Thời tiết chuẩn bị bước vào những ngày nóng nực, nước ép rau củ quả hay còn gọi là nước ép xanh là một lựa chọn tuyệt vời để giải nhiệt và thanh lọc cơ thể, tăng cường sức khỏe hàng ngày, cung cấp lượng chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa dồi dào.
Tuy nhiên, nhiều người lo lắng khi sử dụng loại đồ uống này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm giun sán. Vậy nước ép rau củ sống có an toàn trong vấn đề vệ sinh không? Nên chế biến như thế nào để tránh nhiễm giun sán?
1. Uống nước ép rau củ sống có dễ nhiễm giun sán không?
Uống nước ép rau củ sống hoàn toàn có thể nhiễm giun sán hoặc ký sinh trùng khác. Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, rau tươi có chứa rất nhiều loại ký sinh trùng như giun kim, giun tóc, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ… Nhất là các loại rau trồng gần khu vực có nguồn nước, đất bị ô nhiễm.
Đối với các loại củ quả, tỷ lệ nhiễm giun sán hoặc các ký sinh khác là có nhưng không cao so với rau xanh. Vì các loại củ quả có lớp vỏ bảo vệ, khi gọt vỏ chúng ta chỉ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tay, các dụng cụ sơ chế và chế biến.
Thêm nữa, các loại giun sán hoặc trứng của chúng và các loại ký sinh trùng có trong rau củ quả thường có kích thước rất nhỏ, khó quan sát bằng mắt thường. Do đó, nếu như bạn sơ chế không sạch sẽ, nguồn thực phẩm kém chất lượng, giun sán dễ xâm nhập vào cơ thể khi bạn uống nước ép hoặc ăn sống.
2. Lợi ích của nước ép rau củ sống
Mặc dù uống nước ép rau củ quả sống có thể nhiễm giun sán hoặc ký sinh trùng khác nhưng nước ép này rất tốt đối với sức khỏe. Theo Healthbenefitstimes, khi bạn bổ sung nước ép rau củ quả thường, bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi ích như:
2.1. Ngăn ngừa các bệnh mãn tính
Nước ép rau xanh là nguồn tuyệt vời cung cấp vitamin, khoáng chất thiết yếu và các hợp chất thực vật có lợi cho cơ thể. Ví dụ, củ cải Thụy Sĩ và cải xoăn chứa nhiều vitamin A và K, trong khi cỏ lúa mì cung cấp nhiều vitamin C và sắt.
Đặc biệt, rau xanh có chứa các chất chống oxy hóa như beta-carotene, lycopene và các hợp chất phenolic. Chất chống oxy hóa này hỗ trợ cơ thể chống lại các tác động của gốc tự do bao gồm cả sự đột biến của các tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư. Uống nước ép rau hàng ngày làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khác như bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh tự miễn dịch
2.2. Tốt cho tim mạch
Nước trái cây và rau củ chứa nhiều kali giúp giảm huyết áp và giảm căng thẳng cho hệ thống tim mạch. Hơn nữa, hàm lượng Vitamin C và sắt trong các loại thực phẩm làm nước ép giúp kích thích tuần hoàn và thúc đẩy hàm lượng collagen trong cơ thể, làm giảm khả năng các mạch máu và động mạch bị hư hỏng.
2.3. Tốt cho não
Các chất chống oxy hóa trong nước ép rau củ sống có lợi trong việc loại bỏ mảng bám trong đường dẫn truyền thần kinh và làm giảm sự lắng đọng beta-amyloid. Điều này thúc đẩy trí nhớ, chức năng cơ bản và sự tập trung, thậm chí làm chậm hoặc ngăn chặn các bệnh thoái hóa thần kinh.
2.4. Tốt cho đường tiêu hóa
Có một số bằng chứng cho thấy một số hợp chất trong nước rau củ quả tươi có thể hoạt động như prebiotic, giúp nuôi dưỡng và hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi sống trong đường tiêu hóa.
Hơn nữa, nhiều người thấy rằng uống rau và trái cây là một cách dễ dàng và hiệu quả để tăng cường hấp thụ các chất dinh dưỡng có giá trị.
Ngoài những lợi ích trên, nước ép rau củ quả tươi còn có thể giúp làm đẹp da, giữ cho tóc khoẻ mạnh, tăng cường miễn dịch và tuần hoàn máu.
3. Cách làm nước ép rau củ sống an toàn và đảm bảo sức khỏe
Vì có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, bạn vẫn nên uống nước ép rau củ quả thường xuyên. Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun sán hoặc ký sinh trùng, bạn có thể lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, sơ chế và chế biến một cách sạch sẽ.
Các chuyên gia thường khuyến cáo, khi chế biến nước ép từ rau củ quả sống, bạn cần phải chọn nguyên liệu sạch, không bị hỏng hoặc thối, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh rau củ trồng ở những khu vực có chất lượng đất, nước kém và bị ô nhiễm.
Khi sơ chế, bạn nên rửa nguyên liệu trực tiếp dưới vòi nước chảy, điều này khá hữu ích trong việc loại bỏ giun san, ký sinh trùng cũng như hóa chất tồn dư (nếu có).
Tuy nhiên, có một số loại rau chứa các loại ký sinh trùng khó làm sạch bằng nước như sán lá gan, do đó, mọi người không nên dùng các loại rau này để làm nước ép, chẳng hạn như rau muống, rau ngổ, rau rút (rau nhút)… Các bạn có thể thay thế bằng các loại rau có tính an toàn cao như cải kale, cần tây, rau bina, cỏ lúa mì, dưa chuột, rau mùi tây và bạc hà.
Ngoài ra, khi chế biến nước ép, bạn cũng cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng để tránh nhiễm khuẩn vào thực phẩm.
Nếu như bạn có thói quen thường xuyên ăn rau sống, salad, nước ép rau củ quả tươi, việc tẩy giun 6 tháng/lần là điều cần thiết để phòng tránh nguy cơ nhiễm giun sán.
Nguồn: Healthbenefitstimes