AirVisual thời gian gần đây trở thành một trong những ứng dụng được tải về nhiều nhất tại Việt Nam sau khi đưa ra những con số đáng ngại về chất lượng không khí, thậm chí còn xếp Hà Nội vào vị trí thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thế nhưng, vào tối qua, 6/10, người dùng Việt phản ánh không thể cài đặt ứng dụng AirVisual được nữa.

Người dùng Việt Nam khi tìm kiếm từ khóa "AirVisual" sẽ không tìm thấy ứng dụng AirVisual. Trang Facebook của AirVisual cũng không còn cho phép người Việt truy cập. Với những ai đã cài ứng dụng AirVisual trong điện thoại thì vẫn có thể sử dụng nó một cách bình thường. Cho đến sáng nay, trong bảng xếp hạng về các thành phố có chỉ số chất lượng không khí AQI cao nhất thế giới, Thủ đô Hà Nội vẫn được xếp ở mức cao trong top đầu, TP.HCM vẫn có mặt trong bảng xếp hạng nhưng trong ngưỡng an toàn.

Trong những tuần vừa qua, rõ ràng, chất lượng không khí ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước luôn ở mức kém. Các chuyên gia về môi trường cũng đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Tuy nhiên, có một vấn đề là thông tin về chỉ số AQI của các tỉnh thành chỉ còn được cung cấp bởi một đơn vị duy nhất là Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội (vận hành bởi UBND Thành phố Hà Nội) mà được cung cấp bởi nhiều đơn vị với các ứng dụng khác nhau, trong đó có cả ứng dụng AirVisual.

Ứng dụng cho chỉ số chất lượng không khí được nhiều người tin dùng AirVisual bất ngờ biến mất ở các kho ứng dụng trên điện thoại tại Việt Nam - Ảnh 2.

AirVisual là ứng đo đánh giá chỉ số chất lượng không khí không còn xa lạ với nhiều người. Với những thông số mà ứng dụng này cung cấp, nhiều người cảm thấy vô cùng lo lắng vì đã có những lúc 2 thành phố lớn ở Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM "được" xếp vào top đầu những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thế nhưng, theo các chuyên gia về môi trường, đây lại là phần mềm ứng dụng không được đánh giá cao về những thông tin nó đưa ra.

Được biết, tổ chức AirVisual được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ. Hệ thống này quan trắc chất lượng không khí dựa trên việc tổng hợp số liệu thu được từ cảm biến đặt tại 10.000 thành phố của 80 quốc gia trên thế giới. AirVisual chỉ quan trắc chỉ số bụi mịn PM2.5.

Tại Hà Nội, AirVisual thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm có 10 trạm thuộc chính phủ.Tại TP HCM, AirVisual có dữ liệu từ 7 trạm, gồm Lãnh sự quán Mỹ, các tổ chức phi chính phủ gồm các đối tác của AirVisual (một đại học và các trường học). Ở mỗi trạm, các chỉ số được thu thập theo thời gian thực, mức độ ô nhiễm được đo và dựa theo Chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (U.S. Air Quality Index value). Số liệu xấu nhất về chất lượng không khí được AirVisual công bố cho phép người dùng tra cứu nồng độ một số tác nhân nguy hiểm như: PM2.5, PM10, ozone, nitơ dioxide, sulfur dioxide và carbon monoxide.

Ứng dụng cho chỉ số chất lượng không khí được nhiều người tin dùng AirVisual bất ngờ biến mất ở các kho ứng dụng trên điện thoại tại Việt Nam - Ảnh 3.

Tuy nhiên, số liệu xấu nhất này không được AirVisual chú thích khiến nhiều người lầm tưởng đây là kết quả đại diện cho cả thành phố. Mức chênh lệch của nơi thấp nhất trong thành phố Hà Nội với nơi cao nhất có thể lên đến 100 điểm AQI. Từ đó, kết quả có thể thay đổi từ mức kém lên mức cực rất có hại cho sức khỏe.

Sau 20 năm nghiên cứu về chất lượng không khí ở Hà Nội, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho rằng thông tin từ ứng dụng Air Visual chỉ nên dừng lại ở mức tham khảo. Về mặt khoa học, ông không đánh giá cao nền tảng quan trắc không khí này.