Mới đây, ứng dụng thương mại điện tử Temu thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings đến từ Trung Quốc, đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện của ứng dụng này giúp các chị em đam mê mua sắm có thêm một nơi để chốt đơn những món đồ cần mua.
Cùng thử xem ứng dụng Temu có ưu và nhược điểm như thế nào:
Ưu điểm: Mặt hàng cũng đa dạng, chính sách hỗ trợ khách hàng tốt
Temu áp dụng mô hình M2C (viết tắt của Manufacturing-to-Consumer), đồng nghĩa là sản phẩm, hàng hóa sẽ được đi thẳng từ nhà sản xuất Trung Quốc đến với người tiêu dùng, tiết kiệm được chi phí từ các khâu trung gian.
Các mặt hàng trên Temu cũng vô cùng đa dạng với đủ các sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử, các loại phụ kiện... và được phân loại theo các danh mục để người mua có thể dễ dàng tìm kiếm.
Các sản phẩm trên Temu tương đối đa dạng.
Giao diện của ứng dụng cũng giống như nhiều ứng dụng thương mại điện tử khác, khá dễ dùng và thao tác. Khi vào xem sản phẩm, các thông tin về sản phẩm đó được hiển thị rõ ràng từ hình ảnh, thông số sản phẩm cho đến các đánh giá của những người mua trước đó. Các bước mua hàng cũng khá đơn giản và dễ dàng. Người mua sau khi chọn được món đồ ưng ý chỉ cần chọn mua, điền các thông tin giao hàng và chuyển đến bước thanh toán là xong.
Bên cạnh đó, Temu còn được đánh giá cao nhờ các chính sách hỗ trợ người mua như miễn phí vận chuyển và đổi trả hàng trong vòng 90 ngày. Việc hỗ trợ phí vận chuyển khi giao hàng quốc tế được nhiều khách hàng đánh giá cao.
Thêm một điểm cộng nữa của Temu là mỗi người tham gia giới thiệu Temu đến người khác, sẽ được tặng voucher 50.000 VNĐ. Đồng thời khi giới thiệu người dùng thành công và mua hàng, thì có thể được lên đến 150.000 VNĐ/người kèm hoa hồng từ đơn hàng. Hoặc người dùng có thể được nhận lại 10-30% hoa hồng khi có người bấm vào link Affiliate và thực hiện lần mua hàng đầu tiên.
Thu Thảo - nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết cô đã mua được vài món khá ưng ở trên ứng dụng này, tuy nhiên vì là ứng dụng mới nên cô cũng mới chỉ mua vài món nhỏ để đánh giá. Một số món đồ Thảo mua tuy giá cả không quá chênh lệch với các nơi cô đã mua nhưng vì là ứng dụng mới, có nhiều voucher giảm giá nên tính ra cô cũng được lợi.
Nhược điểm: Giá cả chưa thực sự cạnh tranh, không có thanh toán tiền mặt
Mặc dù Temu đang quảng cáo là có rất nhiều khuyến mãi lớn cùng với việc giảm giá nhiều, nhưng khi xem các mặt hàng, chọn mua và thanh toán thử thì chúng tôi thấy giá không thực sự là quá rẻ. Cùng sản phẩm đó nhưng nếu xem trên các sàn thương mại điện tử khác thì thậm chí có giá còn rẻ hơn kha khá.
Việc thanh toán trên Temu không quá khó khăn nhưng bắt buộc phải thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple Pay, Google Pay.
Ở thời điểm này, khi thanh toán sản phẩm trên Temu, người dùng sẽ phải lựa chọn thanh toán bằng Apple Pay đối với máy điện thoại iPhone, Google Pay trên máy Android hoặc thanh toán quốc tế bằng thẻ tín dụng. Vì thế với những người dùng không sử dụng thẻ tín dụng thì sẽ không mua hàng được trên Temu. Bởi hiện tại Temu chưa có hình thức thanh toán khi nhận hàng COD, đây cũng là cách thanh toán được nhiều người dùng ở Việt Nam ưa chuộng.
Cũng bởi vậy, nhiều người dùng cho rằng việc mua sắm như vậy cũng khá rủi ro, nếu gặp phải hàng không đảm bảo chất lượng hoặc không đúng với mô tả thì rất mất nhiều thời gian trong việc hoàn hàng và hoàn tiền, nhất là khi các sản phẩm lại được vận chuyển từ Trung Quốc nên thời gian và quy trình trả hàng có thể sẽ khá lâu. Ngoài ra, tại Temu cũng chưa có những gian hàng chính hãng để mang lại sự yên tâm cho người mua.
Vì cũng mới có mặt tại Việt Nam, nên các đánh giá của người mua trước đó chủ yếu từ phía người dùng nước ngoài, nên khi tham khảo người mua sẽ phải chuyển sang tiếng Việt để hiểu hết những đánh giá này.
Chị Ngọc Hoa cho biết trên Temu gợi ý nhiều món đồ trông khá... outdate.
Chị Ngọc Hoa, 30 tuổi, nhân viên văn phòng, chia sẻ khi biết ứng dụng thương mại điện tử Temu có mặt tại Việt Nam: "Mình cũng đã tải ứng dụng Temu này về máy và lướt xem thử. Mình có xem thử về các mặt hàng quần áo, váy vóc, nhưng mình cảm thấy mẫu mã không quá đẹp, nhiều sản phẩm có phần outdate, mà giá dù đã giảm rồi tính ra cũng không phải là rẻ lắm. Ví dụ một mẫu chân váy trắng kiểu đơn giản thôi mình thấy có giá gần 400.000 VNĐ, mẫu tương tự như vậy mình có thể mua tại Việt Nam chỉ hơn 200.000 VNĐ thôi. Mình cũng sẽ dùng trải nghiệm tiếp xem thế nào, có thể do mình chưa tìm kỹ nên chưa thấy món đồ hợp lý chăng".
Có thể nói, sự xuất hiện của Temu mang đến sự cạnh tranh giữa nhiều sàn thương mại điện tử đang có mặt tại Việt Nam trước đó. Tuy nhiên, để có những đánh giá chính xác về Temu tại Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian trải nghiệm hơn nữa.