Thông thường phát triển một loại vaccine phải mất 10 năm, nhưng trong cuộc chiến với COVID-19, không thể chờ đợi lâu như thế. Tốc độ giết chóc của dịch bệnh này khiến các nhà khoa học không thể ngồi yên. Câu chuyện phát triển thành công vaccine của BioNtech-Pfizer là một minh chứng cho thấy quyết tâm của giới khoa học trong cuộc chiến của cả nhân loại với COVID-19.

Ngay từ tháng 1/2020, khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, thậm chí khi đó, người ta mới chỉ nói đến nguy cơ nó trở thành một đại dịch toàn cầu, Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin đã bắt tay vào hành động.

Ông ý thức được điều quan trọng nhất không chỉ là sự an toàn, hiệu quả của vaccine, mà còn là phải chạy đua với thời gian. Một dự án khẩn cấp có tên "tốc độ ánh sáng" đã được BioNTech kích hoạt.

500 nhà nghiên cứu đã làm việc với tốc độ ánh sáng, đúng như tên dự án, với mục tiêu phải có vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2020. Họ đã rút ngắn được thời gian nhờ sử dụng công nghệ mRNA, công nghệ mà họ đã sử dụng nghiên cứu chữa ung thư để kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người.

 - Ảnh 1.

Giáo sư Ugur Sahin - Giám đốc điều hành BioNTech cho rằng: "Không có nhiều công ty trên thế giới đủ năng lực phát triển nhanh chóng vaccine như chúng tôi. Đây không phải là cơ hội mà là nghĩa vụ".

Nhưng để tốc độ ánh sáng đi đến thành công, cần thêm nguồn lực. BioNTech đã quyết định hợp tác với hãng dược lớn Pfizer của Mỹ để đẩy nhanh việc phát triển vaccine ngừa COVID-19. Một quyết định không thể sáng suốt hơn.

Và kết quả không phụ lòng các nhà khoa học. BioNTech và Pfizer thông báo vaccine của họ có hiệu quả lên đến 95% mà không có những lo ngại nghiêm trọng nào về độ an toàn.

"Đây thực sự là một cột mốc rất quan trọng. Chúng tôi tin tưởng đây là sự khởi đầu cho việc chấm dứt đại dịch", Giáo sư Ugur Sahin nhấn mạnh.

Đội ngũ các nhà khoa học đầy đam mê và nhiệt huyết

Đứng đằng sau thành công vaccine ngừa COVID-19 của BioNtech/Pfizer là đội ngũ các nhà khoa học đầy đam mê và nhiệt huyết, trong đó có cặp vợ chồng Giám đốc điều hành BioNtech Ugur Sahin.

 - Ảnh 2.

Cả hai đều có chung niềm đam mê nghiên cứu và ung thư học. Họ thành lập công ty BioNTech để theo đuổi các công cụ điều trị miễn dịch ung thư. Đây cũng chính là nền tảng giúp họ thành công trong việc phát triển nhanh vaccine ngừa COVID-19.

Cặp vợ chồng nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ này gia nhập "câu lạc bộ" 100 người giàu nhất nước Đức sau thành công của vaccine ngừa COVID-19 khiến định giá của BioNtech tăng vọt lên 21 tỷ USD. Tuy nhiên, họ vẫn sống giản dị với cô con gái trong một căn hộ nhỏ. Họ đi làm bằng xe đạp và không mua xe hơi.

Giáo sư Sahin thường mặc quần jean, đi xe đạp và khoác balo khi đến tham dự các cuộc họp lớn. Ông vẫn thích đọc các tạp chí y khoa hơn là kiểm tra giá cổ phiếu của công ty.

Vợ chồng giáo sư Sahin được tạp chí Financial Times bầu chọn là nhân vật của năm nhờ những đột phá trong việc tìm ra vaccine ngừa COVID-19.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, họ đang ấp ủ phát triển loại vaccine ngừa COVID-19, khắc phục nhược điểm phải bảo quản ở nhiệt độ lạnh tới âm 70 độ C như hiện nay. Như vậy sẽ giúp hạ chi phí bảo quản và khiến vaccine dễ tiếp cận hơn với mọi quốc gia.

Vaccine ngừa COVID-19 - Dấu mốc quan trọng của các nhà khoa học - Ảnh 3.