Công nghệ, đặc biệt là mạng Internet đã và đang ngày càng phát triển như vũ bão, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống con người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, mạng Internet cũng đặt ra những thách thức, rủi ro, trong đó có các hoạt động tội phạm xâm hại tình dục trực tuyến nhằm vào trẻ em.

Theo báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Interpol và các cơ quan chức năng Thái Lan thực hiện, khoảng 400.000 trẻ em từ 12 - 17 tuổi ở Thái Lan trở thành nạn nhân của bóc lột và lạm dụng tình dục trực tuyến vào năm 2021, tương đương với 9% số trẻ em nước này. Có tới 10% trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 17 ở Thái Lan đã tiếp xúc trực tiếp với người lạ mà các em chỉ quen qua mạng và 29% đã tiếp cận với những nội dung khiêu dâm trực tuyến.

Báo cáo cho biết những tình huống đáng lo ngại, trong đó trẻ em bị người lạ hoặc những người mà hầu hết các em biết ép buộc chia sẻ những bức ảnh khiêu dâm. Một số bị tống tiền hoặc bị ép buộc thực hiện hành vi tình dục thông qua lời hứa hẹn về tiền hoặc quà.

Đáng lo ngại, trẻ em và người chăm sóc không báo cáo hành vi lạm dụng trực tuyến. Khoảng 10 - 31% trẻ em từ 12 - 17 tuổi từng bị bóc lột và lạm dụng trực tuyến đã không tiết lộ vụ việc gần đây nhất cho bất kỳ ai. Chỉ 17% người chăm sóc được khảo sát cho biết họ sẽ báo cảnh sát nếu con họ bị quấy rối, lạm dụng hoặc bóc lột tình dục trên mạng. Trong khi, 47% trẻ em được khảo sát thừa nhận các em sẽ không biết tìm sự trợ giúp ở đâu nếu bản thân hoặc bạn bè bị xâm hại hoặc quấy rối.

Trong trường hợp đã nói với người lớn, nhiều trẻ em đã không nhận được sự giúp đỡ mà các em cần hoặc thậm chí không nhận được sự thừa nhận từ người lớn rằng đã có vấn đề xảy ra.

Một số em đã lựa chọn tự tử để thoát khỏi các tổn thương, trong khi một số em cố gắng sống sót với những "vết sẹo tâm lý" trong suốt cuộc đời.

Vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến và yêu cầu đảm bảo cho trẻ an toàn hơn trên mạng ở Thái Lan  - Ảnh 1.

(Ảnh: AFP)

Sự phát triển của mạng xã hội, Internet đang làm gia tăng các nguy cơ mất an toàn trực tuyến của trẻ, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo môi trường mạng an toàn cho trẻ em. Do đó, điều cần thiết là phải trang bị cho trẻ em và người chăm sóc các em những công cụ thiết yếu, chẳng hạn như kiến thức kỹ thuật số, tư duy phản biện và các kênh giao tiếp mở để nâng cao kiến thức và nhận thức của trẻ.

Một trong các thách thức chính trong việc ngăn chặn các hoạt động lạm dụng tình dục, bóc lột trẻ em trực tuyến chính là những khó khăn trong điều tra, thu thập bằng chứng về các hoạt động phạm tội, trong đó thiếu sự phối hợp từ các gia đình có trẻ bị lạm dụng. Bên cạnh đó là thách thức về hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công nghệ phát triển nhanh chóng trong khi việc sửa đổi luật pháp chưa theo kịp các thay đổi này.

Ngoài ra, Thái Lan cũng được nhận định còn thiếu lực lượng cảnh sát có chuyên môn để xử lý tội phạm trực tuyến, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em trên mạng.

Để đảm bảo cho trẻ an toàn hơn trên mạng, việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ và người giám hộ về các rủi ro trực tuyến là đặc biệt cần thiết.

Nhằm bảo vệ trẻ em trên mạng, UNICEF đã phối hợp với Bộ Phát triển Xã hội và An ninh Con người và Liên minh Internet An toàn Thái Lan phát động chiến dịch #CautionFirst nhằm kêu gọi trẻ em và thanh thiếu niên "suy nghĩ kỹ" trước khi chia sẻ ảnh, video và thông tin cá nhân trực tuyến. Chiến dịch nhằm mục đích bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột và lạm dụng tình dục trực tuyến, khuyến khích trẻ em tìm kiếm sự giúp đỡ thích hợp khi gặp nguy hiểm hoặc trở thành nạn nhân của mối nguy hiểm trực tuyến.

Làm cho môi trường mạng an toàn hơn cho trẻ em là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi nhiều thành phần trong xã hội phải hợp tác với chuyên môn và sự quan tâm tương ứng. Tuy nhiên, trên hết là tư duy, nhận thức của xã hội cũng sẽ cần phải thay đổi để đảm bảo cải thiện hiệu quả môi trường mạng, tạo ra các bức tường lửa bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.