Dữ liệu từ các thử nghiệm với 31.000 tình nguyện viên ở UAE, cho thấy vắc-xin này có hiệu quả cao và không gây ra mối lo ngại nghiêm trọng, theo báo cáo của Bộ Y tế UAE.
Bộ này cho biết thành công này mở đường cho việc sử dụng vắc-xin một cách rộng rãi và mở cửa trở lại nền kinh tế của quốc gia vùng Vịnh.
Được phát triển bởi công ty China National Biotec Group Co. (CNBG) thuộc tập đoàn dược phẩm Sinopharm Trung Quốc, vắc-xin đã được sử dụng cho hàng trăm nghìn người theo sự cho phép khẩn cấp ở Trung Quốc, nhưng vẫn chưa được bất kỳ cơ quan quản lý dược phẩm nào chấp thuận cho phép sử dụng công khai.
CNBG đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Với hiệu quả 86%, vắc-xin của CNBG được xếp vào hàng các vắc-xin phòng COVID-19 hiệu quả nhất mà thế giới đã thấy, biến sản phẩm này trở thành một lựa chọn tiềm năng thuận lợi hơn để tiêm chủng cho khu vực đang phát triển với phần đông dân số thế giới so với các nỗ lực tiên phong của phương Tây.
Sản phẩm này cũng là một bước hiện thực hóa lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là biến bất kỳ loại vắc-xin phòng COVID-19 của Trung Quốc nào trở thành “hàng hóa toàn cầu” như một phần nỗ lực phục hồi hình ảnh của Trung Quốc sau khi đại dịch bùng phát từ thành phố Vũ Hán.
Các quốc gia như Indonesia và Pakistan đã ký thỏa thuận với CNBG và một số nước khác hiện có khả năng sẽ tiếp bước, do sự phù hợp của vắc-xin của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển.
Trong khi vắc-xin mRNA của Pfizer Inc. và Moderna Inc. cho thấy hiệu quả cao hơn trên 90%, những vắc-xin này gây ra thách thức phân phối đối với một số quốc gia khi đòi hỏi các phương tiện bảo quản và xe tải có năng lực đông lạnh sâu. Vắc xin CNBG có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường.
Tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin CNBG cũng cao hơn so với kết quả ban đầu từ vắc-xin do AstraZeneca Plc và Đại học Oxford đồng phát triển, được nói là có tỷ lệ hiệu quả 62% với số người tham gia thử nghiệm khi tiêm đủ hai liều.
Vắc xin CNBG được sản xuất bằng cách sử dụng một phiên bản bất hoạt của coronavirus để tạo cơ hội cho hệ thống miễn dịch của con người chống lại chúng. Đây là một trong những ứng cử viên vắc-xin đầu tiên vào giai đoạn thử nghiệm trên người cuối cùng chỉ bốn tháng sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán. Gần một năm xảy ra đại dịch, thế giới đã có hơn 68 triệu người đã bị nhiễm bệnh và hơn 1,5 triệu người thiệt mạng.
Trung Quốc có hai nhà phát triển vắc xin khác đang tiến hành các thử nghiệm giai đoạn cuối trên toàn cầu. Một trong số họ, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac có trụ sở tại Bắc Kinh, đang trong quá trình phân tích dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn 3 ở Brazil và có thể công bố dữ liệu về tính hiệu quả trong vòng vài ngày.