ở địa phương đã đạt mức sinh thay thế, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, rà soát, từng bước bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Đồng thời, đề xuất ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng tại địa phương.

Đối với những tỉnh có mức sinh thấp, Tổng cục DS-KHHGĐ đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như: hỗ trợ, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng./.