Cộng đồng người dân bản xứ thuộc khu vực Anangu Pitjantjatjara Yankunytjatjara (AYP), phía tây bắc của bang South Australia vừa thông qua quyết định để các tay súng trên trực thăng tiêu diệt đàn lạc đà hoang xâm chiếm đất đai của họ, uống quá nhiều nước.
Những người đứng đầu AYP thông qua kế hoạch tiêu diệt hàng loạt lạc đà sau khi chứng kiến cảnh đàn lạc đà hoang xâm chiếm, tàn phá, gây thiệt hại cho cộng đồng người dân bản xứ:
"Chúng tôi phải chịu đựng tình trạng hôi hám và không thoải mái vì lạc đà liên tục kéo đến, phá đổ hàng rào, đi quanh nhà và tìm cách tiếp cận nguồn nước qua điều hòa", Marita Baker, ủy viên hội đồng chấp hành APY cho biết. Thời gian gần đây các đàn lạc đà xuất hiện nhiều, gây phiền nhiễu cho cộng đồng cư dân khu vực này được cho là do tình trạng khan hiếm nước, buộc chúng phải đi tìm nguồn nước uống.
"Điều này gây phiền nhiễu đáng kể đối với cơ sở hạ tầng ở địa phương, gây nguy hiểm cho cư dân và cộng đồng, gia tăng áp lực chăn thả và các vấn đề phúc lợi động vật khi một số con lạc đà chết khát hoặc giẫm đạp lên nhau để tiếp cận nguồn nước. Trong một vài trường hợp, những động vật chết gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước cũng như điểm thăm quan văn hoá".
Nhiều người đã tập trung lạc đà để bán nhưng cách này không giúp kiểm soát số lượng lạc đà quá đông.
Các chuyên gia cho biết có hơn 1,2 triệu con lạc đà hoang dã ở Australia, chủ yếu phân bố ở miền trung. Loài động vật du mục trên sa mạc này di cư khỏi những nơi khô hạn ở Nullarbor và Goldfields trong nỗ lực tuyệt vọng để tìm thức ăn và nước uống.
Theo Cơ quan Báo cáo Môi trường Australia (ASER), lạc đà được đưa tới Australia vào khoảng năm 1840. Đến năm 2008, ước tính đã có 1 triệu con lạc đà sống ở những vùng đất khô cằn tại các bang Western Australia, Northern Territory, South Australia và Queensland. Giai đoạn 2009 - 2013 nước Úc đã thực hiện các nỗ lực cả ở mặt đất và trên không nhưng cũng chỉ tiêu diệt được khoảng 160.000 con lạc đà.