Thu Hà (28 tuổi, sống tại Phú Thọ) ra hiệu thuốc mua các loại thuốc bổ theo một lời tư vấn trên mạng. Vì mong muốn có thai nên Hà uống từ sắt, axit folic, vitamin, canxi, DHA... mong con khỏe mạnh ngay từ trong trứng.
Nguyễn Hằng (sống tại Hà Nội) đã bổ sung các loại thuốc bổ ngay từ khi vừa lấy chồng xong. Hằng quan niệm uống vào thân không đi đâu mà thiệt, không có con thì cũng khỏe người. Cô không ngại chi tiền triệu mỗi tháng để bổ sung các loại thực phẩm chức năng nhưng chưa hề qua chỉ định của bác sĩ.
Một thời gian sau, Hà có biểu hiện táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, vàng da... đi khám thì bác sĩ thông báo bị thừa sắt, còn các loại như canxi, DHA bổ sung quá sớm là không cần thiết. Về Hằng, khi đi khám bác sĩ cũng tư vấn các thành phần vitamin, khoáng chất… thường có trong các loại thuốc bổ phải căn cứ trên nhu cầu của từng cá nhân, sự phù hợp về thể trạng, dinh dưỡng, điều kiện bệnh, các mẹ không nên tự ý mua theo đơn người khác hoặc những lời khuyên ở trên mạng.
Dẫu biết rằng các loại vitamin và khoáng chất luôn rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, có những loại vitamin không bao giờ nên tự uống và có những loại bạn có thể uống trước khi quyết định có bầu 3 tháng.
Các vitamin A, D, E và K đều tan được trong chất béo và vì thế cơ thể cũng thường dự trữ các vi chất này. Việc uống một liều lớn vitamin này trong một giai đoạn dài có thể gây ngộ độc cơ thể. Uống quá liều tiền vitamin A có nguồn gốc động vật (retinol) sẽ rất có hại cho sự phát triển của thai nhi. Vì thế, bạn nên tránh tất cả các loại vitamin hay các loại dầu gan cá có chứa lượng tiền vitamin A nhiều hơn khuyến nghị cho phép hằng ngày (750mcg/ngày).
Vitamin bổ sung sẽ rất hữu ích khi các mẹ dùng đúng nhưng không có nghĩa là có thể thay thế chế độ dinh dưỡng
Trao đổi với Thạc sĩ - Bác sĩ Phạm Ngọc Hà, chuyên khoa Sản phụ khoa tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, bác sĩ cho biết:
"Hiện nay, việc lan truyền phong trào bổ sung vitamin trở thành một vấn đề nổi cộm. Thực tế, một số bác sĩ trên nền tảng mạng xã hội, tự xưng là chuyên gia y tế và tư vấn về thang thuốc, thực chất lại quảng cáo sản phẩm chức năng nhằm tăng doanh số mà không có trách nhiệm.
Mặc dù nhiều người tỏ ra rất linh động khi chia sẻ về các loại thuốc và tác dụng tốt, nhưng thực tế họ ít khi thực hiện kiểm tra trực tiếp cho bệnh nhân. Người ta chỉ nghe hoặc xem video và sau đó mua sản phẩm mà không cần suy nghĩ. Điều này tạo nên một thực tế không đúng và là một vấn đề đáng lưu ý hiện nay.
Ở nước phát triển, và họ tập trung vào ba yếu tố cơ bản: Thể dục, chế độ ăn, và việc thăm bác sĩ trước khi có kế hoạch mang thai. Chỉ có y bác sĩ mới có thể cá nhân hóa, đưa ra hướng đi tốt nhất dựa trên từng trường hợp cụ thể. Trái ngược với điều này, thực tế tại Việt Nam chỉ xoay quanh vấn đề đó là thuốc và thuốc. Vậy nên chúng ta nên thay đổi".
Vitamin bổ sung sẽ rất hữu ích khi các mẹ dùng đúng nhưng không có nghĩa là có thể thay thế chế độ dinh dưỡng. Vì thế nếu muốn mang thai, các mẹ nên lên kế hoạch cho chế độ ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi một cách khoa học.
Ngoài ra, theo khuyến nghị, các mẹ nên bổ sung 400mcg axit folic/ngày và luôn thêm các thực phẩm giàu folate trong chế độ ăn hằng ngày. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh thai nhi. Các mẹ có thể uống axit folic trước khi thụ thai khoảng 12 tuần. Các bác sĩ cũng khuyên mẹ ra nắng sớm để cơ thể sản xuất vitamin D, giúp canxi hấp thụ tốt hơn.
Tốt nhất, không nên tự ý sử dụng các loại vitamin, thực phẩm chức năng không qua chỉ định. Các mẹ nên đi xét nghiệm máu để biết mình đang thừa/ thiếu chất gì để bổ sung hoặc ngừng bổ sung.