Vấn nạn 'cái chết cô đơn' ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Một trong 170 dãy nhà tạo nên khu chung cư Tokiwadaira gần Tokyo. Nơi này từng là một cộng đồng thịnh vượng nhưng giờ lại là tâm điểm của đại dịch “cái chết cô đơn” ở Nhật Bản

"Thỉnh thoảng chúng tôi có chào nhau, nhưng chỉ thế thôi. Nếu một trong những hàng xóm của tôi qua đời, tôi không nghĩ mình sẽ nhận ra”, bà Noriko Shikama, 76 tuổi, chia sẻ. Bà sống một mình trong căn hộ Tokiwadaira ở rìa Tokyo và đã đến trung tâm đón tiếp Iki Iki để cập nhật thông tin cùng với các cư dân khác bên tách cà phê do tình nguyện viên phục vụ.

Tại đây, giữa những cuộc trò chuyện hàng ngày về việc nhuộm tóc bạc, họ cũng chia sẻ tin tức về cái chết cô đơn mới nhất, hay “kodokushi” – được định nghĩa chính thức là “một người chết mà không có ai chăm sóc và thi thể của họ được tìm thấy sau một thời gian nhất định”.

Vài ngày trước, một người phụ nữ đã được phát hiện sau khi hàng xóm nhận thấy họ không nhìn thấy bà ngoài ban công. Bà đã mất được năm tháng. “Cái mùi ấy… bạn sẽ mãi mãi mắc kẹt với nó”, bà Shikama nói.

Theo báo cáo gần đây của cơ quan cảnh sát quốc gia, gần 22.000 người Nhật Bản qua đời tại nhà một mình trong ba tháng đầu năm nay, với khoảng 80% trong số họ từ 65 tuổi trở lên. Đến cuối năm nay, cơ quan ước tính số trường hợp chết một mình sẽ lên tới 68.000, so với khoảng 27.000 vào năm 2011.

Cách đây hai thập kỷ, Tokiwadaira ở thị trấn Matsudo là cộng đồng đầu tiên buộc phải đối mặt với hiện tượng đau buồn này, khi thi thể của một người đàn ông nằm trong căn hộ của mình đã không được ai phát hiện trong suốt ba năm. Tiền thuê nhà và các hóa đơn của ông đã được thanh toán tự động và cái chết của ông chỉ được chú ý sau khi tiền tiết kiệm của ông cạn kiệt.

“Căn hộ đó không phải là nơi mà bạn có thể hình dung là có người sinh sống”, bà Aiko Oshima, Phó Chủ tịch Hiệp hội cư dân Tokiwadaira, cho biết. “Chúng tôi không muốn chuyện khủng khiếp như vậy xảy ra lần nào nữa”.

Khi những người đầu tiên chuyển đến đây sống hơn sáu thập kỷ trước, những tòa chung cư bốn tầng ở Tokiwadaira được coi là nơi ở trong mơ của nhiều gia đình trẻ trong làn sóng kinh tế phát triển thời hậu chiến của Nhật Bản.

Khu phố từng vang vọng tiếng trẻ con chơi đùa quanh cây tuyết tùng non. Ngày nay, những cây đó rợp bóng vòng quanh 170 khu chung cư giống hệt nhau, tạo nên một trong những khu nhà ở tập thể lớn nhất Nhật Bản.

“Khi đó, nền kinh tế đang bùng nổ và các gia đình đều khao khát được sống ở đây. Đó là một nơi sôi động. Nhưng bây giờ mọi người đều già đi”, bà Oshima, người chuyển đến Tokiwadaira cùng chồng và con trai nhỏ vào năm 1961, nói.

Giờ đây, khi dân số Nhật Bản tiếp tục già đi, ngày càng có nhiều người phải trải qua những năm cuối đời trong sự cô lập. Theo Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia, số người trên 65 tuổi sống một mình ở mức 7,38 triệu người vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên gần 11 triệu người vào năm 2050. Theo cuộc điều tra dân số năm 2020, các hộ nhà độc thân chiếm gần 38% tổng số nhà, tăng 13,3% so với cuộc khảo sát 5 năm trước đó.

“Xác suất của những cái chết đơn độc chắc chắn sẽ tăng lên trong xã hội kể từ bây giờ. Điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp”, Bộ trưởng Y tế Keizo Takemi tuyên bố vào tháng trước.

