Trước khi trở thành CEO của Berkshire Hathaway, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã bắt đầu kinh doanh từ năm 6 tuổi bằng cách mua đi bán lại kẹo cao su, nước ngọt và tạp chí.
"Bố là nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi. Những gì tôi học được khi còn nhỏ từ ông là cách hình thành những thói quen và tiết kiệm là một bài học quan trọng ông ấy đã dạy tôi", Warren Buffett chia sẻ.
Khi hỏi ông nghĩ đâu là sai lầm lớn nhất mà cha mẹ mắc phải khi dạy con về tiền bạc, tỷ phú nói: "Đôi khi cha mẹ lại đợi cho đến lúc con họ đến tuổi thiếu niên mới bắt đầu nói về việc quản lý tiền dù có thể làm điều này ngay cả khi bọn trẻ học mẫu giáo".
Thời gian là một yếu tố quan trọng
Các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng 80% sự phát triển não bộ của con người diễn ra khi 3 tuổi. Một nghiên cứu từ Đại học Cambridge cho thấy trẻ em đã có thể nắm bắt các khái niệm tiền cơ bản trong độ tuổi từ 3 đến 4. Và đến 7 tuổi, các khái niệm cơ bản liên quan đến các hành vi tài chính trong tương lai sẽ phát triển.
Warren Buffet thừa nhận, hầu hết các bậc cha mẹ đều biết tầm quan trọng của việc dạy con cái về tiền bạc và cách quản lý nó đúng cách, nhưng có một sự khác biệt giữa biết và hành động.
Theo khảo sát năm 2018 từ T.Rowe Price, thu thập phản hồi từ 1.014 phụ huynh (trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 14) và hơn 1.000 thanh niên (từ 18 đến 24 tuổi), chỉ 4% phụ huynh cho biết họ bắt đầu thảo luận chủ đề tài chính với con của họ trước 5 tuổi. 30% cha mẹ bắt đầu giáo dục con cái về tiền từ 15 tuổi trở lên, trong khi 14% cho biết họ không bao giờ làm gì cả.
Bài học về tiền bạc mà Warren Buffett đã dạy cho những đứa trẻ
Vào năm 2011, Buffett đã hợp tác ra mắt một bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em có tên là Câu lạc bộ triệu phú bí mật. Có 26 tập trong chương trình và mỗi tập đã giải quyết một bài học tài chính, chẳng hạn như cách thẻ tín dụng hoạt động hoặc tại sao điều quan trọng là theo dõi nơi bạn cất tiền.
"Tôi đã dạy tất cả những đứa con của mình những bài học từ trong phim "Câu lạc bộ triệu phú bí mật". Đây là những bài học đơn giản dành cho kinh doanh và cuộc sống", Warren Buffet tiết lộ.
Dưới đây là một vài bài học từ chương trình, cùng với những lời khuyên của Buffett về cách dạy chúng cho con bạn:
1. Làm thế nào để trở thành một người suy nghĩ linh hoạt
Mục tiêu của bài học này là khuyến khích con bạn không từ bỏ chỉ vì một cái gì đó không đạt được ngay lần đầu tiên. Khả năng suy nghĩ sáng tạo và linh hoạt có ích khi họ gặp phải những thách thức tài chính trong tương lai.
Trẻ có thể học cách quản lý tiền từ khi còn nhỏ.
Bạn có thể gợi ý cho đứa trẻ cách biến thùng rác thành kho báu bằng cách thách thức con đưa ra những cách sử dụng mới cho những thứ cũ quanh nhà (ví dụ: một hộp ngũ cốc rỗng có thể được biến thành một hộp đựng tạp chí). Điều này sẽ giúp dạy họ cách suy nghĩ chín chắn, tiết kiệm tiền và bảo vệ môi trường.
2. Làm thế nào để bắt đầu tiết kiệm tiền
Như Ben Franklin đã từng nói, một xu tiết kiệm được là một xu kiếm được. Để giúp con bạn học cách quản lý tiền của mình, điều quan trọng là chúng phải hiểu được sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu.
Hãy đưa cho đứa trẻ của bạn hai lọ tiền: Một để tiết kiệm và một để chi tiêu. Mỗi lần khi con nhận được tiền (ví dụ như một món quà, tiền tiêu vặt…), hãy nói chuyện về cách chúng muốn chia tiền giữa tiết kiệm và chi tiêu.
3. Cách phân biệt giữa giá và giá trị
Tất cả chúng ta đều có lỗi khi trả nhiều tiền hơn cho một đôi giày có thương hiệu hoặc thiết bị tuyệt vời nào đó trong khi chúng ta có thể có được một mặt hàng tốt tương tự với giá thấp hơn. Ý tưởng đằng sau bài học này là giúp trẻ em hiểu những cách khác nhau mà các nhà quảng cáo khiến chúng ta mua dịch vụ hoặc sản phẩm của họ, cũng như làm thế nào để biết cái gì đáng mua và cái gì không đáng để trả tiền.
Lập danh sách các mặt hàng bạn cần tại siêu thị, sau đó kiểm tra tờ rơi, báo và trang web với con bạn để biết các mặt hàng trong danh sách có thể được bán. So sánh các giá đó và xem cửa hàng nào cung cấp thỏa thuận tốt nhất cho một sản phẩm cụ thể.
Hãy dạy trẻ cách tiết kiệm tiền bạc.
4. Cách đưa ra quyết định tốt
Chìa khóa để đưa ra quyết định thông minh là suy nghĩ về các lựa chọn khác nhau có thể ảnh hưởng đến kết quả trong tương lai. Hãy cho trẻ tập thói quen đưa ra quyết định tốt về cách tiết kiệm tiền. Khi chúng muốn mua 1 món đồ, hãy hỏi xem nó có thực sự cần thiết không hoặc liệu có thể mượn hoặc thuê lại được không.
"Không bao giờ là quá sớm" là điều Warren Buffett đã nhấn mạnh dù đó là dạy cho trẻ em giá trị của đồng tiền. Sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn hay giá trị của việc tiết kiệm đều là những khái niệm mà trẻ em gặp phải rất sớm, vì vậy tốt nhất là giúp chúng hiểu về nó. Thấm nhuần thói quen tài chính lành mạnh ở trẻ là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giúp đảm bảo cho chúng có một tương lai thành công.