Trước đây, fan phản đối bằng hình thức trend hashtag trên mạng xã hội, thuê xe tải biểu tình. Nhưng giờ đây, họ đã có cách thức khác độc hại hơn rất nhiều: gửi hoa tang. Hình thức này đã gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội suốt thời gian qua.
Thực trạng "lễ hội hoa cúc" đáng sợ với Seunghan (cựu thành viên RIIZE) và Suga (BTS)
Fandom RIIZE không phải là những người đầu tiên gửi hoa tang đến công ty quản lý, nhưng là fandom đầu tiên thể hiện được sức mạnh "kinh hồn bạt vía" của phương thức phản đối này. Ngay từ khi mới ra mắt (tháng 9/2023), thành viên Seunghan đã bị "bóc" lại hàng loạt phốt quá khứ như vào nhà nghỉ với bạn gái, hút thuốc, bàn tán cợt nhả về Eunchae (LE SSERAFIM)... Những tranh cãi này đã buộc SM Entertainment đình chỉ hoạt động của Seunghan, để RIIZE chạy lịch trình với đội hình 6 thành viên.
Sau 10 tháng tạm dừng hoạt động, Seunghan được SM Entertainment thông báo sẽ quay trở lại nhóm. Điều này ngây lập tức kích động cộng đồng người hâm mộ RIIZE chủ yếu tại thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong 10 tháng qua, 6 thành viên đã biến nhóm thành "tân binh khủng long", bán được hàng triệu album, sở hữu loạt hit Love 119, Boom Boom Bass và sold out 2 đêm fancon tại KSPO Dome - thu hút đến 30.000 khán giả. Trong mắt fan Đông Á, họ không thể chấp nhận việc có 1 thành viên gây tranh cãi trở lại nhóm và "hưởng ké" vinh quang. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của fan quốc tế, họ thoáng hơn và cho rằng Seunghan không làm gì sai.
Với lợi thế sân nhà, fan Hàn không lên mạng "phím chiến" với fan quốc tế mà lập tức hành động. Chỉ chưa đầy 24 giờ, đã có đến 1000 vòng hoa được gửi đến trước cổng SM Entertainment để thể hiện sự phản đối. Số lượng vòng hoa này nhiều đến nỗi nhiều người còn phải cảm thán: "Chủ tịch chết còn không nhận được nhiều hoa tang như vậy". Fan Hàn còn đồng loạt hủy order những sản phẩm của RIIZE, gây áp lực lên những đối tác quảng cáo nhằm đánh trực tiếp vào túi tiền của SM Entertainment. Trước sức ép này, Seunghan vừa quay lại nhóm 2 ngày đã buộc phải rời đi để "sóng yên biển lặng" trở lại.
"Team qua đường", fan trung lập được phen mở mắt trước tiềm lực của fandom RIIZE. Tuy giành phần thắng nhưng fandom Đông Á của RIIZE vấp phải sự chỉ trích nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng việc làm này không khác gì khủng bố tinh thần của Seunghan. Nam idol này làm sai nhưng không xứng đáng phải dự "đám tang" của chính mình ở độ tuổi còn rất trẻ như vậy. Nếu tinh thần không vững, idol này có thể tìm đến những giải pháp cực đoan.
Fan BTS cũng không đứng ngoài trào lưu này. Việc fan BTS gửi vòng hoa phản đối đến HYBE Labels đã xuất hiện từ lúc tập đoàn này vướng drama tranh chấp với Min Hee Jin. Từ những phát ngôn của Min Hee Jin, BTS bị nghi theo tà giáo, gian lận nhạc số... Công ty cũng sử dụng 7 chàng trai để "chắn đạn" từ công chúng.
Chứng kiến việc thần tượng bị đối xử bất công, cộng đồng Army đã chạy xe tải và vòng hoa vào tháng 5/2024 nhằm thể hiện sự phản đối HYBE. Trước động thái "căng như dây đàn" từ fan, HYBE Labels đã phải nhanh chóng lên tiếng dọa kiện các hành vi hành vi bôi nhọ danh dự BTS. Chiến dịch gửi hoa tang lần 1 này được coi như là thành công.
Đến nay, 1 bộ phận Army tiếp tục tổ chức "lễ hội hoa cúc" nhằm yêu cầu Suga rời nhóm. Lý do Suga bị fan ghét bỏ do anh đã gây ra scandal say rượu lái xe. Nam rapper không bị truy tố, nhưng phải chịu mức phạt cao nhất lên đến 15 triệu won (275 triệu đồng). Tiền không phải là vấn đề với Suga, nhưng danh tiếng và hình tượng của anh đã bị tổn hại nghiêm trọng. Tại Hàn Quốc, say rượu lái xe là trọng tội, hoàn toàn có thể kết liễu sự nghiệp của các ngôi sao như Kim Sae Ron, Lizzy (After School), Youngmin (AB6IX)...
