Ngày nay, Typhoid Mary là biệt danh chỉ chung những người truyền dịch bệnh một cách vô tình hay hữu ý. Nhưng bạn có biết nguồn gốc của biệt danh này đến từ đâu? 

Chính là từ một nữ đầu bếp tên Mary sống vào đầu thế kỉ 19, mang trong mình mầm bệnh gây sốt thương hàn (typhoid) mà bản thân lại không hề hay biết. Phần lớn trong cuộc đời, Mary ngây thơ cho mình là người khỏe mạnh vì không có triệu chứng bệnh, nhưng điều đó đã gây ra chuỗi bi kịch dai dẳng.

Typhoid Mary: Cô đầu bếp ngây thơ mang mầm bệnh chết người, gieo rắc nỗi kinh hoàng qua từng đĩa thức ăn - Ảnh 1.

Tên thật của cô ấy là Mary Mallon, sinh năm 1869 trong gia đình nghèo nhất một quận của Bắc Ireland. Lúc mới 14, 15 tuổi, Mary di dân sang Mỹ và bắt đầu công việc đầu bếp, nấu ăn cho các hộ giàu có. Tài năng nấu nướng của Mary là không thể phủ nhận, khiến mọi chủ nhà đều tấm tắc khen ngợi.

Thế nhưng nữ đầu bếp lại chuyển chỗ làm liên tục. Từ năm 1900 đến 1907, cô nấu ăn cho 7 gia đình khác nhau, tất cả họ lần lượt lên cơn sốt, một số người tiêu chảy, 1 người đã tử vong. 

Mary dĩ nhiên là phụ giúp chăm sóc người bệnh - điều chỉ khiến cho tình hình tồi tệ hơn. Kết quả là, nữ đầu bếp lại thôi việc và đi đến nơi khác, nhưng trường hợp các "thực khách" của cô đổ bệnh vẫn tiếp tục xảy ra.

Đến khi cô làm việc ở nhà Charles Warren - một quý ông làm ngân hàng giàu có - thì rắc rối thật sự đã đến. Warren thuê một căn biệt thự ở Vịnh Oyster. Khi 6 người trong gia đình ông phát bệnh, cộng đồng dân cư rất hoảng loạn. Bởi thương hàn vốn được coi là bệnh của người nghèo, thường phát tán trong khu ổ chuột. Chuyện nó xảy ra ngay tại Vịnh Oyster thật không thể tin được. Để làm sáng tỏ, Warren mời đến nhà nghiên cứu bệnh học tên George Soper.

Soper kiểm tra nguồn nước và những con sò được chuẩn bị cho bữa tối - tất cả đều không phải nguyên nhân gây bệnh. Ông bắt đầu nghi ngờ Mary. Dẫu vậy, nhiệt độ cao khi nấu ăn đã giết chết nhiều vi khuẩn, khiến việc tìm bằng chứng để kết luận Mary là nguồn bệnh không hề dễ dàng.

Rồi cuối cùng Soper đã tìm ra. Ấy là một lần Mary thết đãi cả gia đình Warren bằng món kem tráng miệng với những lát đào tươi trứ danh của mình. Món ăn này dĩ nhiên không làm chín, và nó chính là bằng chứng chống lại cô.

Typhoid Mary: Cô đầu bếp ngây thơ mang mầm bệnh chết người, gieo rắc nỗi kinh hoàng qua từng đĩa thức ăn - Ảnh 2.

Phát hiện của Soper là một cú chấn động, vì trước đó người ta chưa từng biết về một "ổ dịch sống" - tức là mầm bệnh tồn tại và lan truyền trong một cơ thể người hoàn toàn khỏe mạnh.

Để làm rõ, ông chủ Warren muốn đưa Mary Mallon đi kiểm tra nhưng cô đã bỏ trốn. Mary liên tục thay đổi tên họ và địa điểm làm việc, khiến cho việc truy tìm cô cũng khá khó khăn. Dù sao thì Soper đã kiên nhẫn làm việc và thành công. Tính đến lúc ấy, cái chết thứ hai đã xảy ra - là một quý cô nhà giàu có.

Soper thuyết phục Mary hãy đi xét nghiệm, nhưng người phụ nữ đã hăm dọa ông bằng một con dao chặt lợn. Nhà nghiên cứu bỏ chạy thục mạng. Khi quay lại, ông dẫn thêm 1 bác sĩ và 5 cảnh sát.

Dưới sự khống chế của 7 người đàn ông, Mary được đưa đến bệnh viện. Cô chắc chắn rằng mình đã bị cưỡng chế bất hợp pháp vì chẳng làm sai điều gì cả. Ông bác sĩ tham gia vào cuộc "vây bắt" nói rằng, Mary như thể một "con sư tử gầm gừ" trên đường đến bệnh viện.

Typhoid Mary: Cô đầu bếp ngây thơ mang mầm bệnh chết người, gieo rắc nỗi kinh hoàng qua từng đĩa thức ăn - Ảnh 3.

