Chỉ còn 1 ngày nữa, sĩ tử sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, ngày 7/7: Thí sinh thi môn Ngữ văn và Toán và ngày 8/7: Thí sinh thi bài thi tổ hợp và Ngoại ngữ. Do tâm lý căng thẳng trước ngày thi quan trọng nên suốt cả tuần qua, rất nhiều phụ huynh, học sinh đã đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám để thắp hương cầu may. Do tình hình dịch nên năm nay Văn Miếu vẫn đang tạm đóng cửa, không đón tiếp khách. Đa phần người dân đến dâng hương đều phải vái vọng từ phía ngoài Văn Miếu.

Tuy nhiên, một câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra. Đó là nhiều thí sinh và người thân ngồi khấn vái trước tấm bia "Hạ mã" trước cổng Văn Miếu. Thế nhưng tấm bia "Hạ Mã" (下 馬) thực tế lại không phải là không gian thờ tự, thắp hương và bao lâu nay, phụ huynh và học sinh đang vái sai, vái nhầm mà không hề hay biết!

Văn Miếu có một tấm bia ngay cổng mà sĩ tử nào cũng sì sụp khấn vái: Biết ý nghĩa của bia mới ngã ngửa vì vái nhầm bấy lâu - Ảnh 1.

Bia "Hạ Mã".

Văn Miếu có một tấm bia ngay cổng mà sĩ tử nào cũng sì sụp khấn vái: Biết ý nghĩa của bia mới ngã ngửa vì vái nhầm bấy lâu - Ảnh 2.

Phụ huynh, sĩ tử vái lạy trước bia "Hạ Mã".

Vậy thực chất, tấm bia này có ý nghĩa như nào?

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sát hè đường cổng di tích có 2 bia "Hạ mã" (下 馬). Tại đây, Ban quản lý di tích đã đề tấm biển du khách không đặt hoa, đặt mã và đồ lễ tại bia. Trên trang thông tin điện tử di tích Văn Miếu cho biết: "Hai bên khu Tiền án của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có hai tấm bia đề chữ "Hạ Mã", có nghĩa là "xuống ngựa".

Bia do Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771. Bia được đặt trong nhà che bia, bên dưới là bệ, kiến trúc nhỏ nhắn và vuông vắn rất hài hòa với toàn bộ không gian xung quanh. Xưa kia, bia "Hạ Mã" cùng với tứ trụ (4 cột trụ) trước cổng Văn Miếu, được xem là mốc giới hạn xác định ranh giới chiều ngang của Văn Miếu.

Văn Miếu có một tấm bia mà sĩ tử nào cũng sì sụp khấn vái mỗi mùa thi: Biết ý nghĩa mới ngã ngửa vì vái nhầm bấy lâu - Ảnh 3.

Bia "Hạ Mã" được dựng lên để nhắc nhở những người đi qua đây, dù là bậc công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa đi bộ ngang qua để biểu thị lòng tôn kính với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền.

Như vậy, bia "Hạ Mã" có thể xem là biển báo giao thông xưa và việc phụ huynh, thí sinh đến khấn vái tại tấm biển này là không đúng. Nhiều nhà văn hóa bày tỏ ý kiến, phụ huynh cần nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ bằng những phương pháp giáo dục, qua các phương tiện thông tin truyền thông. Đặc biệt, sĩ tử cần tham khảo sự hướng dẫn cụ thể của các ban quản lý di tích.