Những đứa trẻ được nhận lì xì dịp Tết đa phần đều sẽ nhận được đề nghị "gửi cho bố mẹ giữ hộ". Cái kết thì ai cũng biết hầu như số tiền sau đó sẽ "một đi không trở lại". Tuy nhiên, trong trường hợp con đã có nhận thức nhất định về tiền và đòi tự quản lý tài sản này của mình, cha mẹ phải làm sao?

Chị Võ Phượng My (tác giả sách, cây viết chuyên sâu lĩnh vực làm cha mẹ và tâm lý trẻ ở TPHCM) cho rằng, cha mẹ có thể giáo dục tài chính và cách ứng xử cho con trẻ thông qua tiền lì xì Tết. 

Chẳng hạn, với trường hợp nói trên, chứng tỏ trẻ đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề tài chính, cha mẹ có thể nhân cơ hội này để dạy con những bài học đầu đời về chi tiêu, cách tiết kiệm, sử dụng tiền mừng tuổi thật hợp lý.

Phải làm sao khi con đòi giữ tiền lì xì? Bà mẹ ở TP.HCM có cách xử lý cực khéo - Ảnh 1.

Chị Võ Phượng My.

Đừng đợi đến Tết mới dạy con về tài chính

Chị My cho biết, con lớn của chị từ 3 năm từ trước đã bắt đầu muốn giữ tiền lì xì. Con hỏi: Tại sao số tiền của con nhưng ba mẹ lại giữ? Chị giải thích cho con hiểu, số tiền này khi con được nhận thì ba mẹ cũng lì xì ngược lại cho con cái của khách mời đến thăm gia đình mình và con còn nhỏ, chưa biết cách quản lý tiền. Tuy nhiên, mặt đứa trẻ "xị" ra và đấu tranh quyết liệt. Lúc này, chị hiểu đã đến thời điểm thích hợp để dạy con về cách sử dụng tiền. 

"Từ 3 năm nay, mình hướng dẫn con chia ra những phần nhỏ, tỷ lệ nhiều - ít tùy thuộc vào độ tuổi. Đầu tiên, con có thể sử dụng 50% để phục vụ nhu cầu cá nhân như mua dụng cụ học tập; 30% tiết kiệm; 20% còn lại cho mục đích từ thiện. Hoặc bố mẹ có thể khuyến khích con để dành số tiền đó cho những mục đích dài hạn".

Về việc dạy con quản lý tài chính hàng ngày, chị My khuyến khích con áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ tài chính được giới thiệu bởi T. Harv Eker, doanh nhân - diễn giả - tác giả cuốn sách nổi tiếng "Bí mật tư duy triệu phú". Trong đó, ông T. Harv Eker chia ra: Lọ 1: Chi tiêu cần thiết (NEC - 55% thu nhập); Lọ 2: Tiết kiệm dài hạn (LTS - 10% thu nhập); Lọ 3: Quỹ tự do tài chính (FFA - 10% thu nhập); Lọ 4: Hưởng thụ (PLY - 10% thu nhập); Lọ 5: Giáo dục (EDU - 10% thu nhập); Lọ 6: Giúp đỡ người khác (GIV - 5% thu nhập).

Tuy nhiên, với con gái lớn chỉ 8 tuổi, chị My "đơn giản hóa" thành quy tắc 3 chiếc lọ để đỡ "lắt nhắt" và khỏi mất nhiều thời gian bởi mục tiêu quan trọng nhất thời điểm này chính là nhu cầu nhận thức và tập dần cho con kỹ năng quản lý tiền. Tỷ lệ phân chia có thể theo 50%-30%-20% như đã nói ở trên.

Chị My cho rằng, tùy độ tuổi, khả năng nhận thức, mức độ quan tâm của con về tiền và sử dụng tiền mà ba mẹ có thể có cách tiếp cận phù hợp. Nhưng điều quan trọng là bố mẹ nên làm sao cho trẻ hiểu ý nghĩa thực sự của đồng tiền. Tiền chỉ là một công cụ để phục vụ cuộc sống tốt hơn, chứ không nên đặt giá trị đồng tiền lên tất cả. Tiền quan trọng và không thể thiếu, tuy nhiên cuộc sống chỉ xoay quanh tiền bạc, vật chất sẽ dễ khiến trẻ nhận thức sai lệch.

Bên cạnh đó, theo chị My, nếu muốn dạy con về tài chính hiệu quả, bản thân bố mẹ nên học cách quản lý tiền bạc đúng cách. Nếu chưa có những quan điểm chưa đúng đắn về tiền bạc thì có thể lập trình lại tư duy để có nhận thức đúng. Bởi cốt lõi của việc làm cha mẹ chính là làm gương. Mình nói những điều mình làm, và làm những điều mình nói thì mới tác động sâu sắc đến con cái.