Trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt chứa khá nhiều thực phẩm giàu đạm, đặc biệt là các buổi tiệc tùng với thói quen uống bia rượu chúc mừng năm mới là nguyên nhân chính khiến gan phải làm việc quá tải. Và đã có những người phải "trả giá" vì thói quen uống rượu, bia của mình.

Uống 20 ly rượu sâm panh một lúc, người đàn ông phải đến bệnh viện "xử lý", bác sĩ khuyến cáo 1 việc không được tự ý làm - Ảnh 1.

"Gần đây, Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh có tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân nam 37 tuổi có tiền sử uống rượu 2 lần/tháng, mỗi lần đều uống rất nhiều. Sau một lần uống liền 20 ly rượu sâm panh, bệnh nhân xuất hiện cảm giác mệt mỏi, buồn nôn. Bệnh nhân tự điều trị tại nhà nhưng đến khi mệt quá nhiều, kèm theo đi ngoài phân lỏng thì mới đến viện khám.

Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhân có rối loạn điện giải kèm theo nên đã được điều trị bằng truyền dịch bù điện giải cùng các thuốc giảm men gan. Sau 8 tiếng, tình trạng của bệnh nhân đã thuyên giảm. Sau 1 tuần điều trị, các xét nghiệm đã ổn định và được ra viện. Sau khi ra viện, bệnh nhân được yêu cầu ngừng toàn bộ việc tiêu thụ rượu bia và các chất kích thích. Tới khi tái khám lại thì sau 3 tuần chức năng gan của bệnh nhân đã trở lại bình thường".

Đó là chia sẻ của ThS.BS Lê Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa, bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh. Qua đây, BS Lê Thị Vân Anh cũng nhấn mạnh một điều là mọi người không nên tự ý điều trị khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh liên quan đến gan. Thay vào đó, cần phải đến viện sớm để được điều trị kịp thời.

Uống 20 ly sâm panh phải đi viện vì ảnh hưởng gan

Trao đổi về các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của gan, ThS.BS Lê Thị Vân Anh đã có một số chia sẻ như sau:

1. Tỷ lệ người mắc các vấn đề về gan (gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan...) ở nước ta trong những năm gần đây đang trẻ hóa như thế nào?

ThS.BS Lê Thị Vân Anh: Theo thống kê gần đây, tỉ lệ mắc các bệnh về gan đang trẻ hóa. Lý do chủ yếu là do có liên quan đến lối sống không lành mạnh của mọi người.

Hiện tại, nhiều bạn trẻ có lối sống công nghiệp, ít vận động, ăn nhiều thức ăn nhanh dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Một số khác uống quá nhiều rượu bia, dẫn tới tình trạng viêm gan do rượu. Từ đó có thể dẫn tới viêm gan, xơ gan.

Thiếu vận động cũng là một nguyên nhân chính, nhất là cộng với thói quen ăn nhiều đồ ăn nhanh sẽ góp phần dẫn đến gan nhiễm mỡ không do rượu. Lâu ngày có thể dẫn tới xơ gan.

2. Trường hợp men gan tăng vượt ngưỡng nhiều lần mà bệnh nhân không kịp cấp cứu thì sẽ nguy hiểm như thế nào?

ThS.BS Lê Thị Vân Anh: Men gan cao cũng là một dấu hiệu đánh giá sự suy gan của bệnh nhân, ngoài ra còn liên quan đến các chức năng khác. Men gan tăng cao có thể dẫn đến hôn mê gan, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, bệnh nhân có men gan cao không nên tự điều trị tại nhà mà cần đến bệnh viện khám sớm.

Uống 20 ly rượu sâm panh một lúc, người đàn ông phải đến bệnh viện "xử lý", bác sĩ khuyến cáo 1 việc không được tự ý làm - Ảnh 3.

ThS.BS Lê Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa, bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh.

3. Làm sao để bảo vệ gan đúng cách?

ThS.BS Lê Thị Vân Anh: Để bảo vệ lá gan của mình, chúng ta cần làm những việc sau:

- Vận động thường xuyên, tránh thức ăn có nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh.

- Tập thể dục thường xuyên để duy trì sức khỏe tốt.

- Tránh uống quá nhiều rượu bia, đặc biệt là uống hàng ngày vì có thể dẫn tới viêm gan do rượu, xơ gan hay ung thư gan.

- Tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể gây nhiễm độc cho lá gan. Cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

- Tiêm phòng viêm gan B nếu chưa mắc.

Tết là khoảng thời gian vui vẻ và đoàn viên. Do đó mọi người nên chú ý giữ gìn sức khỏe, đừng vì những cuộc vui chơi vô độ mà dẫn đến tình trạng men gan tăng cao dịp Tết, từ đó làm cho niềm vui Tết đến Xuân về không còn trọn vẹn!