Theo ghi nhận của chúng tôi, từ 5h sáng, người dân tại các xã thuộc huyện Lục Nam, Bắc Giang đã bắt đầu chở vải đi bán như thường lệ. Vải được chất đầy vào từng sọt với trọng lượng từ 170 – 200kg rồi vận chuyển đến các địa điểm thu mua vải thiều lớn tại huyện Lục Ngạn như Thị trấn Kim, Thị trấn Chũ…

 - Ảnh 1.

Hàng ngày, người dân phải chở hàng tấn vải đi trên chiếc cầu chòng chành tắc cứng.

Hầu hết người dân từ các xã phía huyện Lục Nam đều vận chuyển vải lên Thị trấn Kim và Thị trấn Chũ, (huyện Lục Ngạn) để tiêu thụ do đây là điểm thu mua vải lớn nhất trong khu vực từ trước đến nay.

Điều đáng nói, đa phần người dân đều phải đi qua cây cầu phao Tòng Lệnh bắc qua sông Lục Nam, đoạn qua địa bàn thôn Tòng Lệnh, xã Trường Giang, (huyện Lục Nam).

 - Ảnh 2.

 - Ảnh 3.

Từ sáng sớm, chiếc cầu phao đã trở nên đông đúc.

 - Ảnh 4.

Chiếc cầu là con đường duy nhất giúp mọi người đi đến chợ đầu mối bán vải.

 - Ảnh 5.

Chiếc cầu nhỏ hẹp khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn.

 - Ảnh 6.

Nhiều người phải tập trung cao độ khi đi trên cầu.

Theo người dân nơi đây cho biết, mỗi năm khi mùa thu hoạch vải đến, cây cầu phao đều xảy ra tình trạng ùn tắc do lượng người dân đi bán vải quá lớn, trong khi chiếc cầu quá nhỏ.

Ghi nhận của chúng tôi vào sáng 4/6 tại khu vực này, cây cầu phao chòng chành cấu tạo bằng sắt được giữ nổi bằng những chiếc phao cỡ lớn phía dưới. 2 đầu chiếc cầu phao đều có độ dốc lớn, trong khi mỗi chuyến vải nặng vài tạ khiến việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ trong khoảng 20 phút đã có 2 người dân chở vải bị ngã lộn dập, hỏng gần hết số vải chở đi bán.

 - Ảnh 7.

 - Ảnh 8.

Hai phía đầu cầu đều có độ dốc cao nên việc di chuyển nguy hiểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trung, một người dân đi bán vải qua đây cho biết, hàng ngày ông và mọi người vẫn chở nhiều chuyến vải nặng vài tạ qua chiếc cầu phao này để đi bán.

"Tôi đàn ông đi còn sợ vì 2 bên đầu cầu đều dốc cao mà chở vải thì nặng xe rất dễ bị bốc đầu. Các chú thấy đấy mới có mấy phút mà 2 người lộn nhào, đàn ông chúng tôi đi còn sợ huống gì phụ nữ nhưng vẫn đành phải chịu vì không còn đường nào khác", ông Trung bày tỏ.

 - Ảnh 9.

Do chở vải nặng nên việc lật xe, đổ thường xuyên xảy ra tại đây.

 - Ảnh 10.

Những chuyến vải bị đổ sẽ không bán được hoặc bán với giá rất thấp cho thợ vải sấy.

 - Ảnh 11.

 - Ảnh 12.

Dù có người đẩy phía sau nhưng vẫn gặp nguy hiểm.

 - Ảnh 14.

Việc ngã lộn xuống sông là chuyện bình thường.

Cũng là một người dân đi bán vải qua đây, bà Lành cho biết: "Đi qua chiếc cầu phao này thì mới có thể sang được chợ Kim, (huyện Lục Ngạn) để bán nên mọi người chỉ còn cách liều mình đi qua. May có người thân cũng đi bán thì nhờ đẩy lên dốc giúp, còn không có ai thì đành tự mình lao lên.

Nhiều chuyến vải nặng quá mà lên dốc thì cao xe bị bốc đầu, việc bị ngã lộn xuống sông là chuyện bình thường. Vải sau khi ngã cũng không còn bán được nữa", bà Lành chia sẻ.

 - Ảnh 15.

Mỗi khi có người ngã, chiếc cầu lại càng trở nên tắc cứng.

 - Ảnh 17.

Người dân bất lực nhìn nhau ngã khi lên cầu.

 - Ảnh 18.

Người dân mong muốn chính quyền các cấp sớm có giải pháp cho cây cầu này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, hàng năm mỗi khi vải chín rộ sẽ có 2 – 3 người làm dịch vụ đứng ở các đầu cầu. Khi có người thuê đẩy lên dốc, những người này sẽ phụ giúp với mức giá từ 10.000 – 20.000 đồng/ lượt. Tuy nhiên, năm nay chưa thấy có người nào làm dịch vụ này tại đây khiến việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ghi nhận giá vải thiều tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang hiện dao động ở mức từ 15.000 - 18.000 đồng/kg tuỳ xấu đẹp. Vải U đường dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Vải Thanh Hà dao động ở mức từ 20.000 - 23.000 đồng/kg, tuỳ chất lượng xấu đẹp.

Đa số người dân nơi đây đều bày tỏ mong chính quyền các cấp tạo điều kiện xây dựng hoặc cải tạo cây cầu nơi đây cho người dân và các em học sinh đang hàng ngày, hàng giờ di chuyển qua chiếc cầu này được an toàn.