Trong một cuộc phỏng vấn với Glamour, nữ diễn viên Brooke Shields tiết lộ rằng cô bị co giật khi ở New York (Mỹ) vào tháng 9 vừa qua. Nguyên nhân là do cô đã uống quá nhiều nước.

Nữ diễn viên cho biết, cô đang chuẩn bị cho một chương trình và đã uống rất nhiều nước. Nhưng cô lại không biết mình đang thiếu natri. Trong lúc đợi xe, cô đi xuống bậc thang và rất choáng váng. Và theo như những gì mọi người chứng kiến thì ngôi sao 58 tuổi này xuất hiện triệu chứng "sùi bọt mép, tái mét". Cô thẳng thắn chia sẻ rằng mình đã "suýt chết vì uống quá nhiều nước".

Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến những cơn động kinh, dấu hiệu cảnh báo bạn đang "dư thừa nước" - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Brooke Shields tiết lộ rằng cô bị co giật, nguyên nhân là do cô đã uống quá nhiều nước.

Theo TS Jonathan Parker, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Mayo Clinic ở Arizona (Mỹ), một số cơn động kinh có thể xảy ra do uống quá nhiều nước, điển hình là động kinh co cứng - co giật.

Một cơn động kinh co cứng - co giật có thể xuất hiện do bị kích động hoặc vô cớ. Những người bị động kinh co cứng - co giật vô cớ thường là kết quả của các vấn đề sức khỏe như có khối u, tiền sử đột quỵ trước đó - điều mà bạn không thể xác định ngay lập tức. Co giật co cứng - co giật do bị kích thích có thể được gây ra bởi một số loại thuốc, chấn thương não, sốt quá mức và bất thường về điện giải. Những gì đã xảy ra với nữ diễn viên Brooke Shields có thể thuộc về khả năng thứ hai.

"Nồng độ natri trong máu của bạn có thể giảm đáng kể nếu bạn uống quá nhiều nước dẫn đến dư thừa. Vì nước có ít chất điện giải, do đó sẽ làm loãng những gì có trong máu của bạn", ông nói.

Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến những cơn động kinh, dấu hiệu cảnh báo bạn đang "dư thừa nước" - Ảnh 2.

Nồng độ natri trong máu của bạn có thể giảm đáng kể nếu bạn uống quá nhiều nước dẫn đến dư thừa.

Làm thế nào để biết bạn đang uống quá nhiều nước?

Nước là thành phần hóa học chính của cơ thể. Chúng chiếm từ 60-70% trọng lượng cơ thể của bạn nhưng điều đó không có nghĩa là bạn uống bao nhiêu nước cũng được. Liên quan đến việc uống nước, TS Parker cho biết, có nhiều yếu tố cần lưu ý, chẳng hạn như kích thước cơ thể của bạn, tình trạng hoạt động...

Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo về lượng nước trung bình cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày ở người trưởng thành như sau: Đối với nam giới, cần cung cấp cho cơ thể khoảng 3,7 lít nước mỗi ngày. Đối với nữ giới, cần cung cấp cho cơ thể khoảng 2,7 lít nước mỗi ngày.

Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến những cơn động kinh, dấu hiệu cảnh báo bạn đang "dư thừa nước" - Ảnh 3.

Nam giới cần cung cấp cho cơ thể khoảng 3,7 lít nước mỗi ngày. Nữ giới cần cung cấp cho cơ thể khoảng 2,7 lít nước mỗi ngày.

Tuy nhiên một số chuyên gia về sức khỏe lại cho rằng bạn cần uống nước nhiều lần trong suốt cả ngày kể cả khi bạn không khát. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

- Các hoạt động thể lực như lao động hoặc chơi thể thao: Đây đều là những hoạt động khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Do đó, những người tham gia các hoạt động "tốn sức lực" này cần bổ sung nước nhiều hơn so với những người không tham gia các hoạt động tương tự.

- Môi trường: Ở thời tiết nóng ẩm mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn khiến lượng nước cần bổ sung cũng lớn hơn.

- Tình trạng sức khỏe của cơ thể: Nếu đang trong các trường hợp như tiêu chảy, nôn mửa, sốt... cơ thể bạn sẽ mất rất nhiều nước và các chất điện giải. Vì thế cần liên tục bổ sung nước, tốt nhất là dung dịch oresol để bù lại lượng nước và điện giải bị mất đi.

Dấu hiệu cảnh báo bạn đang uống quá nhiều nước:

- Nước tiểu có màu trong suốt

- Xuất hiện tình trạng đau đầu kéo dài và cảm thấy buồn nôn

- Tỉnh dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu

- Yếu cơ, run tay chân hoặc chuột rút

- Thường xuyên mệt mỏi và uể oải

- Xuất hiện tình trạng lú lẫn

Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến những cơn động kinh, dấu hiệu cảnh báo bạn đang "dư thừa nước" - Ảnh 4.

Bạn cần uống nước nhiều lần trong suốt cả ngày kể cả khi bạn không khát.

Làm thế nào để phát hiện một cơn động kinh co giật - co cứng?

Đây là dạng động kinh phổ biến ở người trưởng thành và có những biểu hiện khá rõ ràng, được cho là dễ nhận biết nhất.

Cơn động kinh co cứng – co giật toàn thân thường xuất hiện với 4 giai đoạn:

Giai đoạn co cứng: Thường xảy ra đột ngột trong 15-20 giây, người bệnh có thể chỉ kịp kêu lên 1 tiếng rồi ngã bất tỉnh ngay. Bắt đầu các cơn co cứng, chân tay duỗi thẳng nhưng ngón tay gấp vào trong, sắc mặt nhợt nhạt tím tái, hàm răng cắn chặt, hai mắt trợn ngược, ngưng thở trong vòng vài giây và người bệnh có thể không tự kiểm soát được đại tiểu tiện.

Giai đoạn co giật: Kéo dài khoảng 2-3 phút. Toàn thân bất ngờ co giật liên tục theo từng nhịp, thân mình gấp hoặc ưỡn ra sau. Ban đầu cơn co giật mạnh nhưng sau đó giảm nhẹ, thưa dần và đi vào từng nhóm cơ bắp. Các cơ mặt cũng có thể bị giật, sùi bọt mép.

Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến những cơn động kinh, dấu hiệu cảnh báo bạn đang "dư thừa nước" - Ảnh 5.

Cơn động kinh co cứng – co giật toàn thân thường xuất hiện với 4 giai đoạn.

Giai đoạn hôn mê: Sau khi hết co giật, các cơ giãn ra, người bệnh mất cảm giác và ý thức, họ nằm yên tưởng chừng như đang ngủ. Sau khoảng 1-2 phút sắc mặt trở lại bình thường, nhịp thở đều dần.

Giai đoạn thức tỉnh: Người bệnh tỉnh dậy mà không biết điều gì đã xảy ra trước đó. Lúc này họ có thể cảm thấy mệt mỏi, tinh thần không ổn định và có thể ngủ thiếp đi sau đó.

Với một số trường hợp trước khi xuất hiện cơn động kinh, họ sẽ có những dấu hiệu cảnh báo trước, chẳng hạn như đau nửa đầu, ảo giác, mất phương hướng, cảm giác ngứa ran, mùi khét hoặc vị lạ khó chịu trong miệng, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, hồi hộp, tính tình thay đổi trở nên cáu gắt vô cớ.