Tại Tokiwadaira, ước tính có khoảng 54% cư dân ở độ tuổi trên 64, và 1.000 trong số 7.000 người ở đây sống một mình. Nhưng một loạt cái chết “kodokushi” đã thúc đẩy người dân địa phương bắt tay vào hành động. Hiệp hội cư dân đã thiết lập một đường dây nóng để những người hàng xóm có thể thông báo chính quyền. Vào năm 2004, chiến dịch “không có người chết đơn độc” đã được phát động và hiện nó đã trở thành tấm gương cho các khu nhà ở cũ kỹ khác. Năm nay, khu chung cư đã giới thiệu “kizuna”, một thiết bị giám sát được trang bị cảm biến giúp xác nhận người cư trú trong căn hộ đang di chuyển.

Các đội tuần tra tình nguyện cũng dựa vào một số dấu hiệu nhận biết đáng ngờ: đồ giặt để ngoài ban công sau khi khô, kéo rèm vào ban ngày, thư từ không được thu thập và đèn bật sáng suốt đêm.

Vấn nạn 'cái chết cô đơn' ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Một người dân đi dọc con đường ở khu Tokiwadaira

Bà Oshima mở một cuốn album chứa ảnh của một số nạn nhân “kodokushi” ở Tokiwadaira, khuôn mặt của họ được giấu đi để bảo vệ sự riêng tư. Những hình ảnh này thật đáng lo ngại, nhưng bà tin rằng chúng là lời nhắc nhở quan trọng về những gì có thể xảy ra khi sự cô lập xã hội chiếm chỗ mối quan hệ cộng đồng. “Khi tôi đưa những thứ này cho các quan chức phúc lợi và tình nguyện viên đến thăm, họ đều rất phiền lòng. Nhưng tôi nói với họ rằng, đây là thực tế của cái chết đơn độc… và nó đang xảy ra ngay bây giờ, cách Tokyo không xa”, bà nói.

Chiến dịch này không loại bỏ được những cái chết cô đơn – bà Oshima cho biết “vẫn có vài trường hợp mỗi năm” – nhưng khả năng có người bị bỏ quên hàng tuần, thậm chí hàng tháng đã giảm.

Trong không gian cộng đồng ở trung tâm Iki Iki, các bức tranh của một họa sĩ địa phương khuyến khích mọi người ra ngoài và gặp gỡ hàng xóm, cũng như một biểu đồ trình bày lợi ích sức khỏe của việc đi bộ thường xuyên. Khoảng nửa chục người đi vào trung tâm phục hồi chức năng để tham gia một lớp tập thể dục. Hai đứa trẻ mặc đồng phục đi bộ từ trường về nhà và tiếng khóc của một đứa bé vang lên qua cửa sổ đang mở. Nhưng đây chỉ là những ví dụ hiếm hoi của một tầng lớp trẻ gần như không còn tồn tại ở các khu vực như Tokiwadaira.

Những người tuần tra tình nguyện đến thăm bà Yoko Kohama, 87 tuổi, người đã sống một mình kể từ khi chồng bà qua đời tám năm trước. Bà điều hành một cửa hàng quần áo và tiệm chơi mạt chược ở Tokyo trước khi chuyển đến Tokiwadaira để nghỉ hưu, giờ bà dành cả ngày bên máy tính và làm món mận chua umeboshi.

“Tôi không còn khỏe nữa”, bà Kohama trả lời khi bà Shikama hỏi dạo này bà thế nào. Kể từ khi chú chó nuôi (thú cưng của bà trong 18 năm) qua đời vào năm ngoái, việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài của bà bị hạn chế ở những chuyến đi chơi mạt chược hàng tuần.

“Tôi nhận được một khoản lương hưu khiêm tốn và tôi lo lắng cho sức khỏe của mình. Tôi không biết hàng xóm của mình là người như thế nào. Tôi đã nghĩ sẽ kết bạn khi chúng tôi chuyển đến đây, nhưng điều đó đã không xảy ra”, bà vừa nói vừa chỉ về phía hộp thuốc điều trị bệnh phổi mãn tính.

Bà Kohama, người không có con, tự hào trưng bày khay umeboshi đã lên men trên ban công nhà mình. “Sẽ là nói dối nếu nói rằng tôi không lo lắng về việc chết một mình. Nhưng chúng ta không thể kiểm soát được thời điểm và cách mình ra đi. Điều đó tùy thuộc vào Chúa”, bà nói thêm.