- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Sau khi xuất hiện hàng loạt các ca lây nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương, không ít ý kiến cho rằng, hệ thống bệnh viện ở các địa phương này đã có sự chủ quan lơ là, mất cảnh giác, dẫn đến tình trạng lây lan nghiêm trọng như hiện nay?

Phải khẳng định rằng, trong cuộc chiến chống dịch bệnh toàn cầu hiện nay thật khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót trong phòng ngừa, ngăn chặn lây lan. Những cống hiến của lực lượng tuyến đầu, đặc biệt đội ngũ y, bác sĩ trong phòng chống dịch thời gian qua rất đáng trân trọng.

Khi dịch bệnh xảy ra ở Đà Nẵng, theo tôi, đây là câu chuyện ngoài ý muốn. Có thể họ chủ quan, không nghĩ COVID-19 sẽ lại xảy ra khi gần 100 ngày không hề có một ca lây nhiễm ngoài cộng đồng nào. Cũng phải nói thêm rằng, việc phòng ngừa lây lan trong bệnh viện không hề đơn giản. Người bệnh nằm điều trị trong bệnh viện sẽ kéo theo người nhà bệnh nhân vào thăm hỏi, chăm sóc. Dù y bác sĩ có đeo khẩu trang phòng bị thường xuyên cũng khó tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm, rất khó đề phòng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những trường hợp chủ quan, mất cảnh giác từ một số ca bệnh đầu tiên bị phát hiện. Điển hình như trường hợp đến khám bệnh, dù đã có triệu chứng ho sốt mà không phát hiện ra. Theo tôi điều này do trình độ chuyên môn của một bộ phận y, bác sĩ chưa thấu hiểu hết vấn đề. Khi có biểu hiện như vậy, lẽ ra cần phải nghĩ ngay đến dịch bệnh để khoanh vùng, nhưng họ lại chủ quan, chỉ coi như bị bệnh thông thường.

Chỉ trong một phút lơ đễnh cũng có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Câu chuyện ở Bệnh viện Bạch Mai trước kia và ở Đà Nẵng hiện nay là một bài học lớn trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh từ chính các bệnh viện trên cả nước.

Có thể nói, mức độ nghiêm trọng trong giai đoạn hai này càng trở nên báo động khi dịch đã lây lan trong cộng đồng, số ca mắc liên tục gia tăng và đã có những ca tử vong đầu tiên, ông nghĩ sao về  vấn đề này?

Đúng là diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước như hiện nay đã rất nghiêm trọng rồi. Các ca mắc từ Đà Nẵng, Quảng Nam cũng xuất phát từ bệnh viện. Còn những người hiện đang nằm điều trị trong bệnh viện, họ đã gặp phải bệnh nền rồi, giờ lại đối mặt với COVID-19 sẽ càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với các nạn nhân và gia đình có người chết vì dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, các ca tử vong vừa qua đều già yếu, lại có những yếu tố bệnh nền nghiêm trọng liên quan đến tim mạch, huyết áp, tiểu đường…

"Tình hình dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại cũng sẽ tác động đến tâm lý của chính đội ngũ y, bác sĩ hiện nay. Việc chăm sóc của họ với bệnh nhân cũng giảm đi, vì bản thân họ cũng cảnh giác, đề phòng, dẫn đến tâm lý e ngại, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, việc chăm sóc điều trị cũng bị hạn chế phần nào. Chính vì vậy, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường đội ngũ y bác sĩ từ nơi khác đến Đà Nẵng, Quảng Nam vào dịp này".

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Một vấn đề nghiêm trọng nữa là đội ngũ y bác sĩ ở Quảng Nam, Đà Nẵng rất hạn chế. Bây giờ họ vừa phải chống dịch, ngăn chặn lây lan, vừa phải điều trị cho các bệnh nhân đang nằm điều trị trong bệnh viện là điều vô cùng khó khăn. Trong khi đó các bệnh viện ở đây hầu như lại bị phong tỏa. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị của các bệnh nhân đang nằm viện.

Tình hình dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại cũng sẽ tác động đến tâm lý của chính đội ngũ y, bác sĩ hiện nay. Việc chăm sóc của họ với bệnh nhân cũng giảm đi, vì bản thân họ cũng cảnh giác, đề phòng, dẫn đến tâm lý e ngại, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, việc chăm sóc điều trị cũng bị hạn chế phần nào. Chính vì vậy, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường đội ngũ y bác sĩ từ nơi khác đến Đà Nẵng, Quảng Nam vào dịp này.

Để hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng, theo ông giải pháp nào là hiệu quả và cần thiết nhất trong giai đoạn này?

Trong các phiên họp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, điều quan trọng và cốt lõi nhất quyết định đến sự thành bại trong cuộc chiến này chính là sự ý thức trong cộng đồng dân cư. Dù đội ngũ y bác sĩ thừa hay thiếu, dù thiết bị có cao cấp, hiện đại đến mấy mà không có ý thức cộng đồng thì cũng dẫn đến vỡ trận.

Với chỉ 100 người mắc, việc điều trị có thể sẽ dễ dàng, nhưng con số đó tăng lên 4, 5 lần, việc điều trị lúc đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Như các nước phương Tây, trang thiết bị y tế hiện đại như vậy nhưng đến bây giờ nhiều nước cũng đã vỡ trận. Người dân không dám đến bệnh viện mà phải điều trị ở nhà. Đến bệnh viện lại không đủ đội ngũ y bác sĩ điều trị, chăm sóc. Nếu chúng ta cũng để vỡ trận như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm.

Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc, tuyên truyền, thuyết phục để người dân nêu cao ý thức, hạn chế thấp nhất lây lan cộng đồng. Thời gian qua cho thấy, có một bộ phận người dân thiếu ý thức, không khai báo y tế đầy đủ, khai báo thiếu trung thực làm công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh càng khó khăn, phức tạp hơn. Nhiều người cũng có tâm lý khai báo y tế thì bị cách ly tập trung, cũng có tình trạng bị cách ly tập trung còn trốn ra ngoài. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân đề cao ý thức phòng chống dịch là điều vô cùng quan trọng trong điều kiện hiện nay.

Cảm ơn ông.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mức độ dịch COVID-19 ở Đà Nẵng đã ở nấc cao khi bình quân 1 triệu người Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm bệnh. Ông Nhân đề nghị tham khảo kinh nghiệm cách ly ở Vũ Hán (Trung Quốc) để xử lý dịch bệnh.