Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân tên là T.T.N, nữ 74 tuổi có tiền sử mắc ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú di căn xương cột sống. Đến nay, sau 16 năm đã được điều trị bằng mô hình phối hợp phẫu thuật, điều trị I-131 và liệu pháp hormone thay thế tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.
Khoảng tháng 6, năm 2005 bệnh nhân xuất hiện đau cột sống ngực, cột sống lưng, yếu 2 chân tăng dần. Sau đó bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện ở Hà Nội và được phát hiện tổn thương cột sống ngang mức đốt sống ngực thứ 5 chưa rõ nguyên nhân, có dấu hiệu ép tuỷ. “ Thời điểm này tôi đã không tự đi lại được, phải ngồi xe lăn” - Bà N chia sẻ.
Sau đó bà N đã được phẫu thuật giải ép cột sống và sinh thiết đốt sống D5. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là ung thư biểu mô thể nhú di căn, nguồn gốc từ tuyến giáp.
Theo Ths Lê Quang Hiển, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và điều trị bằng I-131 tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – bệnh viện Bạch Mai 4 lần, liều mỗi lần là 150 mCi cách nhau mỗi 6 tháng, tổng liều là 600 mCi, phối hợp với liệu pháp hormone tuyến giáp thay thế và tập phục hồi chức năng. “Tình trạng bệnh được cải thiện dần, nhưng vẫn phải ngồi xe lăn” BS Hiển cho biết.
Bệnh nhân tiếp tục tái khám định kỳ 3-6 tháng/lần trong những năm đầu sau điều trị bằng I-131, sau đó được tái khám định kỳ hàng năm và duy trì bệnh ổn định trong 16 năm.
Chia sẻ về quá trình phục hồi của bệnh nhân PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho biết, điều đặc biệt ở bệnh nhân này là sau 6 tháng uống I-131, điều trị nội tiết thay thế, kết hợp phục hồi chức năng… bệnh nhân đỡ hẳn đau xương và bắt đầu đi lại được.
“Kể từ khi phát hiện bệnh, được điều trị đến nay đã được 16 năm. Mọi sinh hoạt của bệnh nhân đã trở lại gần như bình thường, tự chủ được mọi sinh hoạt cá nhân hàng ngày, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Điều này không chỉ khiến bệnh nhân, người nhà mà cả tập thể y bác sĩ chúng tôi vui mừng, hạnh phúc”- BS Cẩm Phương nhấn mạnh, …
Theo GS.TS. Mai Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, là người trực tiếp khám, chẩn đoán đưa phác đồ điều và duyệt liều thuốc phóng xạ I-131 cho bệnh nhân Nga ngay từ năm 2005 và theo dõi định kỳ cho đến nay, đây là một trường hợp điều trị thành công và hiếm gặp vì khi bệnh nhân vào nhập viện thì tổn thương di căn đã chèn ép tuỷ sống, phá hủy cột sống, bệnh nhân không thể tự đi lại được, phải ngồi xe lăn.
Hơn nữa bệnh nhân đã phải sử dụng tổng liều iốt phóng xạ I-131 khá lớn và nhiều lần. Rất may mắn là bệnh nhân đáp ứng với thuốc phóng xạ, các tổn thương di căn ở cột sống biến mất gần như hoàn toàn, kết quả điều trị thành công và duy trì đã hơn 16 năm. 16 năm được sống thêm đối với một bệnh nhân ung thư đã có di căn xa ở xương với chất lượng cuộc sống tốt và tự đi lại được, tự mình làm những điều mình thích và tự mình chăm sóc thì đó là một kỳ tích.
GS Khoa cho biết thêm, gần đây nhất bệnh nhân tái khám định kỳ, kết quả kiểm tra theo dõi sau điều trị cho thấy, nồng độ các hocmon tuyến giáp, các chất chỉ điểm khối u cho tuyến giáp (TG và anti TG) đều ở giới hạn bình thường. Kết quả xạ hình toàn thân, chụp cộng hưởng từ cột sống ngực, chụp cộng hưởng từ sọ não, cột sống thắt lưng sau 16 năm cho thấy không có tổn thương thứ phát tại cột sống của bệnh nhân.
Sau 16 năm điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú di căn xương cột sống có kết quả tuyệt vời giúp cho bệnh nhân ổn định, chất lượng cột sống được nâng cao… điều này chứng minh rằng ung thư không phải là dấu chấm hết.
Ngoài sự tuân thủ của người bệnh và phác đồ điều trị phối hợp đúng đắn của các y bác sĩ đã mang lại thành quả cho người bệnh ung thư có cuộc sống như những người bình thường khác, BS Phương vui vẻ nói.