Mary bướng bỉnh không chấp nhận sự thật: chừng nào cô còn làm bếp sẽ còn gây chết người. Nhưng việc thiếu kiến thức cộng với cái "nghiệp" phải gắn với bếp núc của Mary - là đáng thương hay là đáng trách nhiều hơn?

Các mẫu thử lấy từ cơ thể Mary xác nhận có vi khuẩn gây sốt thương hàn. Và trong quá trình thẩm vấn, người ta càng bàng hoàng khi nghe Mary nói cô không bao giờ rửa tay trước khi nấu ăn vì cho rằng điều ấy không quan trọng.

Nữ đầu bếp bị giam giữ 3 năm tại bệnh xá trên đảo North Brother. Sinh vật duy nhất cùng sống với cô trong nhà gỗ chỉ là một con chó. Sau đó, cô được thả với lời thề sẽ không bao giờ làm đầu bếp nữa.

Typhoid Mary: Cô đầu bếp ngây thơ mang mầm bệnh chết người, gieo rắc nỗi kinh hoàng qua từng đĩa thức ăn - Ảnh 4.

Bên ngoài một tòa nhà rêu phong ở North Island (ảnh: Photoflight)

Typhoid Mary: Cô đầu bếp ngây thơ mang mầm bệnh chết người, gieo rắc nỗi kinh hoàng qua từng đĩa thức ăn - Ảnh 5.

Bên trong trung tâm điều trị tại bệnh viện Riverside trên đảo

Quả thật người phụ nữ đã trở thành một cô thợ giặt là, nhưng công việc này kiếm được quá ít ỏi. Không thể cưỡng lại cám dỗ của đồng tiền, Mary lại quay về nghề đầu bếp với những lần thay tên đổi họ. 

5 năm trôi qua êm ả, và rồi Mary đến nấu ăn ở một bệnh viện phụ sản. Tại đây cô khiến 25 người bị lây bệnh và 2 người chết. Sau một cuộc điều tra nhanh chóng, danh phận giả của Mary bị vạch trần. Cô lại bị giam giữ cách ly trên hòn đảo North Brother điêu tàn và lần này là mãi mãi.

Typhoid Mary: Cô đầu bếp ngây thơ mang mầm bệnh chết người, gieo rắc nỗi kinh hoàng qua từng đĩa thức ăn - Ảnh 6.

(Cảnh trong phim Typhoid Mary, 2019)

Cuộc giam giữ thứ hai kéo dài suốt 23 năm cho đến khi Mary qua đời. Trên đảo, cô đã làm việc như một y tá, trách nhiệm chính là cùng rửa ống nghiệm với những bệnh nhân lao. Bên cạnh đó, Mary còn là... một ngôi sao, thường xuyên được giới truyền thông tìm đến phỏng vấn. Họ cũng được cảnh báo rằng, đừng nhận từ Mary bất cứ thứ gì dù chỉ là một cốc nước.

Mary Mallon chết vì bệnh viêm phổi năm 1938.

Bởi vì người phụ nữ này liên tục thay đổi danh tính, chuyển từ nhà giàu này sang nhà giàu khác nên người ta không thể thống kê chính xác các nạn nhân mắc bệnh do Mary gây ra. Nhiều tài liệu khẳng định cô đã truyền bệnh cho 50 người. Còn theo ghi chép của Soper, con số phải lên tới 122 người, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Typhoid Mary: Cô đầu bếp ngây thơ mang mầm bệnh chết người, gieo rắc nỗi kinh hoàng qua từng đĩa thức ăn - Ảnh 7.

Tuy vậy, 26 năm giam cầm (3 năm lần đầu và 23 năm trong lần thứ hai) trên đảo North Brother là chuỗi ngày đầy bi kịch của Mary. Cô bị bỏ rơi, hắt hủi, mang trong mình nhiều thương tổn cả về tinh thần lẫn thể chất (dù cô cũng có trách nhiệm to lớn trong việc lây truyền bệnh).

Ngoài ra, việc Mary bị cách ly đến 26 năm mà không được giảm nhẹ là vì 2 lý do. Thứ nhất, thời đó người ta cho rằng có ít nhất 400 người mang mầm bệnh thương hàn ở New York nhưng không đi xét nghiệm. Và thứ hai, các bác sĩ không chỉ rõ cho Mary những nguy hại của căn bệnh mà chỉ thuyết phục cô cắt bỏ túi mật - một loại phẫu thuật nguy hiểm đến tính mạng mà lại không loại bỏ mầm mống gây bệnh cho những người khác.

Câu chuyện về cuộc đời Mary Mallon đến nay có rất nhiều dị bản và đều gây tranh cãi. Liệu rằng người phụ nữ này đơn thuần là "ổ dịch sống" gieo rắc tai ương, hay chính bản thân cô cũng là một nạn nhân mang cơ địa quái ác, sống trong thế giới của những người giàu đã không cho Mary một lối thoát khả dĩ nào?

(Theo Brightside)