Viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, có thể khiến người bệnh tử vong trong vòng vài giờ đến vài ngày nếu không được điều trị kịp thời. Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa hiệu quả nhất, nhưng để bảo vệ tối ưu, không thể bỏ qua yếu tố thời gian sau tiêm.
Tiêm vắc xin viêm não mô cầu bao lâu thì có hiệu quả?
Theo Tiến sĩ Andrew Pollard - Giám đốc Trung tâm Vắc xin Oxford (Anh Quốc), giống như các loại vắc xin khác, vắc xin viêm não vô cầu không thể có hiệu quả ngay lập tức sau khi tiêm vào cơ thể người. Hiệu quả bảo vệ tối đa của vắc xin phòng viêm não mô cầu có thể lên tới 90% -tùy thuộc vào loại vắc xin, độ tuổi người tiêm và nền tảng miễn dịch. Tuy nhiên, hiệu quả này không đến ngay sau tiêm mà cần từ 7 đến 14 ngày để đạt mức tối ưu.

Vắc xin viêm não mô cầu cần 7 - 14 ngày sau tiêm để có hiệu quả miễn dịch với bệnh (Ảnh minh họa)
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng nhấn mạnh rằng hiệu quả bảo vệ không đến ngay sau tiêm. Điều đó có nghĩa là dù ngay sau khi tiêm cơ thể đã bắt đầu tạo kháng thể nhưng còn yếu, bạn chỉ nên xem mình có "lá chắn phòng bệnh" sau ít nhất 2 tuần kể từ ngày tiêm vắc xin viêm não mô cầu.
Tại sao vắc xin viêm não mô cầu cần 2 tuần mới đạt hiệu quả tối đa?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc xin phòng viêm não mô cầu hiện nay thường là vắc xin bất hoạt, chia thành hai nhóm chính là vắc xin polysaccharide và vắc xin liên hợp (conjugate vaccine). Cả hai đều có cơ chế giúp kích hoạt hệ miễn dịch mà không gây bệnh.
Lý do cần tới 7 - 14 ngày mới phát huy hiệu quả tối đa là do hệ miễn dịch cần thời gian để phát hiện kháng nguyên, kích hoạt các tế bào phòng vệ và sản sinh kháng thể đặc hiệu với vi khuẩn mô cầu sau đó ghi nhớ cơ chế miễn dịch. Sau khi tiêm, hệ miễn dịch sẽ trải qua ba giai đoạn chính để xây dựng “lá chắn” bảo vệ như sau:
- Giai đoạn nhận diện (vài ngày đầu): Hệ miễn dịch bắt đầu tiếp xúc và nhận diện kháng nguyên từ vắc xin, kích hoạt phản ứng miễn dịch ban đầu.
- Giai đoạn sản xuất và ghi nhớ (ngày 7-14): Cơ thể dần tạo ra lượng kháng thể đủ mạnh để chống lại vi khuẩn nếu tiếp xúc, đồng thời hình thành trí nhớ miễn dịch để phản ứng nhanh hơn trong tương lai.
- Giai đoạn miễn dịch ổn định (sau 2 tuần): Mức kháng thể đạt đỉnh và duy trì ổn định, mang lại khả năng phòng bệnh hiệu quả trong nhiều năm (tuỳ loại vắc xin).

Cơ thể cần thời gian tạo miễn dịch và có các phản ứng phụ ngắn hạn sau khi tiêm vắc xin viêm não mô cầu (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Pollard cũng lưu ý, hiệu quả vắc xin cũng như thời gian có hiệu quả sau khi tiêm vắc xin viêm não mô có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Ngoài loại vắc xin sử dụng còn có yếu tố như tuổi tác, bệnh nền, khoảng cách giữa các mũi tiêm và điều kiện bảo quản vắc xin. Do đó, dù đã tiêm phòng, người dân vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân trong khoảng 2 tuần đầu để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hiệu quả của vắc xin cũng có thể giảm theo thời gian, do đó sẽ tiêm nhắc lại theo khuyến nghị nếu cần.
Nguồn tổng hợp: VNVC, NHS, CDC Hoa Kỳ