1 bộ phận fan tỏ ra không hài lòng vì Suga đã làm vấy bẩn danh tiếng 10 năm BTS gây dựng. Theo suy nghĩ của họ, BTS từ nhóm nhạc có hình tượng tích cực trở thành nhóm nhạc có "tội phạm", các thành viên khác cũng bị vạ lây. Và thế là họ muốn Suga phải rời BTS, dù cho anh đã cống hiến cho nhóm suốt 10 năm qua.
Tuy nhiên phần lớn fandom không đồng tình với ý kiến này. Họ quan điểm BTS phải có trọn vẹn 7 thành viên và Suga không cần phải rời nhóm. Trên mạng xã hội, 2 luồng fan với 2 quan điểm khác nhau không ngừng khẩu chiến. Hiện tại, chiến dịch gửi hoa tang lần 2 này vẫn chưa có kết quả.
Đã đến lúc văn hóa gửi hoa tang cần dừng lại
Trên thực tế, gửi hoa tang là hình thức phản đối không mới tại Hàn Quốc. Trước khi lan sang Kpop, những vòng hoa tang đã có mặt tại các buổi biểu tình, được gửi đến các chính trị gia, liên đoàn bóng đá Hàn Quốc, đội thể thao điện tử... Với người Hàn Quốc, đây là 1 hình thức thể hiện sự phản đối.
Tuy nhiên, ở những nền văn hóa khác thì hoa tang mang ý nghĩa rất nặng nề. Những thông điệp tiêu cực trên vòng hoa phản đối khiến đây trở thành văn hóa phản đối độc hại, mang tính khủng bố và bắt nạt nghệ sĩ. Nhiều người kêu gọi fan Kpop nên có những cách thức khác ôn hòa hơn để phản đối, tránh cực đoan, độc hại và làm tổn thương idol.
Trong quá khứ, đã có nhiều ngôi sao không thể chống chọi lại sức ép của dư luận như Sulli, Jonghyun (SHINee). Sulli có tuổi thơ không hạnh phúc, phải đối diện với áp lực nổi tiếng từ khi quá nhỏ. Đến khi trưởng thành, cô gây ra nhiều tranh cãi về chuyện tình cảm, cách ăn mặc. Có thời điểm, Sulli "thở cũng bị ném đá", là đối tượng bị công kích hàng đầu trên mạng xã hội. Để rồi khi nữ idol ra đi, cả thế giới lại xót thương cô.
Jonghyun (SHINee) từng bị chỉ trích kịch liệt vì công khai hẹn hò Shin Se Kyung năm 2010. Trước sức ép dư luận, cặp đôi nhanh chóng chia tay. Về sau, Jonghyun không thể chiến thắng trong cuộc chiến với bệnh trầm cảm. Dù chuyện tình tan vỡ với Shin Se Kyung có thể không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của Jonghyun, nhưng hành động quá khích của 1 bộ phận fan hẳn đã làm những ngày vui sống của anh ngắn lại.
Để tránh những hậu quả đau lòng lặp lại, đã đến lúc người hâm mộ nên hướng đến xây dựng 1 môi trường Kpop lành mạnh hơn. Điều này có lẽ cũng nên cần sự thấu hiểu, phối hợp đến từ các công ty giải trí. Cần có những biện pháp mạnh tay ngay từ đầu để thanh lọc các nghệ sĩ bê bối ra khỏi môi trường showbiz như cấm diễn, chấm dứt hợp đồng hay phạt nặng về pháp lí. Một mặt, chính sự chủ quan, dễ dãi và coi thường của các công ty phần nào góp phần tiếp tay cho các thần tượng lệch chuẩn. Từ đó, kéo theo những hành động gây bức xúc đến từ một nhóm người hâm mộ cực đoan. Mặt khác, đối với các nghệ sĩ không phạm sai lầm thì cũng cần có động thái bảo vệ, tư vấn tâm lý cũng như xử lý các hành vi tấn công độc hại của cư dân mạng.
Không hiếm thấy các trường hợp trầm cảm xuất hiện trong giới idol, đó như là một điều kiện đi kèm cần phải chấp nhận nếu bạn lựa chọn con đường này. Thực trạng đáng buồn đang bao phủ Kpop, không ít người trong cuộc cũng từng đứng ra chiến đấu, lên tiếng, có những động thái nhằm chăm lo sức khỏe tinh thần bản thân cũng như cho đồng nghiệp. Và điều này cũng cần cả sự đồng cảm, yêu thương đến từ người hâm mộ, một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của mỗi một nghệ sĩ.