Tích hợp nhưng vẫn dạy song song

Năm học 2022-2023, Trường THCS Thiệu Thành (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có tổng số hơn 280 học sinh, phân thành 8 lớp. Đối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 áp dụng cho khối lớp 6, 7, Ban giám hiệu nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn, tiếp thu chuyên đề.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp với học sinh (HS), điều kiện của nhà trường và địa phương.

Theo thầy Nguyễn Thanh Hòng - Hiệu trưởng nhà trường, với các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý hiện đang được triển khai dạy học song song. Nghĩa là, giáo viên (GV) thuộc phân môn nào sẽ đảm trách ở phân môn đó.

“Giảng dạy theo phương thức này thì kiến thức vẫn đảm bảo, tuy nhiên việc tích hợp có phần hạn chế. Hiện nay, học sinh vẫn phải sử dụng từ 2-3 quyển vở để ghi chép cho một môn học”, thầy Hòng cho hay.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hiện trên tất cả các phòng học của nhà trường đều trang bị ti vi. Ngoài ra, Trường THCS Thiệu Thành còn trang bị thêm 2 phòng chức năng phục vụ cho các môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ và phòng Tin học.

Là một trong 2 GV chính phụ trách môn Khoa học tự nhiên lớp 6, 7, cô Lê Thị Hòa (Trường THCS Thiệu Thành) phân môn Lý - Hóa đánh giá: Sách giáo khoa của Chương trình mới có bố cục trình bày đẹp, sinh động; nội dung cũng thực tế hơn.

Đặc biệt, với phân môn Lý - Hóa có nhiều câu hỏi gắn liền với thực tiễn, khả năng áp dụng trong đời sống cao.

Ứng dụng công nghệ tương tác thông minh dạy môn tích hợp - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Đức, Trường THCS Cù Chính Lan trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên tại lớp.

Tuy nhiên, cô Hòa cho rằng, việc dạy môn tích hợp trên thực tế gần như chưa đáp ứng được tiến trình biên soạn sách. Nguyên nhân là do chưa có giáo viên dạy tích hợp được cả 3 phân môn với môn Khoa học tự nhiên.

“Hiện nay, GV vẫn đang dạy song song giữa các phân môn, dẫn tới kiến thức không được liền mạch. Chẳng hạn, với môn Khoa học tự nhiên lớp 6, bài số 2 có chủ đề về Quy định an toàn trong phòng thực hành do GV phân môn Hóa thực hiện. Bài số 3 có chủ đề về Đo thể tích các loại do GV phân môn Lý đảm trách.

Tuy nhiên, bài số 2 lại có thời lượng tới 6 tiết, dẫn tới tình trạng học sinh chưa học xong bài số 2 đã bước vào thực hành. Đây là một trong những bất cập nhìn từ thực tiễn”, cô Hòa chia sẻ.

Giải pháp khi dạy môn tích hợp

Trước những khó khăn khi giảng dạy môn tích hợp, cô Lê Thị Hòa - Trường THCS Thiệu Thành đã từng bước tháo gỡ bằng cách linh hoạt trong phương pháp giảng dạy.

Cụ thể, trong khi chờ đợi dụng cụ thí nghiệm cấp về, nữ GV Trường THCS Thiệu Thành tận dụng dụng cụ thí nghiệm sẵn có của nhà trường để cho học trò làm thí nghiệm. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học như cho học sinh xem video tham khảo từ các trường bạn trên hệ thống internet,...

Mặc dù, chuyên môn chính là Sinh học song năm học 2022-2023, cô Nguyễn Thị Đức - Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) đang thực hiện giảng dạy cả 3 phân môn Lý - Hóa - Sinh tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên lớp 6.

Ứng dụng công nghệ tương tác thông minh dạy môn tích hợp - Ảnh 2.

“Cùng lúc phải đảm trách cả 3 phân môn đòi hỏi chúng tôi phải vừa dạy vừa học hỏi kinh nghiệm, kiến thức và chuyên môn từ đồng nghiệp. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông minh vào dạy học.

Hiện nay, chúng tôi đang sử dụng công nghệ tương tác thông minh U-Pointer 3 kết hợp ti vi màn hình cường lực; phần mềm trực quan như I-Pro5, MozaBook và thí nghiệm ảo 3D,... Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, học sinh dễ dàng nắm bắt kiến thức, giờ học cũng trở nên sinh động”, cô Đức chia sẻ.

Thầy Dương Minh Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan cho biết, hiện nay có khoảng 80% các phòng học của nhà trường đã được trang bị công nghệ dạy học tương tác thông minh U-Pointer 3 kết hợp ti vi màn hình cường lực. Riêng với môn Khoa học tự nhiên, giáo viên còn kết hợp phần mềm trực quan như I-Pro5, MozaBook và thí nghiệm ảo 3D,... mang lại sự sinh động, lôi cuốn cho giờ học.

Ngoài đầu tư công nghệ thông minh và dạy học, GV giảng dạy môn tích hợp cũng không ngừng tự học để nâng cao trình độ. Bởi, với môn tích hợp giáo viên không chỉ dạy tốt ở phân môn được đào tạo mà còn phải tự học để đáp ứng yêu cầu ở các phân môn khác.

“Để khắc phục những bất cập khi giảng dạy môn tích hợp, trước hết Gv cần có sự phân chia phân môn phù hợp. Chẳng hạn, với bài số 2 môn Khoa học tự nhiên lớp 6, thay vì để GV phân môn Hóa giảng dạy cả 6 tiết, có thể cân nhắc để cả 3 GV cùng đảm trách”, cô Lê Thị Hòa, Trường THCS Thiệu Thành, Thiệu Hóa (Thanh Hóa).