Phát hiện cơ sở sản xuất cà phê trộn pin để nhuộm màu cà phê
Sáng 17/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm khối lượng cà phê tại cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp).
Kết quả kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, tại cơ sở của bà Loan đang dự trữ khoảng hơn 20 tấn cà phê được làm bằng vỏ cà phê, bột đá ngâm với nước bột pin Con Ó. Toàn bộ sản phẩm chuẩn bị đưa đi các tỉnh tiêu thụ thì bị phát hiện.
Kết quả kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, tại cơ sở của bà Loan đang dự trữ khoảng hơn 20 tấn cà phê được làm bằng vỏ cà phê, bột đá ngâm với nước bột pin Con Ó.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường cho hay, cà phê ở đây được sản xuất theo công thức vỏ cà phê trộn với bột đá, cà phê thải loại ngâm qua nước pha bột pin. Sau khi ngâm, ủ với nước bột pin, tất cả nguyên liệu được cho vào máy trộn để cà phê đều màu trước khi đưa vào một lò sấy thủ công. Sau khi hoàn thành các công đoạn "hô biến" với bột đá và nước pin, cà phê bẩn được đóng bao xuất đi nhiều nơi, mỗi bao có trọng lượng khoảng 50-70kg.
Trước thông tin này, người dân đang hết sức hoang mang. Cà phê vốn là một trong những món đồ uống rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của người Việt. Vậy uống cà phê trộn pin nguy hiểm thế nào và liệu có cách để phân biệt cà phê sạch với cà phê trộn pin hay không?
Cà phê trộn pin tiềm ẩn nhiều nguy hại sức khỏe, dễ khiến người uống mắc bệnh Parkinson
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen. Việc trộn với bột cà phê, sau đó trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ thôi ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc. Khi hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5mg/ lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen.
Mangan dioxit có tính oxy hóa khử cao. Khi pha cà phê có trộn pin với đường và nước nóng, mangan dioxit sẽ chuyển thành dạng ion là Mn2+, nhanh chóng xâm nhập vào máu. Hàm lượng mangan khi đi vào cơ thể quá liều, khiến gan không đào thải được hết sẽ gây độc phổi, thận, tim mạch và hệ thần kinh. Trẻ em và phụ nữ mang thai sẽ gặp nguy hiểm cao hơn khi tiếp xúc với mangan.
Chuyên gia khẳng định: "Mangan không có khả năng hình thành những bệnh nguy hiểm như ung thư cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, tác hại mà nó gây ra cũng không hề nhỏ vì có mối liên hệ mật thiết với hệ thần kinh gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson". Nếu nhẹ thì bạn sẽ cảm thấy đau đầu, buồn ngủ nhưng không ngủ được, nặng thì mất trí nhớ, nói ngọng, giảm khả năng vận động, đi lại không vững...
Nhiễm độc mangan có thể khiến bạn mắc bệnh Parkinson.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần kiểm tra chặt chẽ, sát sao hơn thì mới tránh được việc tiêu thụ cà phê trộn pin chứ không thể phân biệt bằng mắt thường.
"Để đảm bảo sản xuất kinh doanh cà phê minh bạch và an toàn, các cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê, không kể quy mô lớn hay nhỏ, bắt buộc phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mà mình làm ra và được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, các cơ sở phải thực hiện đúng theo những tiêu chuẩn để đăng ký", chuyên gia khẳng định.
Để đảm bảo sản xuất kinh doanh cà phê minh bạch và an toàn, các cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê, không kể quy mô lớn hay nhỏ...
Chưa hết, cơ sở sản xuất cà phê cần có chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng của nguyên liệu đầu vào, kiên quyết loại bỏ nguyên liệu bị mốc vì đây là chất có khả năng gây ung thư, cực nguy hại cho sức khỏe. Việc sử dụng chất phụ gia được dùng trong sản xuất cà phê cũng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuân thủ đúng hàm lượng đã quy định của Bộ Y tế.
"Để tránh tình trạng tạo sản phẩm cà phê gây hại sức khỏe người tiêu dùng nói chung, điều quan trọng nhất vẫn là đề nghị các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm không tuân theo pháp luật để mong giảm bớt cà phê bẩn, độc hại ngoài thị trường", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.