Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ bắt đầu đưa ra những quyết định như chọn trường, bạn bè… và muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên, do chưa giỏi điều tiết cảm xúc, vì vậy, trẻ dễ chấp nhận rủi ro và đưa ra quyết định bốc đồng. Xây dựng mối quan hệ lành mạnh và tin cậy giữa cha mẹ và con cái là quan trọng nhưng không dễ dàng.
Chị Nguyễn Phương Thùy (Long Biên, Hà Nội) từng “phát điên” khi con gái 14 tuổi của mình “tuyên bố”: Mẹ không hiểu con chút nào hết. Chị cũng từng rất bức xúc bởi đứa con tuổi teen như thể bị câm khi được bố mẹ hỏi ngày hôm nay của con thế nào. Hoặc một yêu cầu rất bình thường, hợp lý từ bố mẹ thì con lại phẫn nộ, bất bình.
Trò chuyện với con trẻ tưởng chừng như rất dễ bởi người lớn cho rằng “trẻ con nói gì nghe nấy”, thế nhưng, đó chưa phải là quan niệm đúng trong xã hội hiện đại. Vì vậy, trò chuyện với con là cả một nghệ thuật đòi hỏi cha mẹ đôi khi cũng phải là “nghệ sĩ”.
Nhiều quan niệm của cha mẹ cho rằng vì con cái là sở hữu của mình nên việc bắt buộc phải nghe người lớn nói là điều đương nhiên. Thêm nữa, có suy nghĩ cho rằng, đứa trẻ không có khả năng làm bất cứ việc gì và vì thế, chúng phải được “người lớn dạy”. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, trẻ càng được bộc lộ quan điểm sớm thì càng có khả năng tự lập và tư duy sáng tạo.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy - Giảng viên Khoa Công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - Chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng: Thực tế, nhiều cha mẹ luôn vội vàng ngắt lời khi con nói, hoặc thấy việc trình bày của con quá rườm rà. Đó chính là sự không tin tưởng của cha mẹ dành cho trẻ. Bởi người lớn tin rằng, con vẫn mãi mãi là trẻ nhỏ, chỉ có thể làm theo ý kiến của cha mẹ mới là đúng, là ngoan.
Đúng là người lớn có vốn sống, kinh nghiệm và sự từng trải nhất định nên chắc hẳn nhìn nhận mọi vấn đề đều tốt hơn. Thêm nữa, việc dạy con cũng xuất phát từ tình yêu thương, mong muốn những điều tốt đẹp cho con, vì vậy mới dạy dỗ, khuyên bảo.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thuỷ cho rằng: “Hàng trăm trẻ nhỏ sẽ là hàng trăm cá thể khác biệt. Chúng ta không thể áp sở thích, đường hướng học tập của trẻ này lên trẻ khác. Chúng ta không thể để một đứa trẻ thích vận động ngồi một chỗ làm thơ, hay bắt một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật phải học tốt về các con số.
Mỗi đứa trẻ mỗi sở thích, mỗi khả năng khác nhau. Nếu như không lắng nghe, không trò chuyện với con, thì vô tình cha mẹ đang kìm hãm những ước mơ của con. Bởi vậy, khuyến khích cha mẹ hãy để trẻ tự do thể hiện cá tính của mình, bộc lộ bản thân và hãy chia sẻ với con thật nhiều”
Có những việc, trẻ rất muốn được thử sức làm theo ý kiến của mình, vì vậy, cha mẹ cũng nên để trẻ thoải mái sáng tạo trong một khuôn khổ nào đó. Đôi khi, để con nhìn thấy được kết quả từ hành động của mình chính là cách dạy tốt để trẻ tự rút ra bài học mà không cần người lớn phải “nói nhiều”.
Hoặc ít nhất, nếu nhìn thấy trước “hậu quả”, cha mẹ cũng hãy cứ để con bày tỏ, nói hết suy nghĩ rồi mới cùng con phân tích, giải thích để con hiểu vấn đề, đừng vội ngắt lời con trong mỗi cuộc nói chuyện.
Áp dụng nhiều biện pháp phù hợp
TS Thủy gợi mở cách để cha mẹ dễ dàng trò chuyện với con cái ở tuổi teen. Đầu tiên là sự lắng nghe. Nếu tò mò về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con mình, việc đặt câu hỏi trực tiếp có thể không hiệu quả bằng việc cha mẹ chỉ cần ngồi lại và lắng nghe. Trẻ em có xu hướng cởi mở với cha mẹ hơn nếu chúng không cảm thấy bị áp lực khi phải chia sẻ thông tin.
Sau đó, cần thể hiện sự tin tưởng với chúng. Thanh thiếu niên muốn được coi trọng, đặc biệt là từ cha mẹ. Hãy tìm cách thể hiện rằng bạn tin tưởng con mình. Để con bạn biết rằng bạn có niềm tin vào trẻ, từ đó thúc đẩy sự tự tin và giúp con vượt qua khó khăn.
Cha mẹ cũng cần sẵn sàng giải thích cặn kẽ cho con những điều không được phép. Đồng thời, biết khen ngợi đúng cách. Cha mẹ có xu hướng khen ngợi trẻ nhiều hơn khi chúng còn nhỏ, nhưng thanh thiếu niên cũng rất cần được khen ngợi.
Hơn nữa, để giao tiếp với con thì nói chuyện không phải là cách duy nhất và trong những năm tháng thay đổi về tâm, sinh lý này của con, hãy dành thời gian làm việc cả hai cùng thích, cho dù đó là nấu ăn, đi bộ đường dài hoặc đi xem phim... Điều quan trọng là để cho trẻ biết rằng, chúng có thể ở gần và chia sẻ những trải nghiệm tích cực với cha mẹ.
Bên cạnh đó, ăn cơm là một cách tuyệt vời để gắn bó với nhau. Các cuộc trò chuyện trong bữa tối cho phép mọi thành viên trong gia đình có cơ hội nói chuyện ngẫu nhiên về thể thao, truyền hình hoặc chính trị.
Những đứa trẻ cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với cha mẹ về những điều hàng ngày có thể sẽ cởi mở hơn khi gặp khó khăn. Hãy tinh ý nhận thấy những thay đổi ở trẻ. Nếu bạn thấy sự thay đổi trong khả năng hoạt động hàng ngày của con, hãy hỏi trẻ về điều đó và ủng hộ thay vì phán xét.
“Cha mẹ rất dễ nổi nóng khi con tỏ ra thô lỗ, nhưng không nên đáp lại theo cách của con. Hãy nhớ rằng bạn là người lớn và con thì chưa có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình. Vì vậy, hãy đếm đến mười hoặc hít thở sâu trước khi trả lời. Nếu cả hai đều quá bức xúc, hãy tạm dừng cho đến khi bạn bình tĩnh lại”, TS Thủy nhấn mạnh.