Nhiều người cho rằng uống cà phê có tác dụng giảm cân, đặc biệt uống vào những mốc thời gian khác nhau, cà phê nóng hoặc lạnh sẽ có sự khác biệt đối với cơ thể, liệu điều này có đúng không?
1. Uống cà phê vào buổi sáng giúp đại tiện thông thuận?
Bác sĩ Uông Quốc Lân - phó giám đốc bệnh viện Tung Wah Hospital cho biết, cà phê có tác dụng kích thích nhu động ruột hỗ trợ việc đại tiện. Phân và nước tiểu tích tụ từ buổi tối hôm trước cho đến sáng, nếu bạn chỉ cần uống nước là đủ để thúc đẩy nhu động ruột hoạt động, nhưng nếu bạn uống cà phê thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Nhưng ở thời điểm này, cân nặng của bạn giảm là do chất thải đã được đào thải ra ngoài cơ thể chứ không phải là lượng mỡ của bạn đã giảm. Cà phê có tác dụng kích thích thần kinh giao cảm, một nghiên cứu đã phát hiện uống cà phê giúp hỗ trợ tiêu hao nhiệt lượng trong cơ thể, nhưng nếu bạn chỉ dựa vào việc uống cà phê để giảm cân thì mọi chuyện không đơn giản như thế.
2. Uống cà phê nóng hoặc lạnh có tác dụng trong việc giảm cân?
Bác sĩ Uông Quốc Lân chỉ ra, chất caffeine trong cà phê có tác dụng tương tự như dược phẩm và chất kích thích ephedrine. Caffeine có tác dụng kích thích thần kinh giao cảm giúp tiêu hao nhiệt lượng, giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ đốt cháy mỡ và giảm cân. Tuy nhiên bạn cần phải lưu ý, việc uống ít hay nhiều cà phê phải căn cứ vào khả năng chịu đựng của cơ thể trong việc dung nạp chất caffeine.
Uống cà phê nóng hoặc lạnh không có sự khác biệt lớn trong việc tiêu hao nhiệt lượng cơ thể. Ngược lại, uống cà phê thêm đường hoặc không đường có sự khác biệt rất lớn. Cà phê chứa hàm lượng lớn chất phenol có tác dụng đối với sức khỏe, giúp thúc đẩy khả năng trao đổi chất, cải thiện tình trạng kháng insulin. Nhưng nếu bạn thêm đường vào cà phê, hoặc ăn kèm với bánh quy hay 1 viên kẹo socola, nghĩa là bạn đã làm giảm tác dụng của cà phê đối với cơ thể.
Tuy nhiên bạn cần phải lưu ý, việc uống ít hay nhiều cà phê phải căn cứ vào khả năng chịu đựng của cơ thể trong việc dung nạp chất caffeine.
3. Uống cà phê trước khi vận động liệu có giúp giảm cân?
Bác sĩ Uông Quốc Lân giải thích, thông thường chất caffeine trong cà phê có thể gây ra huyết áp cao, tim đập nhanh, nhưng phản ứng của cơ thể khi uống cà phê sẽ tùy theo thể trạng hoặc thói quen ăn uống của mỗi người.
Nghiên cứu cho thấy, uống cà phê trước khi vận động giúp tiêu hao nhiệt lượng trong cơ thể. Nhưng nếu trường hợp của bạn là sau khi uống cà phê liền cảm thấy tim đập nhanh, thì lời khuyên dành cho bạn là không nên uống cà phê trước khi vận động. Bởi quá trình bạn vận động hoặc tập luyện thể thao có thể khiến tim đập nhanh hoặc gây ra các vấn đề về tim.
Đặc biệt nhóm người mắc bệnh huyết áp cao, đường huyết cao, mỡ máu cao hoặc người mắc bệnh tim mạch nên tránh uống cà phê trước khi vận động để giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe.
Theo Ettoday