Thận chỉ có thể loại bỏ 0,8 - 1 lít nước mỗi giờ và uống nhiều nước có thể làm mất cân bằng các chất điện giải như natri, kali, magie của cơ thể. Thông thường, rất khó để một người uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trường hợp này có thể vô tình xảy ra khi chúng ta tham gia các hoạt động thể thao hoặc khi tập luyện với cường độ cao.

Uống quá nhiều nước có thể gây ra tình trạng ngộ độc nước, hay còn gọi là nhiễm độc nước hoặc hạ natri máu. Lượng nước nạp vào cơ thể quá nhiều làm loãng chất điện giải, đặc biệt là natri trong máu, khiến nồng độ natri giảm xuống dưới 135mmol/l (hạ natri máu). Natri giúp duy trì sự cân bằng của chất lỏng bên trong và bên ngoài tế bào. Khi nồng độ natri giảm do tiêu thụ quá nhiều nước, chất lỏng sẽ di chuyển từ bên ngoài vào bên trong tế bào, khiến chúng bị phù. Nếu điều này xảy ra với các tế bào não, não bộ có thể bị phù, gây gián đoạn chức năng của não bộ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.

Uống quá nhiều nước có thể tăng nguy cơ phù não: 6 dấu hiệu cảnh báo cần giảm lượng nước nạp vào - Ảnh 1.

Uống quá nhiều nước có thể gây mất cân bằng điện giải và tăng nguy cơ phù não.

Khi bạn uống quá nhiều nước, cơ thể có thể xuất hiện một vài dấu hiệu cảnh báo. Nếu xuất hiện các dấu hiệu này, mọi người nên hạn chế lượng nước đang uống.

Dấu hiệu cảnh báo bạn đang uống quá nhiều nước

1. Nước tiểu có màu trong suốt

Nếu nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu nước, thì nước tiểu có màu trong suốt có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thừa nước và cần giảm lượng nước đang uống. Theo trang thông tin y tế Healthline, nước tiểu màu vàng nhạt trông giống như nước ép chanh hoặc táo là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã nạp đủ lượng nước cần thiết.

2. Xuất hiện tình trạng đau đầu kéo dài và cảm thấy buồn nôn

Uống quá nhiều nước có thể làm giảm nồng độ natri trong máu, dẫn đến đau đầu và buồn nôn.

3. Tỉnh dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu

Theo trang Medical News Today, hầu hết mọi người đi tiểu từ 6 - 7 lần mỗi ngày. Tuy nhiên nếu bạn nhận thấy mình đi tiểu thường xuyên hơn mức đó và cần phải thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã uống quá nhiều nước.

Tuy nhiên, đi tiểu nhiều cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu đường, các vấn đề về tuyến tiền liệt,... vì vậy nếu tình trạng đi tiểu nhiều diễn ra trong thời gian dài bạn có thể đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám.

Uống quá nhiều nước có thể tăng nguy cơ phù não: 6 dấu hiệu cảnh báo cần giảm lượng nước nạp vào - Ảnh 2.

Đi vệ sinh quá nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang uống quá nhiều nước.

4. Yếu cơ, run tay chân hoặc chuột rút

Uống quá nhiều nước cũng có thể gây ra tình trạng yếu cơ hoặc chuột rút. Những triệu chứng này có thể phát sinh khi bạn uống quá nhiều nước khiến lượng natri trong máu hạ xuống thấp. Ngoài ra, nếu bạn nhận thấy tay chân run rẩy và đau dù không hoạt động gắng sức, đó có thể là dấu hiệu bạn đang thừa nước và thiếu chất điện giải quan trọng.

5. Thường xuyên mệt mỏi và uể oải

Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải và dẫn đến tình trạng mất năng lượng, buồn ngủ hoặc mệt mỏi liên tục.

6. Xuất hiện tình trạng lú lẫn

Trong các trường hợp ngộ độc nước nghiêm trọng do lượng natri trong máu hạ xuống thấp, các chất lỏng có thể di chuyển vào tế bào não và tăng nguy cơ phù não. Lúc này có thể có thể xuất hiện các dấu hiệu như lú lẫn, co giật, mất ý thức.

Trên đây là một số dấu hiệu có thể cảnh báo tình trạng uống quá nhiều nước nhưng cần lưu ý rằng đây cũng có thể là triệu chứng cảnh báo tình trạng sức khỏe khác. Để chắc chắn hơn, bạn có thể đến bệnh viện và tham khảo sự tư vấn từ bác sĩ.

Nguồn: Insider