Lươn là loại thịt được ví "bổ hơn sâm". Ở Nhật, lươn là món ăn quanh năm, tuy nhiên nhiều nhất là vào mùa hè. Hàng năm, người Nhật có riêng một ngày hội ăn lươn và gọi lươn là "sâm dưới nước", vì thịt lươn có nhiều vitamin A, DHA, protein, omega-3, vitamin E, vitamin A, photpho...
Các chất dinh dưỡng như axit béo, omega-3 có trong thịt lươn có thể giúp cải thiện huyết áp, giảm cholesterol, tốt cho xương và giảm đau bụng kinh. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh ăn các món lươn thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ gây ung thư vú, cải thiện lưu thông máu đến não, cải thiện trí nhớ và giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Ngoài ra, vitamin A trong thịt lươn còn giúp giảm nếp nhăn, giúp làn da tươi trẻ, đàn hồi tốt.
Trong Đông y, thịt lươn được gọi là thiện ngư, chúng vừa là món ăn ngon lại là vị thuốc tốt. Có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ gan, tỳ, thận. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100g thịt lươn có chứa 18,7g đạm, 0,9g chất béo, 39g canxi, 1,6mg chất sắt. Đặc biệt, thịt lươn rất giàu vitamin A, thường được xếp trong danh sách 5 món ăn giàu vitamin A nhất.
Nguyên liệu cơ bản làm cơm lươn:
Lươn: 2 con
Cơm: 2 bát
Gừng: 1 nhánh nhỏ
Hành hoa: 2-3 cây
Mù tạt: một chút
Nguyên liệu gia vị ướp lươn:
Rượu gạo: 2 muỗng canh
Muối: một nhúm
Bột tiêu: một chút
Nguyên liệu phần nước tương:
Xì dầu: 4 thìa canh
Rượu nấu ăn: 4 thìa canh
Siro bắp: 2 thìa canh
Đường: 1 muỗng canh
Nước: 1/4 cốc
Hành tây: 1/4 củ
Hành baro: 1/2 cây
Tỏi: 3 tép
Gừng: 1 nhánh nhỏ
Tiêu đen nguyên hạt: 5-10 hạt
Cách làm cơm lươn:
Bước 1: Lươn mua về, cho vào túi ni lông, thêm muối, buộc chặt túi lại và lắc mạnh rồi dùng tay chà xát muối lên thân lươn. Làm điều này trong khoảng 2 phút để lươn nhả hết nhớt. Tiếp theo, mở túi rồi dùng nước ấm rửa sạch lươn.
Hoặc bạn có thể mua tại các cửa hàng thực phẩm uy tín phần thịt lươn đã được làm sạch. Sau khi mua về bạn dùng sống dao cạo loại bỏ phần nhớt trên da lươn cho thật sạch. Sau đó rửa qua nước lạnh rồi dùng khăn bếp thấm khô. Tiếp theo bạn cho các nguyên liệu ướp gồm rượu gạo, hạt tiêu, chút muối vào phần thịt lươn. Trộn đều rồi ướp lươn khoảng 10 phút.
Sau khi ướp lươn xong bạn cho vào xửng, hấp trong khoảng 3 đến 5 phút. Lưu ý bạn hãy điều chỉnh thời gian hấp tùy theo độ dày của thịt lươn. Bạn không nên ướp lươn với nước mắm hoặc gừng vì không hợp vị, sẽ làm giảm chất lượng món ăn.
Bước 2: Đặt chảo lên bếp chờ cho nóng. Sau đó cho các loại rau củ gồm hành tây, gừng đã gọt vỏ, tỏi nướng sém. Nướng rau củ xong bạn cho vào nồi, thêm nước tương rồi đun sôi. Khi nước tương sôi thì bạn từ từ hạ lửa ở mức vừa và thấp rồi tiếp tục đun khoảng 15 phút. Sau đó lọc qua rây lấy phần nước.
Bước 3: Thái gừng thành sợi nhỏ, sau đó ngâm vào nước lạnh khoảng 5 phút rồi vớt ra để ráo. Hành lá cắt nhỏ.
Bước 4: Đặt lươn vào chảo. Tiếp theo phết phần sốt xì dầu tẩm đều lên thịt lươn và nướng chín. Bạn có thể cắt lươn thành miếng vừa ăn ở bước này. Mẹo nhỏ: Bạn nên cho phần da của lươn lên chảo trước và nướng vì lâu chín hơn phần thịt. Hãy để lại một chút sốt xì dầu.
Bước 5: Lấy cơm vào tô, thêm 1/2 thìa sốt xì dầu rưới lên cơm, thêm lươn nướng, gừng thái sợi rồi rắc hành lá lên trên. Lươn nướng ăn kèm với wasabi (mù tạt) cũng rất ngon.
Thành phẩm món cơm lươn:
Thịt lươn khi nướng chín sẽ thấm đều gia vị từ nước tương và rau củ. Thịt lươn có vị mềm, ngọt, tươi ngon. Khi ăn cùng cơm trắng rưới chút xì dầu thì ngon tuyệt vời.
Chúc các bạn thật ngon miệng với món cơm lươn nhé
Mẹo nhỏ chọn lươn ngon
Để chọn lươn tươi ngon, bạn hãy ưu tiên chọn những con lươn có trọng lượng/ độ lớn vừa phải và có 2 phần màu rõ rệt, phần bụng màu vàng và phần lưng màu đen. Đây được đánh giá là loại lươn tự nhiên, sẽ cho thịt thơm và chắc.
Không nên chọn những con lươn quá nhỏ hoặc quá lớn. Con nhỏ thì thịt sẽ không ngon, phần thịt không ngọt thơm. Nếu chọn con lươn quá lớn thì đa phần thuộc loại lươn nuôi, nên thịt của chúng dễ bị nhão và không thơm.